Đặc biệt, năm 2015, năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015), thì việc đối diện thẳng thắn hơn với những khó khăn, yếu kém của nền kinh tế là cần thiết để tìm ra những giải pháp thiết thực hơn, đưa nước ta tiếp tục vững bước đi lên.
Kinh tế khởi sắc là nhờ khối doanh nghiệp FDI
Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014, tình hình những tháng đầu năm 2015 đã được Chính phủ trình Quốc hội ngay phiên khai mạc Kỳ họp thứ Chín. Ông nhìn nhận như thế nào về tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2014 và những tháng đầu năm 2015?
Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đạt một số kết quả khả quan. Tốc độ tăng trưởng GDP đã được cải thiện, đặc biệt trong quý I/2015, lần đầu tiên tốc độ tăng trưởng đã đạt 6,2%, sau 4 năm liên tiếp tăng dưới mức 6%. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước cho thấy các tín hiệu tích cực về tăng tổng cầu.
Kết quả thực hiện trong năm nay có thể gặp một số khó khăn như: tỷ giá có thể không phải chỉ tăng 2% như mục tiêu đã đề ra, lạm phát có thể dao động quanh mức 4 - 5%... song những số liệu đầu năm cho chúng ta tin tưởng vào việc có thể hoàn thành Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2015 được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.
Nhưng thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội cho thấy còn không ít tồn tại, yếu kém đòi hỏi QH phải tập trung phân tích, làm rõ để đưa ra chính sách thống nhất và cùng Chính phủ chỉ đạo thực hiện.
Tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều ĐBQH đồng tình với nhận định của Chính phủ rằng bức tranh kinh tế nước ta đã khá sáng sủa. Song cũng thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn, thách thức nội tại của nền kinh tế và đề nghị cần có biện pháp mạnh và rõ nét hơn. Theo Ông, những vấn đề nào liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội cần được phân tích, đánh giá cụ thể hơn?
Vấn đề đầu tiên đã được chỉ rõ trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là kết quả thực hiện chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giữa kế hoạch và thực tế có sự chênh lệch lớn. Trong năm 2014, QH giao CPI tăng khoảng 7%, nhưng số báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Tám tăng 4,5 - 4,6% và số liệu cuối cùng lại chỉ tăng 1,84% so với tháng 12.2013. Ở đây không chỉ là việc CPI giảm sâu hơn so với dự báo.
Điều cần quan tâm hơn là kết quả này do cơ quan quản lý chủ động tạo ra hay là phản ứng của thị trường? Lạm phát hiện nay là phản ứng của thị trường, có nguyên nhân do các doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn, sức mua đã phục hồi nhưng còn thấp.
Nền kinh tế trụ vững và có dấu hiệu khởi sắc là nhờ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). 67% sản lượng xuất khẩu là do khối FDI tạo ra, trong khi toàn bộ doanh nghiệp trong nước đều nhập siêu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới những băn khoăn khi đánh giá hiệu quả của việc dịch chuyển mô hình tăng trưởng, tỷ trọng cơ cấu đầu tư của nước ta thời gian qua.
Thứ hai, cần thẳng thắn chỉ rõ kết quả tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2014 và những tháng đầu năm nay thuộc công tác điều hành, quản lý hay của toàn dân? Chính phủ cần trả lời rõ ràng câu hỏi này, vì hiện 65% GDP của cả nước do doanh nghiệp nước ngoài và kinh tế tư nhân tạo ra, còn doanh nghiệp nhà nước chỉ đóng góp 29%.
Có lẽ phải với góc nhìn như vậy sẽ ra được hướng chính sách để kinh tế nhà nước, trong đó có doanh nghiệp nhà nước, giữ được vai trò chủ đạo của nền kinh tế – nội dung đã được hiến định. Muốn vậy, cần thực hiện nghiêm túc việc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu gắn liền với tổ chức Đảng theo tinh thần Hội nghị Trung ương 6 (Khóa XI).
Doanh nghiệp nhà nước cần đi đầu gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm xã hội, đầu tư công nghệ mới thân thiện với môi trường, và đi đầu trong thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp nhà nước phải phục vụ được cho mục tiêu xây dựng nền kinh tế hội nhập, kinh tế tri thức và một nền kinh tế xanh.
Đây có lẽ cũng nên là 3 trụ cột của mô hình tăng trưởng nước ta trong 20 - 30 năm tới, vì mô hình này đã được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn.
Cần xác định rõ đâu là lợi thế của nền kinh tế?
2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011 - 2015. Có lẽ đến thời điểm này, có thể đánh giá bước đầu về giai đoạn phát triển 5 năm qua, thưa Ông?
