Hiệp định này là kết quả của sự phát triển các quan hệ truyền thống vốn có giữa Việt Nam với các nước trong Liên minh Kinh tế Á-Âu trong điều kiện mới. Đây là sự cụ thể hóa rõ ràng chủ trương hội nhập quốc tế tích cực, chủ động, trước hết và ưu tiên là hội nhập kinh tế, vốn là tư tưởng xuyên suốt trong đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Biên bản kết thúc đàm phán được hai bên thống nhất ký kết vào trung tuần tháng 12/2014. Việc ký kết chính thức Hiệp định sẽ diễn ra trong tuần này với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại nước Cộng hòa Kazakhstan.
Nhiều lợi ích
Các lợi ích do Hiệp định mang lại cho các bên đều khá rõ ràng. Thứ nhất, thương mại hai chiều giữa Việt Nam với từng quốc gia thành viên có xu hướng tăng lên do giảm thuế nhập khẩu đối với khoảng 80% dòng thuế.
Giá hàng xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia này đều giảm mạnh, lợi thế so sánh bộc lộ cao hơn dẫn đến khả năng cạnh tranh gia tăng. Đây là các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, dệt may, thủy sản, điện thoại, linh kiện điện tử. Hơn nữa, các mặt hàng nhập khẩu của Việt Nam là xăng dầu, phân bón, sắt thép, máy móc, thiết bị, hóa chất… cũng trở nên rẻ hơn do giảm thuế. Lợi ích do nhập khẩu hàng hóa giá rẻ, đặc biệt là những mặt hàng công nghệ cao, hiện đại và có khả năng hỗ trợ cải thiện nền tảng công nghiệp Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thương mại hai chiều, vì thế có xu hướng tăng lên do các cơ hội sáng tạo giá trị thương mại và thu lợi ích được tận dụng triệt để, mức độ bổ sung lẫn nhau giữa Việt Nam và Liên minh được khai thác lớn nhất. Nói cách khác, việc ký hiệp định này phản ánh đúng xu hướng vận động của thương mại toàn cầu và lợi ích của thương mại tự do là vô hạn.
Đến năm 2020, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Liên bang Nga có khả năng vượt 10 tỷ USD, đối với Belarus con số này khoảng 340 triệu USD và đối với Kazăkhtans khoảng 2,4 tỷ USD. Thậm chí, tại một buổi làm việc ngày 24/5 tại TPHCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh sau khi Hiệp định này được ký kết, các ngành cùng các DN cần phải đề ra mục tiêu tăng gấp đôi, nâng mức trao đổi thương mại lên 20 tỷ USD vào năm 2020.
Thứ hai, nguồn hàng hóa nhập khẩu từ các nước này vào Việt Nam tăng lên, góp phần tăng sự đa dạng hàng hóa, tăng phúc lợi của người mua bao gồm cả DN, hộ gia đình và cá nhân.
Thứ ba, Hiệp định góp phần thể chế hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đã được xây dựng, thắt chặt quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam với các nước trong Liên minh, góp phần tăng thêm sự tin cậy về chính trị, bảo đảm sự ổn định trong phát triển quan hệ lâu dài.
Điều này còn bảo đảm tính cân đối trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) và với các quốc gia Á-Âu nhưng không thuộc EU, giảm thiểu tình trạng thiên lệch trong quan hệ thương mại giữa các nhóm đối tác.
Quan điểm đa phương hóa kinh tế đối ngoại được thực hiện chủ động, tích cực. Các thỏa thuận trong Hiệp định cũng trùng với các thỏa thuận trong các Hiệp định đã và đang chuẩn bị ký kết khác. Do đó, các giao dịch thương mại sau khi Hiệp định có hiệu lực không gây ra những tác động bất lợi quá lớn đối với cả nền kinh tế hoặc DN.
Thứ tư, Hiệp định còn góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ các nước khác để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Liên minh này. Cơ hội đầu tư của Việt Nam sang những nước trong Liên minh cũng được mở ra. Nguồn lao động từ Việt Nam có thể di chuyển sang Liên minh theo dòng di chuyển thương mại và đầu tư để cải thiện việc làm, thu nhập, học hỏi, nâng cao nghề nghiệp.
Nhưng cũng có khó khăn
Bên cạnh những lợi ích nêu trên, Việt Nam cũng có những bất lợi khó tránh như vị thế thương mại vẫn thấp hơn các quốc gia này do cơ cấu thương mại vẫn chủ yếu tập trung vào các mặt hàng đơn giản, dễ sản xuất và dễ bị mất thị trường xuất khẩu.
Sự chuẩn bị của DN Việt Nam chưa tương xứng với quy mô về nguồn lực và thị trường của Liên minh. Hơn nữa, năng lực cạnh tranh về giá cả và phi giá cả của hàng hóa Việt Nam cũng còn khá hạn chế.
Bên cạnh đó, hàng nhập khẩu từ các quốc gia này có thể trở thành mối đe dọa đối với hàng sản xuất trong nước, gây bất ổn thị trường, giảm việc làm. Nhiều chính sách, quy định pháp luật, cơ chế vận hành của các quốc gia này đang trong quá trình hoàn thiện, nên dễ gây lúng túng và bị động đối với DN Việt Nam.
Chủ động để tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro
Để gia tăng lợi ích và giảm thiểu bất lợi khi phát triển quan hệ thương mại đối với Liên minh Kinh tế Á-Âu, cần tiếp tục đề cao tính chủ động, tích cực trong hội nhập của các chủ thể liên quan như chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân…
Các chủ thể cần chủ động, tích cực khai thác lợi thế và xây dựng, đề xuất cơ chế thực hiện các nội dung của Hiệp định. Vấn đề hoàn thiện thể chế để bảo đảm tính minh bạch, công bằng, thuận lợi, ổn định, tiết kiệm chi phí và thời gian cho DN trong quá trình vận hành là cần thiết.
Các DN cần liên kết, hợp tác với nhau để tạo lợi thế quy mô, nhằm tích tụ được nguồn vốn, nhân lực và tăng năng lực cạnh tranh ngay cả tại Việt Nam và tại thị trường các nước trong Liên minh.
Cần chú ý đầu tư để cải tiến, đổi mới sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở khai thác, sử dụng đa dạng, triệt để các tiến bộ mới về công nghệ, gia tăng chất lượng giá trị các sản phẩm, dịch vụ xuất khẩu, giảm thiểu xuất khẩu các sản phẩm thô, sơ chế và có giá trị gia tăng thấp.
Chính phủ cần có phương án phối hợp giữa các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện về chính sách với những nỗ lực của DN. Đồng thời, cần khai thác tiềm lực của đội ngũ Việt Kiều ở các nước này về tài chính, trình độ quản lý, kinh nghiệm… nhằm hình thành mạng lưới nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh đạt hiệu quả cao nhất, giúp DN Việt Nam tiếp cận nhanh nhất thị trường rộng lớn này.
Đồng thời, cần khai thác vai trò của các Thương vụ Việt Nam tại đây để hình thành hệ thống thông tin thị trường phù hợp và cập nhật, nhằm giảm thiểu rủi ro do thiếu thông tin đủ độ tin cậy.