Đức là một đối tác thương mại quan trọng trong Liên minh Châu Âu (EU) đối với Việt Nam bởi thị trường này chiếm 28% giao dịch thương mại Việt Nam-EU. Trong 2 tháng đầu năm 2015, giao dịch thương mại giữa 2 nước đạt 1,28 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Gần đây, Việt Nam và Đức đã thúc đẩy thành lập Phòng Xúc tiến Thương mại chung (Đức Việt JCC), qua đó khẳng định mong muốn gia tăng thương mại cũng như cơ hội đầu tư nước ngoài cho cả 2 quốc gia.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết cả phía Đức và Việt Nam đều kỳ vọng việc thành lập Đức Việt JCC sẽ thúc đẩy mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, kích thích giao dịch thương mại và gia tăng đầu tư nước ngoài dài hạn từ Đức vào Việt Nam.
Theo TEP, việc các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang thu được lợi tại thị trường Việt Nam cùng với động thái thúc đẩy Đức Việt JCC là một tin tức tốt cho những công ty muốn thâm nhập thị trường này. Việt Nam hiện đang có nhu cầu với nhiều loại sản phẩm của Đức, đặc biệt là với mảng máy móc công nghiệp và ngành dược phẩm.
Phân khúc máy móc sản xuất
Mảng kinh doanh máy công nghiệp của Đức đã có được những thành công to lớn tại Việt Nam. Khoảng 46% các loại máy móc Việt Nam nhập khẩu có xuất xứ từ Đức, chủ yếu là trong các ngành chế biến thực phẩm, dệt may và thiết bị y tế.
Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam chiếm 15% trong tổng GDP cả nước và 18% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2013. Trong đó, Đức là quốc gia chủ chốt trong EU cũng cấp các loại máy móc cho màng kinh doanh trị giá 20 tỷ USD này.
Hiệp hội Sản xuất Máy Dệt thuộc Liên đoàn Kỹ thuật Đức (GEFTMA) đã sản xuất 3,4 tỷ Euro (3,6 tỷ USD) máy dệt trong năm 2014 và Việt Nam là thị trường chính của họ.
Các máy móc của Đức cũng đạt được nhiều thành quả trong ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Phân khúc này đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây và hiện chiếm khoảng 40% tổng xuất khẩu của Việt Nam. Chỉ tính riêng trong khoảng tháng 1-11/2014, các công ty sản xuất máy cho ngành chế biến thực phẩm của Đức đã có doanh thu 391 triệu USD.
Một lĩnh vực đáng chú ý nữa mà các nhà đầu tư Đức có thể sẽ quan tâm là ngành công nghiệp thiết bị y tế Việt Nam. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang gia tăng, qua đó thúc đẩy tiêu dùng cũng như kích thích các dịch vụ y tế ngày càng cải thiện trong những năm gần đây. Phần lớn các bác sĩ cho biết họ ưu tiên sử dụng thiết bị của nước ngoài.
Các bệnh viện của Việt Nam nhập khẩu khoảng 90% các thiết bị y tế cần thiết và 100% các thiết bị công nghệ cao, như máy X quang, máy chụp cắt lớp hay máy siêu âm. Nhiều nhà đầu tư Đức đã nhanh chóng tận dụng cơ hội tại thị trường Việt Nam. Theo Cục Quản lý Thương mại Quốc tế Mỹ (USITA), Đức hiện kiểm soát 30% thị trường trong phân khúc thiết bị y tế nhập khẩu tại Việt Nam.
Ngành dược phẩm
Hiện các nhà đầu tư Đức đang rất thành công khi mảng công khi tham gia ngành dược phẩm tại Việt Nam khi là nhà cung cấp lớn thứ 3 cho ngành.
Một ví dụ điển hình là công ty B.Braun Melsungen với lịch sử hơn 20 năm tại thị trường Việt Nam. Riêng trong năm 2014, công ty đã tái đầu tư 270 triệu USD vào lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam, bao gồm 66,3 triệu USD để mở một nhà máy sản xuất dược phẩm mới.
Theo nhiều chuyên gia, những công ty dược của Đức sớm đầu tư vào Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi nhuận do thị trường dược phẩm của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng lên 8 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Ngân hàng VietinBank năm 2012 đã dự báo tăng trưởng ngành dược của Việt Nam sẽ đạt 19%, nhanh hơn với mức bình quân 7-10% của ngành trên toàn thế giới vào thời điểm đó.
Chính phủ Việt Nam từ lâu đã tạo điều kiện cho các cơ hội đầu tư của công ty Đức, đặc biệt trong ngành công nghiệp chế tạo máy sản xuất và dược phẩm. Động thái thành lập Đức Việt JCC cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước sẽ ngày càng gia tăng. Theo TEP, các doanh nghiệp Đức nên hành động ngay để tận dụng những cơ hội lớn trên thị trường Việt Nam.
Theo NDH