Đến nay, có thể thấy đa số chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho giai đoạn phát triển 2011 - 2015 là chưa đạt được, dù rằng nếu nhìn vào số liệu thống kê của từng năm khi so sánh với năm liền kề sẽ thấy nền kinh tế nước ta đang dần khởi sắc.
Đương nhiên ở đây có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Trong năm 2011, năm đầu nhiệm kỳ, nước ta tăng trưởng 5,2%, năm 2012 tăng 5,3%, năm 2014 tăng 5,98% và trong quý I.2015 đã có sự nhảy vọt lên mức 6,2%.
Nhưng để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, thì tăng trưởng trung bình của giai đoạn này ít nhất đáng ra phải đạt 7%. Như thế mới bảo đảm GDP bình quân đầu người trên mức 3.500USD, để sau đó tăng tiếp và sẽ đạt mức 5.000 - 6.000USD/người/năm vào 2020, cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra...
2015 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2011 - 2015. Đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại, đối diện thẳng thắn với những khó khăn, hạn chế, yếu kém hiện nay của nền kinh tế, từ đó tìm ra những giải pháp thiết thực hơn cho giai đoạn phát triển sắp tới và đưa nước ta tiếp tục vững bước đi lên.
Đặc biệt, khi quan sát diễn biến của nợ công trong thời gian từ khi có Luật Quản lý nợ công (năm 2009) đến nay, giai đoạn 2011 - 2015 là giai đoạn nợ công tăng gấp đôi trong vòng 5 năm với tốc độ bình quân khoảng hơn 20%/năm.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP là thời kỳ thấp nhất trong những năm gần đây, cả kế hoạch 5 năm chỉ đạt từ 5,8 - 6%. Chính vì vậy, cần phân tích làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên và có biện pháp quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu 3 lĩnh vực trọng tâm là: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Như vậy, với tầm nhìn dài hạn thì rõ ràng trong giai đoạn phát triển 2016 - 2020 còn khá nhiều việc cần làm, thưa Ông?
Từ năm 2016, kinh tế nước ta sẽ có thêm những tình huống mới. Trong đó, việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là đặc biệt nhất, vì có tác động sâu rộng đến mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Nếu vừa qua chúng ta thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhanh hơn, có kết quả rõ rệt hơn thì khi hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN có thể sẽ cùng các quốc gia trong khu vực đi thẳng vào hội nhập ngay.
Nhưng như Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã phát biểu tại Phiên họp thứ Ba mươi chín của UBTVQH vừa qua là: Nếu không khắc phục nhanh, mở cửa thì thua. Khắc phục nhanh, khắc phục một cách căn bản, khắc phục một cách vững chắc thì chúng ta thuận lợi và thắng lợi.
Theo tôi, cách khắc phục hiệu quả là phải xác định rõ vị thế của đất nước, của nền kinh tế Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và thế giới. Cần xác định rõ đâu là lợi thế của nền kinh tế nước ta và lợi thế này sẽ duy trì được trong bao nhiêu năm nữa. Như vậy mới có thể xác định được những ngành nghề, lĩnh vực nào cần tập trung phát triển trong 5 năm sắp tới và xa hơn nữa.
Một vấn đề nữa được đưa ra bàn rất nhiều nhưng chưa thực hiện có hiệu quả là phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Kinh tế tập thể không chỉ là sản xuất trong hợp tác xã, mà còn thực hiện ngay bằng việc các diện tích canh tác cạnh nhau cùng trồng một loại giống, thực hiện chung phương thức canh tác, để tạo ra lượng sản phẩm đồng nhất, cùng chủng loại, có tính chất hàng hóa, từ đó nâng cao giá trị và có cơ sở để đàm phán với khách hàng, tạo giá trị công nghiệp cho sản phẩm nông nghiệp.
Cần xem xét thực hiện mô hình này vì hiện tượng dưa hấu ở Quảng Ngãi, hành tím ở Sóc Trăng, hay mới đây là mía đỏ là do cơ quan quản lý không giữ được quy hoạch, Hội nông dân, hợp tác xã chưa vận động người dân tham gia vào sản xuất tập thể.
Cơ quan quản lý nhà nước không thể cứ nêu ra hiện tượng như vậy rồi để nông dân tự xoay sở. Hai vấn đề này nếu không làm được thì nền kinh tế nước ta sẽ khó phát triển bền vững, vì một đằng cân đối đầu ra cho nông sản, một đằng giải quyết đời sống của 60 triệu dân.
Nếu không giải quyết đời sống ngày càng tốt lên cơ bản, bền vững của 60 triệu dân ở khu vực nông thôn, nông nghiệp thì thật khó để thực hiện công nghiệp hóa thành công.
- Xin cám ơn Ông!