Trên cơ sở thời gian thuê đất của dự án, Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây có vị trí đắc địa ở khu vực phía Tây Hà Nội, có sự kết nối với một loạt dự án trọng điểm của thành phố, như đường nối cầu Nhật Tân - Sân bay quốc tế Nội Bài, dự án Nhà ga T2, dự án Đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3, cầu Nhật Tân...
Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 2,5 tỷ USD, do Công ty TNHH T.H.T, công ty 100% vốn của Tập đoàn Deawoo E&C làm chủ đầu tư. Dự án được cấp phép đầu tư từ năm 2006, đến năm 2007, thành phố Hà Nội đã có phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
Theo quy hoạch, Khu đô thị Tây Hồ Tây quy mô trên 207 ha, bao gồm trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ văn hóa và khu nhà ở cao cấp, dự kiến, hoàn thành vào năm 2016. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm tính từ thời điểm cấp phép với nhiều lời hứa hẹn và nhiều cuộc họp kiểm điểm công tác giải phóng mặt bằng của thành phố Hà Nội, dự án vẫn chậm triển khai bởi lý do không có đất sạch.
Trong cuộc họp kết luận, kiểm điểm về tình hình, tiến độ thực hiện Dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây hồi đầu năm nay, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, dự án Tây Hồ Tây là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hàn Quốc và Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Việc Dự án chậm tiến độ đã tạo ra nhận thức chưa đúng về môi trường đầu tư của thành phố Hà Nội.
Ngay sau kết luận chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm đã tiến hành bàn giao 18,7 ha đất cho chủ đầu tư để triển khai giai đoạn 1 của dự án.
Theo đó, chủ đầu tư đã triển khai xây dựng phần hạ tầng và các khu vực có chức năng công cộng như trường học, hồ điều hòa, cảnh quan cây xanh. Nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn I, dự kiến là 200 triệu USD do Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB) cung cấp.