Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Ngày 31/12/2024, gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã chính thức hết hiệu lực.

Trước đó, Thông tư 02/2023/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành vào cuối tháng 4/2023 quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Đối tượng được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là những khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và gặp khó khăn trong việc trả nợ các khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.

Ban đầu, Thông tư 02 chỉ có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024. Tuy nhiên, trong bối cảnh phục hồi chậm và vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, ngày 18/6/2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 06/2024/TT/NHNN kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 đến hết ngày 31/12/2024.

Sau hơn 1 năm rưỡi đi vào có hiệu lực, việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02); được sửa đổi bởi Thông tư 06/2024/TT/NHNN, được ban hành và gia hạn đã giúp tháo gỡ phần nào khó khăn trong công tác xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng cũng như làm giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay mới cho người dân và doanh nghiệp.

CHẤT LƯỢNG TÀI SẢN NGÂN HÀNG ĐỨNG VỮNG TRONG NĂM 2025

Theo đánh giá từ Công ty Cổ phần Xếp hạng Tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating), sau khi kết thúc Thông tư 02, chất lượng tài sản của các ngân hàng dự kiến sẽ được kiểm soát tốt trong năm 2025.

Nợ có vấn đề được dự báo không trở nên nghiêm trọng, nhờ tốc độ hình thành nợ xấu đã giảm, phản ánh dòng tiền của khách hàng được cải thiện trong năm 2024. Điều này cũng là minh chứng cho xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế và môi trường kinh doanh dần ổn định.

v1.png
Nguồn: VIS Rating

Số liệu cho thấy tổng nợ có vấn đề trong ngành ngân hàng (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ tái cơ cấu và trái phiếu VAMC) duy trì ở mức 6,9% trên tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tính đến tháng 6/2024. Con số này đã ổn định sau giai đoạn tăng mạnh 2,7 điểm phần trăm trong các năm 2022-2023. Đáng chú ý, tổng nợ gốc được cơ cấu lại toàn ngành đã giảm xuống còn 0,9% tổng dư nợ tín dụng, từ mức 1,2% vào cuối năm 2023.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đạt 4,55%, tăng 8,6% so với đầu năm và gần bằng mức cuối năm 2023. Tuy nhiên, mức này vẫn cao hơn đáng kể so với 2% của năm 2022. Báo cáo tài chính từ 29 ngân hàng trong 9 tháng đầu năm cho thấy số dư nợ xấu tăng 27,9% so với cuối năm 2023, đạt 259.186 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu 2,3%.

Theo các chuyên gia từ VIS Rating, trong ba quý đầu năm 2024, tốc độ hình thành nợ quá hạn tại các ngân hàng đã chậm lại, cho thấy dòng tiền của khách hàng đang có sự cải thiện rõ rệt.

Khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào cuối năm 2024, các ngân hàng sẽ phải hạch toán toàn bộ chi phí tín dụng đối với các khoản nợ tái cơ cấu. Nhóm chuyên gia đánh giá rằng, các ngân hàng lớn, đặc biệt là những đơn vị có tỷ lệ nợ tái cơ cấu thấp, sẽ kiểm soát tốt tác động này đối với kết quả kinh doanh.

v2.png
Nguồn: VIS Rating

Tuy nhiên, một số ngân hàng với tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao có nguy cơ phải đối mặt với rủi ro tài sản lớn hơn, đặc biệt liên quan đến các khoản vay trong lĩnh vực bất động sản và các khách hàng lớn. Trong khi đó, thị trường bất động sản vẫn đang bị kìm hãm bởi các vướng mắc pháp lý và nhu cầu yếu đối với nhiều dự án mới, khiến áp lực đè nặng lên những ngân hàng này.

Quảng cáo

Ngoài ra, các ngân hàng này cũng chịu thêm gánh nặng từ chi phí tín dụng tăng cao, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Một số ngân hàng nhỏ đã chủ động giảm rủi ro cho vay để cải thiện chất lượng tài sản, nhưng điều này đồng thời tạo áp lực lên biên lãi ròng trong thời gian tới.

NỢ XẤU CÁC NGÂN HÀNG CÓ TĂNG ĐỘT BIẾN?

Đánh giá về việc Thông tư 02 hết hiệu lực, nhóm chuyên gia phân tích của Chứng khoán BSC cho rằng, điều này không gây ảnh hưởng đáng kể lên bảng cân đối của các ngân hàng, sẽ không có sự gia tăng đột biến của tỷ lệ nợ xấu cũng như chi phí dự phòng.

