Sacombank sáp nhập Southern bank: Chắc chưa?

Ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank cho biết để thương vụ sáp nhập giữa Sacombank và Southernbank diễn ra phải có 2 điều kiện: một là cổ đông hai bên chấp thuận và hai là được Ngân hàng Nhà nước thông qua.

Ảnh minh họa
Tròn một năm sau những đồn đoán về việc hợp nhất giữa hai ngân hàng hàng đầu trong khối tư nhân Sacombank - Eximbank, Sacombank lại gây chấn động thị trường qua thông tin sáp nhập với Southern Bank. Theo tờ trình của Hội đồng Quản trị Sacombank, mục tiêu của thương vụ là tăng quy mô và năng lực cạnh tranh của Sacombank và dự kiến sẽ thông qua Đại hội cổ đông vào ngày 25/3.

Một thương vụ hợp nhất được giữ kín từ đó đến nay chắc chắn sẽ có những yếu tố làm hài lòng cổ đông của cả 2 ngân hàng. Nhưng càng gần đến ngày đại hội, thương vụ tưởng chừng như chắc chắn diễn ra lại có điểm… chưa chắc. Cổ đông lớn ông Trầm Bê và người có liên quan, những cổ đông được xem là nắm giữ phần lớn cổ phần ở cả 2 ngân hàng, sẽ không được bỏ phiếu ở 2 đại hội cổ đông của 2 ngân hàng.

Đường về Sacombank của Southern Bank có còn xa hay không chính là phụ thuộc vào những cổ đông còn lại. Nói như ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, để thương vụ này diễn ra phải có 2 điều kiện: một là cổ đông 2 bên chấp thuận và hai là được Ngân hàng Nhà nước thông qua.

Thương vụ tái cấu trúc

Ở góc độ quản lý nhà nước, đơn vị quản lý ngân hàng có lẽ phần nào dễ dàng chấp nhận, khi thương vụ này mang dáng dấp của những thương vụ tái cấu trúc trước đây. Đó là thương vụ hợp nhất của 3 ngân hàng SCB - Ficombank - TinNghiaBank và thương vụ sáp nhập Habubank vào SHB.

Nhìn lại trường hợp hợp nhất của 3 ngân hàng, lúc đó 3 ngân hàng này bị mất khả năng thanh toán và đã hợp nhất với nhau vào năm 2011. Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thương vụ này về bản chất là “quy về một chủ; ở trường hợp Sacombank - Southern Bank cũng như vậy”. Ngay cả ông Phú, Sacombank, cũng thừa nhận 2 ngân hàng này có dáng dấp của một ngân hàng có cùng chủ sở hữu.

Thực vậy, tỷ lệ nắm giữ của cổ đông Trầm Bê và người có liên quan ở cả 2 ngân hàng hiện rất cao, lên đến 6,78% cổ phần của Sacombank và hơn 21% cổ phần của Southern Bank. Nếu sáp nhập diễn ra, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này sẽ giảm về đúng với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước, tức dưới 20%.

Còn ở thương vụ SHB - Habubank, điểm chung với thương vụ Sacombank - Southern Bank là phương thức tái cấu trúc một ngân hàng yếu kém bằng cách cho sáp nhập vào một ngân hàng mạnh.

Quảng cáo
Theo báo cáo tài chính năm 2011, Southern Bank có vẻ như gặp vấn đề về khả năng thanh toán. Trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ, khoản mục tăng (giảm) các khoản nợ chính phủ và Ngân hàng Nhà nước của Ngân hàng đã tăng thêm 5.000 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần năm 2011 âm gần 8.000 tỷ đồng, trong khi năm 2010 là dương hơn 9.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong bảng cân đối kế toán, hạng mục tài sản có khác tăng lên hơn 18.000 tỷ đồng trong năm 2011, tăng 4,5 lần so với năm 2010. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, các ngân hàng thường giấu nợ bằng cách đảo nợ và một phần được đưa vào khoản mục tài sản có khác. Xem xét kỹ hơn báo cáo tài chính, những khoản này chủ yếu là khoản phải thu. Lập luận trên là có lý khi Southern Bank tiếp tục tăng cường cho vay trong giai đoạn này (tăng 22,7%). Những khoản này có thể chưa được trích lập dự phòng và phân loại nợ xấu đầy đủ, nên tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức xấp xỉ 3%.

