Sai vì “bệnh” thành tích
Một chuyên gia thuộc Hội Thống kê Việt Nam từng cho biết: Hiện nay ở nước ta luôn tồn tại hai loại số liệu thống kê. Một loại số liệu để các cơ quan chuyên dùng khi làm việc với các chuyên gia, người nghiên cứu lâu năm và một bộ số liệu khác được dùng để công bố công khai. Loại số liệu này dễ bị tác động bởi nhiều vấn đề, bị chỉ đạo, nên có điều chỉnh.
“Như số liệu GDP, nếu thấp quá phải tính lại cho cao lên. Nếu mời chuyên gia tới phân tích, sẽ ra một con số khác, chắc chắn con số đó không giống trong các báo cáo đánh giá kinh tế hằng năm”, chuyên gia này dẫn chứng. Để thuyết phục hơn, vị chuyên gia này dẫn chứng về số liệu của ngành xăng dầu, điện lực liên tục báo lỗ, nhưng ngành thống kê không được quyền tiếp cận doanh nghiệp để lấy số liệu chính xác hơn, mà phải căn cứ vào báo cáo của họ.
Hay chỉ số GDP địa phương, nếu cộng dồn các số liệu GDP địa phương sẽ cao hơn GDP cả nước rất nhiều. Năm 2012, GDP các tỉnh luôn ở mức 2 con số, nhưng cả nước GDP chỉ có 5%. “Đấy là bệnh thành tích, nếu anh muốn làm lãnh đạo mà các chỉ tiêu không tăng trưởng, phát triển, thì ai còn bổ nhiệm cho? Tổng cục Thống kê biết nhưng không làm được gì, vì cũng chỉ là một đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT”, vị chuyên gia trên nói.
Hay như con số thống kê về nợ công, theo Bộ Tài chính ước tính, vào khoảng 59,3% GDP. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số này chưa phản ánh đúng thực chất nợ công quốc gia của Việt Nam và chưa theo chuẩn quốc tế, khi nước ta chưa cộng phần nợ của doanh nghiệp nhà nước, chính quyền địa phương và các tổ chức thuộc nhà nước.
Theo Luật Thống kê 2003, thống kê của Tổng cục Thống kê là con số cuối cùng. Tuy nhiên, thực tế đơn vị thống kê cũng phải dựa vào số liệu của các bộ ngành, địa phương. Do đó, nếu bộ ngành, địa phương đưa ra con số sai, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng sai theo và chính sách đưa ra không đúng.
Cung cấp số liệu sai có thể bị xử lý hình sự
TS Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho rằng, việc nâng cao chất lượng số liệu đã được ngành thống kê đặt ra từ lâu và có nhiều giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Lâm, nếu chỉ ngành thống kê giải bài toán chất lượng số liệu là chưa đủ (bởi thông tin thống kê phụ thuộc nhiều vào đơn vị cung cấp thông tin).
“Nếu anh muốn làm lãnh đạo mà các chỉ tiêu không tăng trưởng, phát triển, thì ai còn bổ nhiệm cho? Tổng cục Thống kê biết nhưng không làm được gì, vì cũng chỉ là một đơn vị thuộc Bộ KH&ĐT”.
Chuyên gia thuộc Hội Thống kê Việt Nam
Theo Bộ KH&ĐT, dù Luật Thống kê ra đời từ năm 2003, nhưng số lượng, chất lượng thông tin thống kê vẫn còn những hạn chế. Đặc biệt, một số trường hợp do phương pháp tính khác nhau dẫn đến chưa thống nhất số liệu; sự phối hợp giữa hệ thống thống kê chuyên biệt với thống kê bộ, ngành chưa chặt chẽ (như các bộ ngành và cơ quan thống kê trung ương cùng công bố về 1 chỉ tiêu thống kê, nhưng lại ra 2 loại số liệu khác nhau, hay chênh lệch giữa GDP địa phương và trung ương).
“Thực trạng này do một số lãnh đạo cấp tỉnh chỉ quan tâm đến thành tích phát triển kinh tế ở địa phương mình, do đó có thể tạo áp lực đối với cán bộ thống kê trong quá trình báo cáo số liệu, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng tính độc lập và khách quan của số liệu thống kê”, báo cáo về Dự Luật Thống kê (sửa đổi) của Bộ KH&ĐT nêu rõ.
Để khắc phục, trong dự luật sửa đổi, Bộ KH&ĐT đề xuất quy định trách nhiệm và vai trò của cơ quan thống kê trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của các bộ ngành, địa phương. Trường hợp bộ ngành không thực hiện ý kiến thẩm định, cơ quan thống kê trung ương có quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Dự luật cũng bổ sung hành vi cấm khai man, hoặc ép buộc người khác khai man dữ liệu, thông tin thống kê; cấm mọi hành vi can thiệp làm sai lệch dữ liệu, thông tin thống kê. Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của Luật Thống kê, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tiền Phong