BSC phân tích, dư nợ tái cơ cấu Thông tư 02 chiếm tỷ trọng thấp, cuối quý 3/2024 là khoảng 1,6% dư nợ toàn hệ thống, trong đó chỉ có 1 số ngân hàng ghi nhận tỷ lệ này cao hơn mặt bằng chung như VPBank (2,5%), MSB (1,2%), TPB (0,8%), còn lại đều nhỏ hơn 0,5%.

v3.jpg
Nguồn: Chứng khoán BSC

Hơn nữa, để đáp ứng quy định thì các ngân hàng đều phải trích lập dự phòng cụ thể bổ sung đủ 100% trong 2024, và qua trao đổi thì tại cuối quý 3/2024 hầu hết các bên đều đã trích lập đủ hoặc gần đủ. Ngoài ra thì các khách hàng vẫn trong thời hạn tái cơ cấu (tối đa 12 tháng) thì vẫn sẽ tiếp tục được áp dụng thông tư này kể cả khi hết hiệu lực.

Tương tự, theo dự báo của Chứng khoán VCBS, nợ xấu của ngành ngân hàng có thể đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và ảnh hưởng của việc Thông tư 02 hết hiệu lực không lớn.

VCBS cho biết, cuối quý 3/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đi ngang đạt 2,2% trong 3 quý liên tiếp. Tỷ lệ nợ nhóm 2 liên tục giảm còn 1,7%. Tỷ lệ nợ gốc tái cơ cấu theo Thông tư 02 tương đối thấp ước tính dưới mức 0,5%. Tỷ lệ nợ ngoại bảng VAMC của các ngân hàng niêm yết ở mức 0,2%. Các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi bão Yagi ghi nhận khoảng 192.000 tỷ đồng, chiếm hơn 1% dư nợ toàn hệ thống.

Nợ xấu đã đạt đỉnh và dự kiến đi ngang trong quý 4 bởi yếu tố mùa vụ khi dư nợ tín dụng tăng đột biến vào tháng cuối năm chưa phát sinh nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu mới hình thành trong quý cuối năm thường thấp. Các ngân hàng thường đẩy mạnh trích lập xóa nợ xấu trong quý 4.

v4.jpg
Nguồn: VCBS

Đồng thời, Thông tư 53 hướng dẫn việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và Quyết định số 1510/QĐ-TTg cho phép giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với cho khách hàng chịu thiệt hại do bão Yagi giúp giảm mức độ gia tăng nợ xấu và áp lực trích lập cho các ngân hàng. Trong khi đó, VCBS ước tính tỷ lệ nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu sau khi Thông tư 02 hết hiệu lực vào 31/12/2024 sẽ ở mức thấp.

“Tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng giảm dần trong 2025 nhờ vào tỷ lệ nợ xấu tiềm tàng (nợ nhóm 2, nợ tái cơ cấu) hạ thấp dần giúp giảm áp lực chuyển nhóm nợ trong thời gian tới. Cùng với đó, kỳ vọng các khoản nợ tái cơ cấu trong giai đoạn thử thách ở nhóm 2 và nhóm 3 sẽ chuyển về nhóm nợ thông thường từ quý 2/2025 khi dòng tiền và hoạt động kinh doanh của khách hàng phục hồi”, báo cáo của VCBS nêu.

Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý, chất lượng tài sản có sự phân hoá giữa các nhóm ngân hàng. Nhóm ngân hàng chất lượng tài sản tốt sẽ ghi nhận nợ xấu kiểm soát ở mức vừa phải.

Trong khi đó, áp lực nợ xấu vẫn hiện hữu với một số ngân hàng có tập khách hàng tái cơ cấu chưa thể phục hồi trong trường hợp Thông tư 02 không được gia hạn sau 31/12/2024, và rủi ro nợ kéo theo trên CIC đặc biệt với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, năng lượng có lượng trái phiếu sắp đến hạn lớn.

Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ tái cơ cấu cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp có thể sẽ phải đối mặt với áp lực trích lập tăng cao trong quý 4/2024 và năm 2025.

Theo https://thuonggiaonline.vn/ Copy

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: vanphong.vacod@gmail.com

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: toasoan@thuonggiaonline.vn
Website: https://thuonggiaonline.vn/