Làm ăn không hiệu quả, có nhu cầu tái cấu trúc nhưng ông Phú, Sacombank, cho biết tự bản thân Southern Bank lại không tái cấu trúc được. Do đó, Ngân hàng muốn sáp nhập vào Sacombank, đơn vị hàng đầu trong khối ngân hàng tư nhân và có thế mạnh trong mảng bán lẻ.

Xem ra, Ngân hàng Nhà nước khó lòng từ chối một đề án hấp dẫn như vậy. Phương án này phù hợp với chủ trương thu hẹp số lượng ngân hàng trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, khi làm biến mất các ngân hàng yếu kém mà Chính phủ không phải tốn chi phí.

Ẩn số cổ đông

Tương tự như Habubank, có vẻ như không có nhiều lựa chọn cho cổ đông Southern Bank, khi từ lâu nay ngân hàng này đã gặp trục trặc. Nhưng cổ đông Sacombank thì ngược lại. Vì đề án cụ thể chưa được công bố, nên mọi chuyện chưa rõ ràng. Liệu các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ, có lợi gì không? Sáp nhập với một tổ chức tín dụng yếu có làm trì trệ quá trình tăng trưởng của ngân hàng này?

Một câu hỏi được nhiều người quan tâm là Southern Bank có điểm gì để bổ sung cho Sacombank. Một số ý kiến cho rằng hơn 140 điểm bán lẻ của Southern Bank có thể sẽ bổ sung tốt cho Sacombank. Tuy nhiên, những điểm giao dịch này phần lớn tập trung ở TP. HCM (chiếm khoảng 50% số điểm bán lẻ), nơi mà Sacombank đã phủ sóng rộng rãi, chưa kể đến việc có nhiều khả năng vị trí các điểm bán lẻ này sẽ ở gần nhau. Điều này có nghĩa thế mạnh của Southern Bank không có ý nghĩa nhiều với Sacombank.

Trường hợp này khác với thương vụ SHB - Habubank. Số điểm bán lẻ của SHB gấp đôi so với Habubank, nhưng Habubank chủ yếu có thế mạnh ở Hà Nội, còn SHB lại có thế mạnh ở miền Nam. Nghĩa là giá trị cộng hưởng mà Habubank mang lại sẽ lớn hơn nhiều.

Mặt khác, một mối quan tâm là tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa 2 ngân hàng. Cổ phiếu Southern Bank hiện có giá khoảng 7.000-8.000 đồng/cổ phiếu, trong khi Sacombank ở quanh mức 20.000 đồng/cổ phiếu. Tất nhiên, cổ đông Southern Bank sẽ tốn nhiều cổ phiếu hơn để được sở hữu 1 cổ phiếu của Sacombank. Ở trường hợp SHB - Habubank, tỷ lệ hoán đổi là 1 cổ phiếu Habubank được chuyển thành 0,75 cổ phiếu SHB.

Rõ ràng, để thuyết phục được cổ đông Sacombank, những người trong cuộc phải chuẩn bị một bản đề án thực sự hấp dẫn. Cũng không loại trừ khả năng đề án sáp nhập bị bác bỏ một khi cổ đông nhỏ nhận thấy việc sáp nhập không có lợi cho họ.

Một nhóm nhà đầu tư khác đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu của Sacombank là Eximbank. Nhịp cầu đầu tư đã liên hệ với ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Eximbank, nhưng ông từ chối trả lời về thương vụ sáp nhập ngân hàng trong thời điểm này. Rõ ràng, các cổ đông Sacombank ở kỳ đại hội cổ đông ngày 25/3 tới vẫn đang là một ẩn số đóng vai trò quyết định trong thương vụ này.

Theo Nhịp cầu đầu tư

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/