Chưa tạo được nổi bật
Còn nhớ ở ITE HCMC 2011, tổng cục Du lịch đứng vai trò đại diện quảng bá du lịch Việt Nam nhưng hình ảnh mờ nhạt. Đến ITE HCMC 2012 mọi người trông chờ du lịch Việt Nam được quảng bá đầy đủ và ấn tượng với những nét riêng mà các nước không có hoặc không vượt trội bằng. Thế nhưng, gian hàng chung chỉ có những bức ảnh về Bắc Trung bộ, Huế, Hạ Long, Tràng An – Bái Đính, du lịch biển và dành một góc cho TP.HCM. Ngay cả người trong nước cũng không tìm hiểu được thông tin đầy đủ du lịch Việt Nam ở nơi đại diện cho du lịch Việt Nam.
Đón khách đầu năm tại sân bay Tân Sơn Nhất
ITE HCMC năm nay, ở gian chung do tổng cục Du lịch phụ trách giới
thiệu về du lịch Việt Nam theo từng chủ đề sinh thái, văn hoá, biển đảo,
các đô thị cũng bằng những hình ảnh trên gian hàng. Còn ấn phẩm giới
thiệu chủ yếu là bản đồ không gian văn hoá du lịch Việt Nam in trên giấy
cỡ A3, mỗi tỉnh, thành được một, hai chấm là đã thấy rối mắt. Chắc chắn
ai muốn biết thêm về điểm nào đó được chấm trên bản đồ hay được ghi
trên hình ảnh thì phải tìm thông tin nữa ở các gian hàng của các tỉnh,
thành hoặc các doanh nghiệp lữ hành trong nước. Gom hết những quyển giới
thiệu du lịch địa phương và nhiều catalog, tờ rơi về tour tuyến, muốn
tiếp thị hay quảng bá cho du lịch Việt Nam, khách từ các hãng lữ hành
hay báo chí nước ngoài phải chịu khó sắp xếp hết tài liệu lớn, nhỏ, tổng
hợp lại. Vì vậy, thật dễ hiểu nếu như giới báo chí nước ngoài ưu tiên
xem những tài liệu của Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Đài Loan…
Việt Nam đưa ra ý tưởng kết nối du lịch giữa các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong “Năm quốc gia – một điểm đến” để khai thác thêm cơ hội thu hút khách, nhưng gian chung của du lịch Việt Nam không có hình ảnh hay tài liệu nào thể hiện cho khách thấy Việt Nam nằm ở vị trí thuận lợi và giàu tiềm năng du lịch như thế nào trong bản đồ du lịch năm nước.
“Chuyền bóng cho đội bạn”
Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tham gia mười gian hàng tạo nên không gian Hàn Quốc thật lớn trong ITE HCMC. Họ cũng vừa tổ chức buổi giới thiệu du lịch khen thưởng Hàn Quốc tại khách sạn năm sao mời cả trăm đơn vị lữ hành tham dự. Năm 2012, Hàn Quốc có một bộ ấn phẩm đẹp giới thiệu kỹ về du lịch Hàn Quốc. Năm nay, với hai cuốn “Cẩm nang du lịch Hàn Quốc” và “Thông tin các chương trình hỗ trợ du lịch khen thưởng Hàn Quốc” cung cấp những thông tin cập nhật chi tiết hơn, ngành du lịch nước này càng khiến người ta nghĩ đến Hàn Quốc. Đặc biệt, cuốn cẩm nang du lịch Hàn Quốc, ngoài thông tin từng điểm đáng đến tham quan xếp theo vùng miền giúp du khách dễ tìm hiểu các thắng cảnh, điểm du lịch văn hoá, nơi vui chơi giải trí, mua sắm nổi tiếng từng địa phương, còn có thông tin về thủ tục xuất nhập cảnh, quy định hải quan, các loại phương tiện vận chuyển, các loại hình khách sạn, nhà nghỉ có giá tham khảo, đến chi tiết các trạm dừng trong những hệ thống tàu điện ngầm ở các nơi, khí hậu từng tháng trong năm và nơi liên hệ hỗ trợ du khách cũng như các công ty lữ hành khi cần… Có thể nói cầm cẩm nang này, mỗi du khách có thể lên lịch trình tự mình đi Hàn Quốc chơi.
Bộ Du lịch Campuchia cũng phát hành cuốn hướng dẫn điểm đến đem tới tiếp thị ở ITE HCMC. Họ phân chia theo từng loại hình du lịch: văn hoá, sinh thái, biển, ẩm thực. Mỗi loại hình có hình ảnh và lời giới thiệu một số điểm tham quan hấp dẫn. Bộ Du lịch Campuchia đã giúp cho các hãng lữ hành nước ngoài cũng như du khách biết thêm nhiều điểm mới so với các năm trước.
Dùng bản đồ để giới thiệu về những địa danh, thắng cảnh, điểm tham quan nổi tiếng là cách mà ngành du lịch Lào, Philippines thực hiện khá hoàn chỉnh. Lào có một bản đồ du lịch tổng thể, trên đó xác định tất cả thắng cảnh, điểm tham quan nổi tiếng ở mỗi địa phương trong nước Lào, có biểu đồ giúp cho du khách nếu muốn đi từ nơi này đến nơi khác trong Lào biết được khoảng cách cần di chuyển, từ đó chọn phương tiện di chuyển phù hợp. Ngoài ra, trên bản đồ du lịch tổng thể của Lào còn cho người ta biết các cửa khẩu từ Lào đi sang các nước có biên giới với Lào như Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc. Đây được xem là bản đồ tốt nhất thể hiện chủ đề “Năm quốc gia – một điểm đến” (Lào, Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Thái Lan).
Bản đồ Philippines tuy hơi rối mắt vì màu sắc, nhưng cách bố trí thông tin trên đó giúp khách hiểu được tính chất mỗi nơi đến là điểm du lịch tự nhiên, sinh thái, văn hoá, hay điểm du lịch vui chơi, giải trí. Cuối mỗi thông tin du khách được hướng dẫn cách làm thế nào để đến từng điểm, thường lấy vị trí chuẩn là sân bay, rồi từ đấy dùng những phương tiện vận chuyển khác ra sao. Đó cũng là cách khiến cho du khách thấy đi du lịch Philippines không khó...
Theo Các Ngọc