Khái niệm về sự dũng mãnh và kiêu hãnh một cách độc lập của sư tử dưới gầm trời qua “cái lưỡi truyền thuyết của Ê Dốp” đã được nâng lên đến đỉnh cao. Nhưng đó là cái nhìn triết lý của nhà kể chuyện ngụ ngôn nói về sư tử lông vàng, còn loài Sư Tử Trắng cực kỳ quý hiếm với màu lông bạch lạp thì sao? Phải chăng cái gì trắng trong tinh khiết phủ lên cơ thể động vật hoang dã đều mang tính thiêng liêng thần thoại?
Có thể phát biểu ngay rằng, không phải “phải chăng” mà là tất yếu để nói về vầng hào quang mang màu Sư Tử Trắng. Trong lịch sử chiến tranh vệ quốc Việt Nam chúng ta có Quang Trung Hoàng đế mỗi lần xuất trận đều được nghĩa quân Tây Sơn và nhân dân tôn thờ như một vị thần bách chiến bách thắng.
Giữa “tứ hổ tướng” như Đô đốc Đông, Đô đốc Lộc, Đô đốc Bảo, Đô đốc Tuyết và giữa các “mãnh sư” như danh tướng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Hữu Chỉnh, Vũ Văn Dũng rõ ràng hình ảnh Quang Trung sừng sững trên đỉnh cao như vị vua “Sư Tử Trắng” hào quang chói lòa. Tính chinh phục của vị Hoàng đế anh hùng cũng từ hào quang ấy phát ra.
Từ mệnh lệnh “ngậm tăm” muôn người như một, kẻ khiêng võng, kẻ nằm võng thay phiên nhau vượt núi băng sông ngày đêm không nghỉ với tốc độ kỷ lục so với cả thời marathon đương đại, để đánh cho giặc phương Bắc “Chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn” lập nên chiến công hiển hách ngàn đời truyền tụng.
Sư Tử Trắng trong quân sự mang hào quang của một ông vua áo vải cờ đào vô địch. Sư Tử Trắng trong cánh rừng đại ngàn hoặc trên sa mạc đá tảng ngày nay càng thôi thúc tính quật cường của người đàn ông lên đúng nghĩa trượng phu. Chuyển qua hội họa, nếu ai biết pha màu tranh sơn dầu ắt sẽ thấy màu trắng là vua của các loại màu.
Mỗi bức vẽ cần biến ảo đều có sự gia nhập của màu trắng, thậm chí chỉ cần màu trắng xúc tác với bất kỳ một màu khác là người ta đã có ngay một phông nền huyền ảo lung linh. Cái màu trắng kỳ bí ấy nếu biến thành bộ lông của sư tử thì lại càng mang tính thiêng liêng. Nó hoàn toàn đối lập với màu đen địa ngục.
Sư Tử Trắng phải chăng là huyền thoại
Là chiến binh đi chinh phục... chính mình
Sự can đảm có khi là vụng dại
Giữa mất với còn, giữa ô trọc với thần linh!
Tính “chiến binh” của Sư Tử Trắng được thể hiện cực kỳ sinh động qua serie ảnh của nhiếp ảnh gia Ken Whyte chụp cảnh chiến đấu đơn độc giữa nó với 5 con sư tử cái hung hãn tại công viên Kruger, Nam Phi. Trận đánh “hội đồng” không cân sức ai ngờ có kết quả vô cùng ngoạn mục.
Trong khi tránh né những đòn cắn xé của 5 đối thủ, Sư Tử Trắng đủ tỉnh táo thông minh đẩy bầy đàn sư tử cái va chạm vào hàng rào điện khiến chúng lăn lộn và tranh thủ giây phút hỗn loạn ấy ấy Sư Tử Trắng đàng hoàng rút lui.
Mà đã nói về quả cảm, bản lĩnh thì trong trái tim đàn ông nào lại không mơ ước mình đang chứa một Sư Tử Trắng. Sư Tử Trắng lúc này không còn mơ hồ, không là một cái gì không với tới mà gần gũi thân mật như khát vọng sống kiêu hùng, dũng cảm của giống đực hôm nay.
Tinh thần yêu nước thương nòi biết trừ gian diệt bạo, cứu khổn phò nguy, thế thiên hành đạo của những người trẻ sống có hoài bão cũng là mảnh đất trường sinh cho loài Sư Tử Trắng.
Trở lại quyền uy của loài sư tử nói chung và Sư Tử Trắng quý hiếm nói riêng. Khác hẳn nỗi lo sợ khi chạm trán với loài sư tử có màu lông vàng hung xám đen quen thuộc, loài người khi được may mắn tiếp xúc với Sư Tử Trắng đều có thái độ tôn sùng một cách thần bí.
Có người nhìn đó là Vua và cũng có người cho rằng đó là một vị thần đội lốt sư tử hóa thân mang lại điềm lành cho trái đất. Và trên thực tế chưa hề có một con Sư Tử Trắng nào hãm hại con người mà chúng ta thống kê được. Riêng cái bờm của Sư Tử Trắng đã mang đầy sự “can đảm và tỉnh táo” của giống đực chúa tể:
Không hề có sư tử trong 12 con giáp
Vì vậy nên anh làm con Sư Tử Trắng biến hình
Mỗi khi em bị loài thú 2 chân nào ở ngoài đường ăn hiếp
Anh sẽ gầm lên cho trái đất thất kinh!
Nhà thơ Bùi Chí Vinh
Theo Dân Trí