Ảnh minh họa
Tại Hội thảo “20 năm
quan hệ Việt – Mỹ: Nhìn từ góc độ kinh tế”, bà Rena Bitter, Tổng lãnh sự Mỹ tại
TP.HCM nhận xét, lĩnh vực thành công nhất từ khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với
Việt Nam chính là thương mại.
Điểm nhấn TPP
Thời
điểm này, mặc dù có nhiều khả năng sẽ chưa thể kết thúc đàm phán trong năm nay,
nhưng yếu tố được nhắc đến và kỳ vọng nhiều nhất vẫn là Hiệp định đối tác kinh
tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngay những đại diện đến từ Mỹ cũng đề cập yếu
tố này, bởi theo bà Rena Bitter, mối quan hệ giao thương sẽ còn tăng khi TPP
được ký kết, tạo ra một khu vực bao trùm 40% nền kinh tế thế giới.
Tại
sao doanh nghiệp quan tâm nhiều về TPP? Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
giải thích, bởi TPP là khuôn mẫu của những mối quan hệ hợp tác đa phương, sâu
rộng theo hướng kinh tế thị trường và thương mại tự do. Tại cuộc họp của bộ
trưởng kinh tế các nước vừa diễn ra, các nhà lãnh đạo đều khẳng định, Mỹ sẽ là
động lực phát triển cho mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng doanh nghiệp.
Với
TPP, quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã nâng lên tầm cao mới, cũng là cơ hội và
thách thức cho cả chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một hiệp định
thương mại tự do sẽ tạo động lực mới, bởi cải cách đang là yêu cầu sống còn
trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam nay đã trở thành đối tác đứng thứ 20 xuất
khẩu vào Mỹ. Tốc độ tăng trưởng các sản phẩm, dịch vụ cũng đã chứng minh,
thương mại đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa hai nước, theo nhận
định của ông Trần Tuấn Anh. Trong nhiều năm qua, Việt Nam vẫn nhập siêu từ
nhiều quốc gia khác, nhưng riêng với Mỹ, Việt Nam luôn xuất siêu và ngày càng
cải thiện chuỗi giá trị gia tăng. Theo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam
(AmCham), tổng kim ngạch thương mại giữa 2 nước trong năm ngoái đạt 36,3 tỷ USD,
tăng trưởng 20%. Ước tính đến năm 2020, con số này có thể tăng lên 72 tỷ USD và
còn có thể cao hơn nếu TPP sớm được ký kết. Việt Nam hiện đã vượt qua cả
Malaysia và Thái Lan, trở thành nhà cung cấp đứng đầu trong khối ASEAN vào thị
trường Mỹ, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của các nước trong khu
vực.
Trong
khi đó, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay, từ dệt may, giày
dép, đồ gỗ, cho đến công nghiệp chế biến và công nghiệp điện tử đều được hưởng
lợi khi hàng rào thuế quan dần về 0%. Đơn cử ngành dệt may, ông Lê Quốc Ân, cố
vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, việc kinh doanh của ngành này đã thật
sự khởi sắc khi bắt đầu làm ăn với thị trường Mỹ, nhất là từ sau khi hai nước
bình thường hóa quan hệ và ký hiệp định thương mại song phương (BTA).
Trước
năm 2000, xuất khẩu dệt may sang Mỹ chỉ hơn 45 triệu USD, nhưng sau khi BTA ký
kết vào năm 2001, kim ngạch xuất khẩu đã vọt lên 1 tỷ USD ngay năm sau đó. Đến
năm ngoái, con số này xấp xỉ 10 tỷ USD, chiếm 10% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng
dệt may của Mỹ. Hiện Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc về xuất khẩu vào Mỹ, nhưng
khoảng cách sẽ rút ngắn nhờ TPP. KTheo ông Lê Quốc Ân, trong 10 năm qua, dệt
may xuất hàng vào Mỹ tăng trưởng tới 398%. Nếu có TPP, khoảng cách giữa Việt
Nam và Trung Quốc ở thị trường Mỹ sẽ gần hơn. Hiện thuế nhập khẩu hàng dệt may
tại Mỹ khoảng 17%, với 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp Việt sẽ mất
1,7 tỷ USD tiền thuế. “Quan trọng hơn là sự cải thiện chuỗi giá trị gia tăng.
Trong hơn 24 tỷ USD xuất khẩu của ngành dệt may thì giá trị thặng dư của Việt
Nam giữ được hơn 50% chủ yếu nhờ thị trường Mỹ”, ông Ân nhìn nhận.
Một thị trường hấp
dẫn
Trên thực tế, ngay cả khi chưa có
TPP, Mỹ luôn là một thị trường hấp dẫn với nước ta. Làm ăn với Mỹ không chỉ đem
lại giá trị lớn về kim ngạch xuất khẩu mà doanh nghiệp còn học được về công
nghệ, trình độ quản lý… Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty May Garmex Sài Gòn,
ông Lê Quang Hùng, kể lại câu chuyện vào thời điểm giàn khoan Hải Dương 981 của
Trung Quốc kéo đến biển Đông và sau đó xảy ra sự kiện biểu tình của công nhân ở
Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM hồi năm ngoái, đối tác Mỹ vẫn chủ động gặp doanh
nghiệp Việt. Họ muốn trao đổi để nắm tình hình và nếu tình hình cung ứng nguyên
phụ liệu từ phía Trung Quốc gặp trục trặc hoặc bị chậm trễ làm chi phí đầu vào
của doanh nghiệp gia tăng, họ sẵn sàng chia sẻ.
“Chúng tôi thật sự bất ngờ vì cách
ứng xử của họ. Làm việc với khách hàng Mỹ nhiều năm qua, tôi thấy họ sòng
phẳng, rõ ràng và minh bạch. Điều quan trọng là hàng của mình phải đảm bảo chất
lượng”, ông Hùng nói. Thời điểm BTA với Mỹ có hiệu lực (tháng 10/2001), Garmex
cũng là một trong số ít những doanh nghiệp Việt chuẩn bị để có lô hàng đầu tiên
cập cảng Mỹ.
Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ chế biến gỗ xuất khẩu TP.HCM (Hawa) cho biết, Mỹ luôn là thị trường hàng đầu về nhập khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Cơ hội với thị trường này càng rộng mở hơn khi gần đây, lượng đơn hàng đã ồ ạt chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, do chi phí nhân công tại Trung Quốc tăng mạnh, càng giúp tạo thêm lợi thế cho hàng Việt. Sức nóng từ TPP đã và đang thu hút một lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc… vào Việt Nam, nhằm tận dụng các lợi thế ưu đãi. Con đường hợp tác với Mỹ đã rộng mở.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp