Theo ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), việc rút lui của một số dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp nặng ở một số khu kinh tế trọng điểm quốc gia vào đầu năm 2014, cụ thể là Dự án thép của Tập đoàn Tata Ấn Độ tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Dự án động cơ ô tô của nhà đầu tư Hyundai tại Quảng Nam chỉ là những trục trặc nhỏ và không phổ biến.
“Các nhà đầu tư nước ngoài trước khi đến đầu tư tại Việt Nam đều đưa ra điều kiện và thỏa thuận với UBND tỉnh. Tập đoàn Tata Ấn Độ đã được tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ nhiều. Tuy nhiên, trong thỏa thuận ban đầu, phía tỉnh nhà có yêu cầu Tập đoàn Tata Ấn Độ tạm ứng tiền giải phóng mặt bằng nhưng Tata lại không đáp ứng được điều kiện này và quyết định rút khỏi dự án. Tuy nhiên, Tata không rút hẳn mà chuẩn bị đầu tư 1 dự án mới rất lớn tại Việt Nam”, ông Quân cho biết.
Về trường hợp nhà đầu tư Hyundai, theo ông Quân, công ty Trường Hải là chủ đầu tư còn Hyundai chỉ là nhà cung cấp. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ đưa ra chính sách là từ năm 2016, các công nghệ phải đáp ứng tiêu chuẩn Euro 4. Do vậy, Hyundai đề xuất dừng hợp đồng để đánh giá lại hiệu quả kinh tế của công nghệ này.
Từ cuối năm 2013, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Nhà máy Sản xuất và Chế tạo động cơ Chu Lai - Trường Hải sản xuất và tiêu thụ 100.000 động cơ diesel đến hết năm 2018.
Theo kế hoạch mới, dự án sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động tháng 1/2015. Tuy nhiên, đầu năm 2014, Hyundai xin rút khỏi dự án dù không góp vốn đầu tư, mà chỉ là chuyển giao công nghệ, cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai này.
Theo VOV