“Với người tiêu dùng Việt, chúng tôi nhận thấy rằng bia ngon nhất là loại bia mà họ đã quen uống”...
Ông Mirofumi Kishi.
“Với người tiêu dùng Việt, chúng tôi nhận thấy rằng bia ngon nhất là loại bia mà họ đã quen uống”, ông Mirofumi Kishi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, nhìn nhận.
Sau gần 3 năm có mặt, thời điểm này, ông có thể chia sẻ chiến lược phát triển của Sapporo tại Việt Nam?
Nhà máy bia Sapporo Việt Nam khánh thành tại khu công nghiệp Việt Hóa - Đức Hòa, Long An vào tháng 11/2011 với tổng kinh phí đầu tư 75 triệu USD. Bia Sapporo bắt đầu bán sản phẩm ra thị trường vào đầu năm 2012. Sapporo rất quan tâm đến Việt Nam, một thị trường đầy tiềm năng.
Chúng tôi nhận thấy phân khúc thị trường bia cao cấp đang rất mạnh và quyết định đầu tư vào phân khúc này. Chúng tôi xây dựng nhà máy bia Sapporo Việt Nam như là căn cứ đầu tiên để xâm nhập thị trường các nước Đông Nam Á khác. Sapporo sẽ sản xuất và xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á.
Hiện tại chúng tôi tập trung phát triển chính ở thị trường Tp.HCM và các tỉnh lân cận và mở rộng ra tất cả các tỉnh thành ở Nam Bộ.
Trước khi đến Việt Nam, Sapporo có điều tra về khẩu vị bia của người Việt không?
Trước khi chính thức đưa sản phẩm ra thị trường Việt Nam, Sapporo đã thực hiện 4 lần khảo sát khẩu vị uống bia của người Việt. Mỗi lần chúng tôi sản xuất, cho người dùng uống thử, lấy ý kiến đánh giá, rồi điều chỉnh hương vị cho đến khi đạt được hương vị yêu thích của người tiêu dùng.
Chúng tôi cũng thay đổi một chút kiểu dáng, thiết kế của nhãn hiệu cho phù hợp. Với người tiêu dùng Việt, chúng tôi nhận thấy rằng bia ngon nhất là loại bia mà họ đã quen uống. Người Việt uống bia không thích vị đắng nên hầu hết các loại bia ở Việt Nam nhạt hơn so với bia ở Nhật.
Vị bia Sapporo đậm hơn, vì thế chúng tôi cũng đã có những điều chỉnh cho phù hợp nhưng vẫn chú trọng vào vị đậm đà. Thói quen người Việt uống bia hay bỏ đá, Sapporo thiết kế mùi vị sao cho ngay khi bỏ đá vào bia vẫn giữ được vị ngon, không bị loãng.
Khác với các hãng bia khác của Nhật khi ra nước ngoài như Asahi hay Kirin, họ thường liên kết với các nhà máy bia địa phương để sản xuất. Tuy nhiên, thế mạnh của của chúng tôi là xây dựng nhà máy riêng tại Việt Nam cũng như tại các nước khác theo tiêu chuẩn sản xuất như ở Nhật Bản, với các máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại cũng như do chuyên gia Nhật Bản vận hành để luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thị trường bia Việt Nam đang xuất hiện nhiều thương hiệu nổi tiếng và nắm giữ thị phần lớn. Điều này có tạo ra thách thức cho Sapporo, thưa ông?
Trước khi có quyết định đầu tư vào Việt Nam, ngay từ năm 2009 chúng tôi đã làm những điều tra đầu tiên về thị trường Việt Nam. Khi đó hầu hết người Việt không biết gì về bia của Nhật. Tuy nhiên sau hơn 2 năm Sapporo có mặt tại Việt Nam, hiện nay có khoảng 90% số người tại Tp.HCM biết về Sapporo.
