Sáng 18/4 tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, với nhiều nội dung trọng tâm như kế hoạch tăng vốn điều lệ, định hướng kinh doanh, bầu bổ sung nhân sự cấp cao.
DỰ KIẾN DUY TRÌ CHIA CỔ TỨC BẰNG CỔ PHIẾU TRONG 3 NĂM TỚI
Tại đại hội, VietinBank trình cổ đông phương án phát hành tối đa gần 2,4 tỷ cổ phiếu với tỷ lệ 44,64% để chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá dự kiến hơn 23.971 tỷ đồng.
Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2021, 2022 và giai đoạn 2009-2016. Thời gian phát hành cụ thể sẽ được quyết định sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của VietinBank sẽ tăng lên 77.671 tỷ đồng. Số vốn tăng thêm (gần 24.000 tỷ đồng) dự kiến được dùng để phục vụ kinh doanh, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ và mở rộng hoạt động tín dụng, đầu tư, các hoạt động kinh doanh khác.
Nếu kế hoạch trên được thông qua, đây sẽ là lần chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ cao nhất tại VietinBank. Trước đó, năm 2023, ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 11,74%. Năm 2021, ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 29%.
Trả lời thắc mắc của cổ đông về “tại sao không chia cổ tức bằng tiền mặt?”, Chủ tịch Trần Minh Bình cho hay, vốn điều lệ của VietinBank là rất nhỏ, kể cả có tăng vốn thêm 45% thì vẫn nhỏ so với nhu cầu tăng trưởng.
Do đó để đảm bảo an toàn vốn và tăng trưởng, ngân hàng cần tăng vốn điều lệ. Hiện VietinBank chưa có mục tiêu dài hạn về chia cổ tức, tuy nhiên trong trung hạn là 3 năm, ngân hàng hướng tới chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
“VietinBank không chủ động việc này được vì còn phụ thuộc vào ý kiến của các bộ ngành chủ quản”, ông Bình nói.
Tổng Giám đốc Nguyễn Trần Mạnh Trung cũng bổ sung thêm, về chính sách cổ tức, mọi quyết định, từ tỷ lệ cho tới hình thức chia - tiền mặt hay cổ phiếu - đều phải chờ ý kiến của các bộ chủ quản, cổ đông lớn, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước. Cho nên trong các kỳ Đại hội đồng cổ đông, dù lợi nhuận có cao, thì việc chia thế nào vẫn phải chờ phê duyệt.
“Năm 2025, chúng tôi chưa có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt, mà sẽ tăng vốn bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Lý do là ngành ngân hàng hiện rất cần tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel 2, hướng đến Basel 3. Trong bối cảnh như vậy, giữ lại lợi nhuận để tăng vốn là điều phù hợp và cần thiết”, lãnh đạo VietinBank cho hay.
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh năm 2025 và kết quả kinh doanh của ngân hàng đến thời điểm hiện tại, ban lãnh đạo VietinBank cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang phân bổ hạn mức tín dụng cho VietinBank khoảng 15%. Nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt thì mức tăng trưởng có thể trên 16%. Tăng trưởng huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng.
Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 1,8%, phấn đấu trong khoảng 1,2% - 1,5%. Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến 20.000-25.000 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 150 - 200%. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) sẽ cố gắng duy trì mức 25% như năm 2024.
Các chỉ số ROE đặt mục tiêu đạt 16-18%, ROA trên 1%, CIR duy trì quanh 30%, chi phí tín dụng kiểm soát dưới 2% - với giả định nền kinh tế không có biến động mạnh.
Về tình hình thực hiện đến ngày 15/4/2025, tổng tài sản VietinBank đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,7%. Huy động vốn riêng lẻ đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 6%. Nợ xấu theo Thông tư 31 hiện ở mức 1,36%-1,46%, còn theo cách tính thông thường là 1,66%. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước đạt 9.417 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2024.
TÁC ĐỘNG THUẾ QUAN MỸ KHÔNG LỚN
Trả lời câu hỏi cổ đông về tác động thuế quan tới các doanh nghiệp FDI trong danh mục tín dụng của ngân hàng, Chủ tịch VietinBank cho biết đây là câu hỏi lớn, đặc biệt trong bối cảnh chính sách thuế quan khó đoán của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo cho biết hiện VietinBank có Hội đồng cố vấn kinh tế gồm các chuyên gia hàng đầu, họp định kỳ để đánh giá tình hình kinh tế toàn cầu, dự báo xu hướng có thể tác động đến Việt Nam, cũng như bản thân ngân hàng.
Những chính sách thuế quan của Mỹ có thể tiềm ẩn rủi ro, tuy nhiên VietinBank chưa đưa các rủi ro này vào mô hình kinh doanh năm 2025 do khó xác định cụ thể mức độ tác động.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã tính đến các kịch bản bất lợi và có phương án chủ động. Do đó, kịch bản kinh doanh của ngân hàng về cơ bản không thay đổi nhiều, ngay cả khi có biến động kinh tế toàn cầu", Chủ tịch Trần Minh Bình thông tin và cho biết ban lãnh đạo đang theo dõi sát các diễn biến đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, sẵn sàng có những điều chỉnh cụ thể khi có thông tin rõ ràng hơn.
Theo ông Bình, tăng trưởng tín dụng năm 2025 dự báo khó khăn hơn năm 2024, trong đó mức độ hấp thụ tín dụng trong những tháng đầu năm hiện chưa cao. Dù vậy, VietinBank vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 5%, là mức tăng cao nhất trong nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước cùng giai đoạn.
"Động lực tăng trưởng tín dụng sẽ chịu ảnh hưởng bởi các chính sách thuế, nhưng chúng tôi nhìn thấy tín hiệu tích cực từ việc VietinBank đang bám sát và chủ động tiếp cận các dự án đầu tư công lớn, kể cả của các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Ngân hàng đang tính toán cụ thể để hiện thực hóa việc cung cấp vốn và dịch vụ cho các dự án này", Chủ tịch VietinBank nhấn mạnh.
Về việc ngân hàng có chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan của Mỹ hay không, ông Trần Minh Bình cho rằng tác động sẽ không lớn, dù ngân hàng có tỷ lệ cho vay đối với doanh nghiệp FDI khá cao.
Do đó, VietinBank vẫn cam kết không thay đổi các kế hoạch kinh doanh năm nay, đồng thời nhấn mạnh kết quả năm 2025 sẽ rất ấn tượng và có tăng trưởng so với năm 2024.
Tại đại hội, cổ đông thực hiện biểu quyết miễn nhiệm ông Nguyễn Đức Thành, Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024-2029, để đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc VietinBank. Ứng viên được đề cử bổ sung vào Hội đồng quản trị thay thế là ông Nguyễn Vân Anh, Cục trưởng thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, VietinBank trình cổ đông bầu bổ sung 4 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2024-2029 gồm ông Đào Xuân Tuyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy VietinBank, ông Nguyễn Hải Đăng, Trưởng phòng Kiểm tra kiểm soát nội bộ, bà Mai Hương Thảo, Trưởng phòng Quản lý rủi ro hoạt động và bà Phạm Thị Thu Huyền, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TNHH MTV Đầu tư Toàn cầu.