Đặc biệt sản phẩm chè Thái sẽ là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra các sản phẩm rất hấp dẫn cho du khách nếu biết tổ chức và khai thác
Chè Thái Nguyên có nét đặc trưng riêng của một vùng tự nhiên và khí hậu mà không phải nơi nào cũng có. Tân Cương, Trại Cài, Minh Lập, La Bằng, Khe Cốc, Tức Tranh là những địa danh quen thuộc với sản phẩm chè Thái.
Từ nhiều năm qua, thương hiệu chè Thái Nguyên đã được nhiều người biết đến
Qua các tài liệu nghiên cứu thì lịch sử phát triển của cây chè Thái
Nguyên gắn liền với lịch sử phát triển cây chè Việt Nam. Hiện tại, cây
chè nhiều tuổi nhất còn sống của Thái Nguyên là cây chè tổ gần 90 tuổi ở
vùng chè Tân Cương.
Từ nhiều năm qua, thương hiệu chè Thái Nguyên đã được nhiều người biết đến, tuy nhiên để biến chè thành sản phẩm du lịch thì chỉ mới đây cây chè mới được để ý đến.
Thái Nguyên hiện đã xây dựng được trung tâm văn hóa trà, tuy nhiên, không gian đẹp, công trình lớn, hoành tráng, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều du khách. Nguyên nhân thì có nhiều song cơ bản là Thái Nguyên chưa biết kết hợp tận dụng lợi thế này thông qua mô hình du lịch nông nghiệp (homestay) với không gian mở. Mặc dù, từ lâu Thái Nguyên được biết đến như một “Thủ đô” của Trà Việt, không chỉ thế, các làng chè lại nằm giữa vùng non nước hữu tình với những người nông dân thuần hậu và hiếu khách.
Thái Nguyên hiện đã xây dựng được trung tâm văn hóa trà, tuy nhiên, không gian đẹp, công trình lớn, hoành tráng, nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều du khách.
Vấn đề phát huy giá trị kinh tế cây chè thông qua hoạt động du lịch, để du lịch vừa là điều kiện, vừa là mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại hướng tới tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội rõ ràng là một điều cần thiết đối với Thái Nguyên.
Thực tế, du lịch nông nghiệp trên thế giới rất được coi trọng vì đã chứng minh được sự đóng góp to lớn không những về mặt kinh tế mà còn về các mặt xã hội, bảo vệ môi trường gốc rễ về tự nhiên. Đây là một hình thức phát triển mối giao hòa về mặt tự nhiên, văn hóa và con người giữa các đô thị và nông thôn thông qua việc đến ở (homestay) hoặc tham quan có mục đích nhằm hưởng thụ các sản vật địa phương. Bên cạnh đó còn được thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh và tham gia văn hóa đồng quê nên loại hình du lịch này đã được khẳng định là một hình thức du lịch mang tính cộng đồng bình đẳng và bền vững. Thái Nguyên có đủ điều kiện như thế. Cảnh sắc làng chè không đơn điệu bởi những đồi chè lại nhấp nhô, ẩn hiện những mái nhà vườn cây trái xum xuê, nên đã mời gọi và níu kéo bước chân du khách.
Thái Nguyên là một vùng thiên nhiên tươi đẹp với các làng xóm thôn quê có diện tích rộng rãi tạo thành các địa hình cảnh quan, đất đai nông nghiệp rất đa dạng như rừng, vườn rừng, các dạng ruộng bậc thang thấp, các sông suối cùng với các địa danh du lịch nổi tiếng như: Khu ATK Định Hóa, Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc… rất thuận tiện cho việc liên kết tổ chức tour các hình thức du lịch nông nghiệp. Đặc biệt sản phẩm chè Thái sẽ là nguồn tài nguyên vô tận để tạo ra các sản phẩm rất hấp dẫn cho du khách nếu biết tổ chức và khai thác vì ngòai yếu tố thiên nhiên còn là sản phẩm của trí tuệ của người dân nơi đây. Hơn nữa thông qua các hoạt động du lịch, sản phẩm trà sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, những hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rất có thể sẽ được bắt đầu từ du lịch.
Sự đa dạng về tài nguyên du lịch có thể gợi mở cho các nhà làm du lịch kết nối theo ba tour du lịch đặc sắc đi qua các địa danh tiêu biểu, trong đó có các làng nghề chè nổi tiếng như: Tour Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - chùa Đán - chùa Y Na - Không gian văn hóa trà - vùng chè Tân Cương - khu du lịch sinh thái hồ Núi Cốc; tour Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - di tích đền Đuổm - khu di tích lịch sử sinh thái An toàn khu Định Hóa và tour Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam - làng chè La Bằng - khu du lịch Sinh thái hồ Núi Cốc - làng chè Tân Cương.
Theo Thu Hà - Hữu Thắng