Ở Hà Nội, con số này là khoảng 30%, dù Sapporo chưa chính thức quảng bá tại thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Hà Nội hiện nay có khoảng 400 điểm bán Sapporo và đó hầu hết là các nhà hàng Nhật, khách sạn cao cấp, sân golf và các câu lạc bộ beer (Bia Club). Còn tại Tp.HCM hiện nay, Sapporo có khoảng 5.000 điểm bán.
Chúng tôi nhận thấy, thị trường tiêu thụ bia ở Việt Nam có tốc độ phát triển hàng đầu thế giới. Vì thế có rất nhiều hãng bia lớn trên thế giới đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Họ cũng là những đối thủ trong tương lai của Sapporo.
Vì vậy, Sapporo cần xây dựng vị trí chắc chắn trước khi các hãng bia lớn khác đến thị trường Việt Nam. Sapporo muốn người tiêu dùng nhớ đến và cảm nhận là một loại bia uống rất ngon. Trong giai đoạn trước mắt chúng tôi xác định, Heneiken là đối thủ chính của chúng tôi. Sau Heineken, sẽ là các hãng bia như: Tiger và Saigon Special..
Sản phẩm của Sapporo hiện nhắm tới đối tượng khách hàng nào tại Việt Nam?
Người ta thường nghĩ bia cao cấp là dành cho người có thu nhập cao, nhưng Sapporo không nghĩ như vậy. Sự cao cấp không liên quan đến thu nhập mà là hoàn cảnh hay trường hợp sử dụng.
Ở Việt Nam, nét văn hóa rất phổ biến là mọi người thường có những dịp gặp mặt bạn bè, sum họp gia đình vui vẻ thì rất cần một cái gì đó như là một loại bia ngon, sang trọng để tăng thêm không khí. Hay tặng nhau những món quà vào dịp đặc biệt.
Thêm vào đó, Việt Nam là một nước dân số trẻ, thanh niên nam giới rất năng động, cầu tiến và thích tìm kiếm sự mới mẻ. Họ cũng là khách hàng chính của Sapporo.
Cảm nhận của riêng ông về môi trường, văn hóa và con người Việt Nam?
Việt Nam là một đất nước trẻ với những người trẻ tuổi, năng động và lạc quan. Tuy nhiên có một sự khách biệt lớn giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Nhật Bản sau khi tốt nghiệp đại học.
Có một thực tế tôi muốn chia sẻ là nhiều sinh viên Việt Nam thiếu kiến thức và kỹ năng khi làm việc. Khi chúng tôi tuyển nhân viên vào, chúng tôi thường phải đào tạo lại nhiều. Tuy nhiên, vì là những người trẻ năng động nên họ tiếp thu nhanh những điều mới và thích ứng tốt với điều kiện làm việc.
Người Nhật rất ghen tỵ với người Việt Nam ở một điểm là những mối quan hệ giữa con người với con người, nói rõ hơn là giữa bạn bè, người thân, họ hàng thật sự khăng khít. Ở những quốc gia phát triển ở Tây Âu hay Nhật Bản những mối quan hệ này ngày càng mờ nhạt đi. Hy vọng Việt Nam vẫn giữ được nét văn hóa này dù Việt Nam có phát triển hơn nữa trong tương lai.
Ông có thích món ăn Việt Nam không? Món Việt và món Nhật có sự tương đồng và khác biệt nào?
Tôi rất thích món ăn Việt Nam. Ăn uống là một trong những sở thích đặc biệt của tôi. Món ăn Việt không sử dụng nhiều gia vị, vì thế món ăn luôn giữ được hương vị gốc/tự nhiện của nguyên liệu.
Đây là một điểm tương đồng của món ăn Việt và món ăn Nhật.
Cái thú vị khi ăn món ăn Việt Nam là cho người ăn tự lựa chọn hương vị của riêng mình bằng cách sử dụng các gia vị và các nước chấm khác nhau. Trong khi món ăn Nhật chỉ có gia vị là nước tương. Khi những người Nhật lần đầu tiên đến Việt Nam, họ thường được hướng dẫn để thưởng thức món ăn Việt theo ý thích của riêng mỗi người. Điều đó làm họ rất thích thú.
Theo VnEconomy