Các lĩnh vực mà doanh nghiệp Singapore quan tâm đầu tư tại Việt Nam là sản xuất, bất động sản, công nghệ cao và dịch vụ cơ sở hạ tầng như cảng biển, hệ thống giao thông và năng lượng, xuất khẩu hàng hóa nông sản và hoa quả...
Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng trong lĩnh vực du lịch, phát triển các khu nghỉ dưỡng, khách sạn”, ông Eric Tham, Trưởng Nhóm Ngân hàng thương mại UOB, trong buổi làm việc với Nhịp cầu đầu tư, đã nhấn mạnh như vậy.
Nhận định của ông Eric Tham phần nào giải thích cho làn sóng đầu tư ồ ạt của nhà đầu tư Singapore vào Việt Nam. Thực tế, theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm, Singapore là nước dẫn đầu khu vực ASEAN với 127 dự án cấp mới và 59 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,675 tỉ USD, chiếm 60,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam.
Với mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2015, Việt Nam đang đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. Theo Báo cáo Đầu tư 2016 tại Hội nghị Liên hiệp Quốc về thương mại và phát triển, Việt Nam thuộc nhóm 10 nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất khu vực châu Á khi đón nhận gần 12 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2015.
Bên cạnh đó, những sáng kiến đa phương như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ACE), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút vốn đầu tư trong khu vực và toàn cầu vào Việt Nam.
Khảo sát do Ngân hàng UOB (Singapore) thực hiện cùng thời điểm với 2.500 doanh nghiệp châu Á trong việc nắm bắt cơ hội kinh doanh từ xu hướng và các dòng chảy thương mại kinh tế toàn cầu cũng như trong khu vực. Theo đó, các doanh nghiệp Malaysia, Thái Lan và Singapore đã xếp Việt Nam vào nhóm 3 điểm đến hàng đầu cho việc mở rộng kinh doanh.
Những doanh nghiệp này cũng có nhiều hứa hẹn sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong từ 3-5 năm tới. Theo đó, các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài từ các quốc gia này cao nhất là sản xuất, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, xây dựng và bất động sản, y tế và dược phẩm.
Dòng vốn FDI của Singapore đã chảy vào 18/21 lĩnh vực kinh tế của Việt Nam; trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 494 dự án, có tổng vốn đăng ký hơn 16 tỉ USD, chiếm trên 44% tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam. Đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản với 81 dự án, có tổng vốn đăng ký gần 11 tỉ USD, chiếm 30% tổng số vốn đầu tư.
Quy mô vốn bình quân một dự án của nhà đầu tư Singapore là gần 23 triệu USD, cao hơn mức bình quân chung của một dự án FDI tại Việt Nam là xấp xỉ 14 triệu USD. Nhiều nhà đầu tư Singapore đã gặt hái thành công tại Việt Nam như Jardine C&C (đầu tư vào Trường Hải với 25,1% vốn, sở hữu 22,87% cổ phần trong REE thông qua công ty con Platium Victory), CapitaLand (với các dự án như The Vista, Vista Verde, Parcspring...), VSIP (liên doanh giữa Tập đoàn Becamex IDC và Sembcorp)...
“Các doanh nghiệp châu Á quan tâm đến Việt Nam nhờ kinh tế - chính trị ổn định, khách hàng có nhu cầu lớn và ngày càng gia tăng cũng như thuế suất ưu đãi và môi trường pháp lý thuận lợi. Với lực lượng lao động trẻ, 60% tổng dân số 90 triệu người có độ tuổi dưới 35, Việt Nam là điểm đến đầy sức hút đối với các nhà đầu tư Singapore và thế giới”, ông Eric Tham nhận định.
“Dân số trẻ! Lương rất thấp!” là một trong những khẩu hiệu được nói tới nhiều trong giai đoạn 2004-2007. Tới nay, các yếu tố này vẫn là điểm thu hút của các nhà đầu tư. Viện Nghiên cứu Mizuho, khảo sát hơn 1.000 nhà sản xuất Nhật, cho thấy Việt Nam hiện dẫn đầu như điểm đầu tư được ưa thích trong số 12 nước tham gia TPP. Chẳng hạn, Việt Nam là điểm đến hàng đầu trong số các công ty Nhật đặc biệt tính tới việc chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Ngành sản xuất cũng được đánh giá sẽ góp phần vào sự phát triển của kinh tế quốc gia khi Việt Nam được kỳ vọng sẽ chuyển mình thành một trong những trung tâm sản xuất lớn của châu Á. Báo cáo của UOB cũng cho thấy, có 54% các doanh nghiệp châu Á lo lắng trước thách thức trước việc chi phí vận hành doanh nghiệp tăng. Vì vậy, có nhiều doanh nghiệp tìm đến Việt Nam bởi nguồn lao động dồi dào và chi phí vận hành doanh nghiệp thấp hơn.
Nông nghiệp là một trong những ngành trọng điểm của kinh tế Việt Nam nhưng lại vắng mặt nhà đầu tư ngoại. Nguyên nhân giải thích cho việc vốn FDI ít đổ vào lĩnh vực nông nghiệp là do thời gian thu hồi vốn trong lĩnh vực này kéo dài, tỉ lệ lợi nhuận thấp nhưng rủi ro lại cao.
Ngoài ra, một phần còn do chính sách chưa phù hợp, việc các doanh nghiệp FDI khó tiếp cận được với nguồn đất đai với diện tích lớn cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến vấn đề thu hút đầu tư… Do tham gia vào nhiều hiệp định thương mại và mở cửa thị trường nên Chính phủ Việt Nam đã cắt giảm nhiều chính sách bảo hộ ngành nông nghiệp.
Vì vậy, các doanh nghiệp ngoại càng e dè hơn trước việc đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, các khoản đầu tư lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp trong nước như Hoàng Anh Gia Lai, TH True Milk, Vingroup, Vinamilk, Hùng Vương…
Tuy nhiên, Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) đã mua 1,9 triệu cổ phiếu PAN, chiếm tỉ lệ 4,71%, bước đầu cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư Singapore tới lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp của Việt Nam.
Trong khi đó, lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ đang thu hút đầu tư của khối ngoại một cách rõ rệt. Chẳng hạn, Berli Jucker (Thái Lan) đang muốn mở rộng tại thị trường Việt Nam. Năm ngoái, hãng này đã chi hơn 700 triệu USD mua lại hệ thống Metro Việt Nam. Hãng này cũng đã mua chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart và lên kế hoạch mở thêm 300 cửa hàng nữa tại đây.
Thêm hàng loạt các tên tuổi khác cũng đang mở rộng với tốc độ nhanh chóng là Big C, Aeon Mall, Family Mart, Ministop và Lotte Mart. Nhiều công ty khác tại khu vực Đông Nam Á cũng đã và đang có kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.
“Với những cơ hội được mang đến theo làn sóng đầu tư mạnh mẽ cùng những lợi ích cho nền kinh tế chung của Việt Nam, đi kèm với đó là các cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp cùng ngành nói riêng”, ông Eric Tham cho biết.