Thực tế tại Việt Nam đã ghi nhận nhiều ca ung thư liên quan đến amiăng. Sau 40 năm nghiên cứu, từ năm 1973 Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người.
Tác nhân của nhiều bệnh
Ở Việt Nam, Amiăng trắng (Chrysotile) được sử dụng chủ yếu để sản xuất tấm lợp A-C và hầu hết được nhập khẩu từ nước ngoài. Nguồn nhập khẩu Amiăng vào Việt Nam chủ yếu từ Nga (85%), Trung Quốc, Kazakhstan... Trung bình hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 65.000 tấn amiăng nguyên liệu. Năm 2012 là gần 79.000 tấn (đứng thứ 6) và top 5 các nước Châu Á sử dụng amiăng. Hiện nay có khoảng 5.000 công nhân trực tiếp tiếp xúc trong sản xuất tấm lợp A-C. Tấm lợp A-C được cung cấp và tiêu thụ chủ yếu cho hàng triệu người dân có thu nhập thấp ở các vùng nghèo, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ thiên tai, bão lụt với sản lượng mỗi năm khoảng 80 triệu m2.
Cục Quản lý môi trường y tế cho biết, amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường. Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiăng để làm đường, đổ làm móng nhà….
Cần có một lộ trình cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng sớm nhất. |
Tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn Amiăng
Theo các chuyên gia, rất khó để kiểm soát mức độ an toàn đối với sức khỏe con người tại các cơ sở sản xuất sử dụng amiăng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Các nghiên cứu trên thế giới đều cho thấy: amiăng có khả năng gây bệnh rất cao dù với mức độ tiếp xúc thấp và không thể sử dụng amiăng một cách an toàn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều khuyến nghị các nước loại bỏ sử dụng tất cả các loại amiăng để phòng chống các bệnh liên quan đến amiăng. Năm 2006 ILO đã có khuyến nghị nêu rõ tất cả các loại amiăng đều được phân loại là chất gây ung thư ở người; đề nghị không sử dụng Công ước amiăng số 162 năm 1986 để làm lý do tiếp tục sử dụng Amiăng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trong thời gian tới Việt Nam phải khẩn trương tiến hành rà soát các văn bản có liên quan, các vấn đề về bảo vệ người tiêu dùng, các vấn đề về xử lý chất thải amiăng… Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục đặc biệt với người sản xuất có amiăng, người lao động và người dân đang sử dụng sản phẩm chứa amiăng. Đồng thời, cần có một lộ trình cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng sớm nhất, không nên kéo dài thời gian sử dụng ở Việt Nam.…
Hoàng Oanh