Báo cáo của Trung tâm Thông tin và Công nghiệp (VITIC) thuộc Bộ Công Thương cho biết, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp tôm cho Anh, sau Canada và Ấn Độ, chiếm gần 11% tổng nhập khẩu tôm của Anh.
Trong số 10 nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Anh, Việt Nam là nhà cung cấp có tốc tăng trưởng cao nhất 48,4%; tiếp đó là Canada, nguồn cung cấp tôm lớn nhất cho Anh với 47,4%.
Các nước Đông Nam Á như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia là các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam ở thị trường Anh. Tuy nhiên, nhập khẩu tôm từ các nước này sang Anh trong 7 tháng đầu năm nay lần lượt giảm 20%, 38% và 7% so với cùng kỳ năm 2014.
Nguyên nhân khiến nhập khẩu tôm từ Ấn Độ giảm là do sản lượng tôm của nước này giảm và giá đang tăng.
Trong khi đó, nhập khẩu từ Thái Lan giảm chủ yếu do nước này phải chịu thuế cao hơn khi xuất khẩu tôm sang EU. Tôm hấp và chế biến của Thái Lan xuất khẩu sang EU không còn được hưởng quy chế ưu đãi GSP khiến mức thuế tăng lên 20%. Tôm nguyên liệu cũng sẽ bị mất thuế GSP 4% từ tháng 1/2015 và Thái Lan phải chịu mức 12%.
Dẫn dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), VITIC cho biết, trong bức tranh xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU, Anh được coi là thị trường tiềm năng trong năm nay, bởi xuất khẩu tôm sang thị trường này duy trì sức tăng trưởng cao trong nhiều tháng, ngay cả trong thời điểm xuất khẩu tôm sang các thị trường khác có xu hướng giảm sút.
Theo thống kê Hải quan Việt Nam, tháng 8/2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh đạt 12,7 triệu USD, tăng hơn 7% so với tháng 7/2015 tuy nhiên giảm 15,4% so với cùng kỳ 2014.
Tám tháng đầu năm 2015, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 72,4 triệu USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong số 8 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam, Anh là thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 8 tháng đầu năm nay. Từ tháng 2 đến tháng 8/2015, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Anh tăng trưởng liên tục qua từng tháng.
Mặc dù dự báo xuất khẩu tôm sang EU nói chung và Anh nói riêng trong các tháng cuối năm dự kiến vẫn tăng nhưng VITIC cũng lưu ý, mức tăng không nhiều do tác động từ cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu.
Ngoài ra, báo cáo của VITIC cũng cho biết, tính chung các mặt hàng thuỷ sản, giá xuất khẩu đã trở lại xu hướng giảm sau khi tăng nhẹ vào tháng 8/2015, giảm 1,6% so với tháng trước và giảm 5,69% so với tháng 9/2014.
Báo cáo chỉ rõ, giá xuất khẩu giảm do giá giảm tại 22/37 thị trường như sang Hoa Kỳ giảm tháng thứ 5 liên tiếp với mức 0,79% trong tháng 9/2015, sang Nhật Bản giảm tháng thứ 9 liên tiếp với mức 1,58% trong tháng 9/2015, sang Đức giảm tháng thứ 5 liên tiếp với mức giảm 1,37%...
Tuy nhiên, giá vẫn tăng tại 15/37 thị trường như sang Pháp tăng 4,37%, sang Tây Ban Nha tăng 1,8%, sang Hàn Quốc tăng trở lại 2,34% sau 5 tháng liên tiếp giảm.
Tính chung 9 tháng năm 2015, kim ngạch thuỷ sản xuất khẩu ước đạt 4.736 triệu USD, giảm 17,13% (tương đương 979 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2014.
Theo Nhịp sống Kinh doanh