Dự án Lotte Center Hà Nội được đầu tư với số vốn lên tới 400 triệu USD, nằm trên đường Liễu Giai, Hà Nội. Đây là tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại và khách sạn cao 65 tầng.
Song có lẽ, cũng chính bởi điểm hấp dẫn đó mà các DN trong nước lại đang trở thành "kẻ yếu thế” trong cuộc cạnh tranh ở thị trường này bởi sự hiện diện ngày càng nhiều của các DN bán lẻ ngoại.
DN ngoại: chạy nước rút
Theo Cục thống kê, thị trường bán lẻ VN đang khởi sắc trở lại khi hàng loạt các trung tâm thương mại, siêu thị và khu mua sắm được mở ra. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành bán lẻ tính toán, mức thông thường 100 ngàn người dân đòi hỏi có một trung tâm thương mại và một khu mua sắm lớn. 10 ngàn người dân cần có một siêu thị, 1 ngàn người dân cần đến 1 - 2 cửa hàng tiện lợi. Nhưng, tại các đô thị lớn của VN như TP HCM và Hà Nội thì mức này chưa đảm bảo, mạng lưới phân phối bán lẻ của VN còn trống rất nhiều. Trong khi đó, tỷ lệ mô hình bán lẻ ở những nước khác trong khu vực khá cao như ở Philippines 30%, Trung Quốc 51%, Malaysia 60%, Singapore 90%, Thái Lan 46%... còn ở VN chỉ chiếm 22%. Nếu như Metro Cash & Carry VN và chuỗi hệ thống siêu thị Big C được xem là các nhà đầu tư nước ngoài có mặt tại VN đầu tiên đã có những thành công nhất định, thì hiện nay những "chiến binh” mới bắt đầu xuất hiện như Lotte của Hàn Quốc, Aeon của Nhật Bản, hay Berli Jucket của Thái Lan… phát triển khá ấn tượng trên thị trường bán lẻ tại VN. Theo kế hoạch của Lotte dự định sẽ phát triển 60 siêu thị và trung tâm thương mại tại VN. Aeon sau khi chính thức khai trương khu thương mại phức hợp đầu tiên tại TP HCM với vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD cũng đang chuẩn bị khánh thành khu thứ hai đặt tại Bình Dương. Theo Aeon, sẽ phát triển cho đến khi đạt con số 20 khu vào năm 2020.
Bên cạnh đó, hồi tháng 4/2013, Tập đoàn bán lẻ Auchan (Pháp) cũng tuyên bố sẽ “đổ vốn” hơn 500 triệu USD vào VN trong 10 năm. Các tập đoàn bán lẻ ngoại vào VN từ trước như chuỗi siêu thị Big C, hệ thống Metro cũng không ngừng mở rộng quy mô đầu tư...
DN nội: Người một nhà đá nhau
Điểm lại một số những chuỗi bán lẻ đáng chú ý của VN hiện nay gồm có: Sai Gon Co-op với chuỗi siêu thị Saigon Co.op mart, TCty Thương mại Hà Nội với Hapromart, Cty Cổ phần Nhất Nam với Fivimart… hiện vẫn đang chiếm thị phần khá tốt tại kênh phân phối siêu thị. Tuy nhiên, điểm yếu của những nhà bán lẻ Việt là thiếu kinh nghiệm cạnh tranh, xây dựng những chuỗi bán lẻ lớn trong khi nhân lực và cả tài lực cũng chưa thể so sánh với các tập đoàn nước ngoài. Trong khi các DN nước ngoài có những chiến lược marketing được tính toán rất chi tiết và chuyên nghiệp thì các DN hầu như vẫn chỉ kinh doanh theo phương thức truyền thống. Hơn nữa, trước sự tấn công ào ạt của những tên tuổi lớn đến từ nước ngoài, các DN trong nước cũng chưa có nhiều liên kết với nhau nhằm tăng sức cạnh tranh. Dù trước đó, 4 DN bán lẻ lớn của nước ta là Hapro, Satra,Phú Thái và Sài Gòn Co-op từng hợp tác xây dựng một thương hiệu lớn, nhằm tạo thế đối trọng với các tên tuổi bán lẻ nước ngoài nhưng kết quả thì không như kỳ vọng.
Theo kết quả nghiên cứu của Cty cổ phần Tư vấn đầu tư và Phát triển Quang Minh, trên thị trường bán lẻ VN đang diễn ra một số hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: 62,5% DN bán một hoặc một số hàng hóa dưới giá thành để thu hút sự chú ý của khách hàng, 37,5% lôi kéo và tuyển dụng nhân lực chủ chốt của đối thủ, 25% bắt tay với nhà sản xuất/phân phối để chèn ép đối thủ, 25% khuyến mãi cạnh tranh không lành mạnh... Ngoài ra, chất lượng hàng hóa của các siêu thị Việt hiện vẫn chưa được đảm bảo cả về nguồn gốc lẫn chất lượng.
Theo các chuyên gia uy tín, để cạnh tranh được với những đối thủ mới với sự dày dạn kinh nghiệm, các nhà bán lẻ VN trước hết phải hoàn thiện chính sách phân phối. Trong đó có việc xây dựng lại một hệ thống phân phối hiện đại, hài hòa giữa thành thị và nông thôn, bảo đảm hoạt động có hiệu quả.
Quốc Chánh