Trong tuần này, loạt tranh đã được nhà đấu giá Christie’s đem ra rao bán và được trả mức giá lên tới 142,4 triệu đô la (hơn 3.007 tỉ VND).
Bộ tranh được thực hiện vào năm 1969. Lần đầu tiên được đem ra rao
bán đấu giá, ngay lập tức nó đã gây nên sự ngạc nhiên lớn trong giới yêu
mỹ thuật. Trước đó, người ta ước tính mức giá trả cho loạt tranh này
chỉ có thể vào khoảng 85 triệu đô la.
Tuy vậy, không ngờ nó đã vượt qua cả mức giá “khủng” từng xác lập kỷ
lục thế giới của bức “Tiếng thét” (danh họa người Na Uy Edvard Munch
thực hiện). Bức “Tiếng thét” từng được coi là bức tranh đắt giá nhất thế
giới khi được trả tới 119,9 triệu đô la (hơn 2.532 tỉ VND) hồi tháng
5/2012.
Loạt tranh “Ba nghiên cứu về Lucian Freud” của Francis Bacon đã tìm được chủ nhân của mình sau một cuộc trả giá quyết liệt giữa các đối thủ khao khát sở hữu loạt tranh. Người ra mức giá cuối cùng đã không tiết lộ danh tính và trở thành vị chủ nhân bí ẩn.
Loạt tranh “Nghiên cứu tự họa” (1985-1986)
Trước đây, giá bán các loạt tranh của Bacon chưa từng vượt qua con số
90 triệu đô la, vì vậy, không ai có thể ngờ giữa bối cảnh kinh tế khó
khăn và thị trường mỹ thuật đóng băng lại có những nhà sưu tập sẵn sàng
đưa ra mức giá “trên trời”.
Thực tế, kinh doanh càng gặp khó, người ta càng tìm tới mỹ thuật
nhiều hơn bởi đầu tư vào những tác phẩm hội họa kinh điển gần như không
gặp phải bất cứ rủi ro nào. Thị trường đối với những tác phẩm lớn luôn
rộng mở, bên cạnh đó, tên tuổi họa sĩ cũng là “bảo hiểm an toàn” cho tác
phẩm.
Có lẽ vì lý do này mà ngày càng nhiều người quan tâm tới lĩnh vực kinh doanh tác phẩm hội họa, khiến giá các tác phẩm lớn trong những năm gần đây không ngừng được nâng cao.
Danh họa người Anh Francis Bacon (1909-1992) bên một tác phẩm của mình.
Loạt tranh ba bức vừa được đem đấu giá của ông khắc họa người họa sĩ
cũng đồng thời là người bạn lâu năm - Lucian Freud đang ngồi trên ghế.
Bacon quan sát và khắc họa bạn từ hai bên góc mặt, một bức khắc họa
chính diện.
Những tác phẩm mỹ thuật của Francis Bacon thể hiện sự liều lĩnh,
những xúc cảm mãnh liệt và cách quan sát, tư duy theo hình khối không
gian. Ông thường đặt các nhân vật trong một không gian tưởng tượng, biệt
lập, như một khung kính hoặc một khung sắt.
Với cách vẽ rất “quái” này, tranh của Bacon không dễ cảm, bản thân
ông cũng không tin mình là một họa sĩ xuất chúng, vì vậy, ông chủ yếu
kiếm sống bằng nghề thiết kế nội thất.
Trong tranh của ông, nhân vật thường được khắc họa với sự trống trải, hoang vắng. Bacon không thích khắc họa nhóm nhân vật bởi đối với ông, mỗi người là một thế giới bí ẩn, bất khả xâm phạm, một hành tinh cô đơn. Đó mới thực là bản chất thật của đời sống con người.
Vì bị ảnh hưởng bởi tư tưởng hình khối không gian nên ông thường khắc họa một chủ thế dưới nhiều góc độ và tạo thành những loạt tranh.
Sau khi người tình đồng giới của ông - George Dyer tự tử vào năm
1971, các tác phẩm của Bacon càng nhấn mạnh vào thế giới nội tâm trống
trải, bị ám ảnh bởi chết chóc. Kể từ sau sự mất mát tinh thần đó,
Francis Bacon, người vốn nổi tiếng là thích ăn chơi, thích đám đông bỗng
nhiên khép kín và rút lui khỏi đời sống xã hội.
Bộ tranh “Tháng 5 - Tháng 7” (1973) với những hồi tưởng về cái chết của người tình.
Trong cuộc đời mình, Bacon là chủ đề của nhiều cuộc bàn tán, tranh
cãi. Phong cách vẽ và lối sống của ông vừa bị chỉ trích, lên án nhưng
cũng vừa được hoan nghênh, ca ngợi.
Cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher là một trong những người rất “dị ứng” Bacon, bà từng miêu tả ông là “người đàn ông vẽ nên những bức tranh gớm ghiếc”. Tuy vậy, sau khi qua đời, sự nghiệp hội họa của Bacon ngày càng được đánh giá cao và giá các họa phẩm của ông liên tục tăng mạnh trên thị trường.
Bích Ngọc
Theo DM