Tổ điều hành kinh tế vĩ mô nhận định mức tăng CPI 6 tháng đầu năm 2015 là mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua (theo tính toán của Tổng cục Thống kê). Tuy nhiên, chỉ số CPI không chỉ giảm mạnh trong năm nay mà đã giảm từ năm 2014. Có nhiều nguyên nhân tác động tới chỉ số CPI giảm nhưng nguyên nhân trực tiếp của sự suy giảm này trước hết là do giá dầu giảm trong quý IV năm ngoái và quý I năm nay. Đây là nguyên nhân chủ yếu và không chỉ tác động làm giảm giá dầu mà tác động khiến giá nguyên liệu đầu vào các ngành sản xuất cũng giảm theo, từ đó khiến CPI giảm.
Bên cạnh đó, nguồn cung lương thực, thực phẩm - chiếm tỷ lệ lớn trong rổ hàng hóa khi tính CPI - liên tục ổn định trong suốt 6 tháng. Thực tế có tăng nhưng không đáng kể. Ngoài ra, việc tăng giá điện 7,5% và tăng giá xăng dầu cũng có ảnh hưởng nhưng những tác động cơ học này không góp phần nhiều làm CPI tăng lên.
Tuy CPI tăng thấp nhưng điều này không đáng lo ngại vì sản xuất vẫn tăng. Theo dự báo sơ bộ, GDP quý I có thể tăng 6,03%, trên thực tế. Điều đó để thấy rằng, tuy CPI thấp nhưng tăng trưởng vẫn ổn định, quý sau cao hơn quý trước một cách bền vững và đó là vấn đề không đáng lo ngại.
Đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng CPI 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp khai thác khoáng sản: Công nghiệp chế biến chế tạo là khu vực có mức tăng trưởng cao liên tục trong 3 năm qua và đã đóng góp 9% vào mức tăng chung so với cùng kỳ; Khu vực công nghiệp khai thác khoáng sản cũng có đóng góp lớn mà trực tiếp là dầu khí và than. Trong 6 tháng đầu năm, khai thác dầu đạt sản lượng 8,3 triệu tấn - đây là mức tăng cao so với 7,4 triệu tấn của cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những kết quả tích cực của sự phát triển kinh tế trong 6 tháng đầu năm, để giữ được mức tăng trưởng 6,2% như Quốc hội thông qua Tổ điều hành kinh tế vĩ mô cũng nhận định những khó khăn, thách thức của nền kinh tế trong 6 tháng còn lại của năm 2015:
Thứ nhất, lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang giảm mạnh. Năm 2014, nông nghiệp đóng góp 3,44% vào tăng trưởng GDP nhưng 6 tháng qua chỉ còn 2,17%. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do hạn hán kéo dài khiến miền Trung không thể gieo cấy, sản lượng giảm; thủy sản như tôm, cá da trơn cũng bị dịch bệnh ảnh hưởng tới sản xuất và xuất khẩu.
Có thể thấy, nông nghiệp là trụ đỡ, nền tảng kinh tế của Việt Nam, là khu vực thu hút nhiều lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội và suy giảm mạnh là vấn đề đáng lo ngại cần bàn bạc, chung tay giải quyết.
Thứ hai là xuất nhập khẩu: Trong 3 năm liên tiếp, Việt Nam xuất siêu nên cán cân thanh toán ngoại tệ thặng dư, dự trữ ngoại tệ cũng tăng lên. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam bắt đầu nhập siêu và hiện nay nhập siêu đang chiếm 4,7% so với kim ngạch XNK trong khi chỉ tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2015 chỉ là 5%.
Giải pháp đặt ra là phải thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp để giảm tỷ trọng nhập siêu. Bên cạnh đó, sử dụng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt nhập khẩu, nhất là các mặt hàng không thiết yếu cho đời sống, các mặt hàng xa xỉ, không cần thiết, nhập khẩu quá mức, cần khống chế.
Thứ ba là cần quyết liệt đấu tranh với buôn lậu hàng giả, hàng nhái để thúc đẩy sản xuất trong nước. Hiện nay, khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo đang đóng góp vào tăng trưởng lớn. Ta cần tận dụng điều này, có những chính sách hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, dân doanh của Việt Nam phát triển mạnh, có thương hiệu, tự chủ được nền kinh tế tốt hơn, đóng góp vào tăng trưởng nhiều hơn.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế trong 6 tháng còn lại năm 2015, Tổ điều hành kinh tế vĩ mô cho rằng các ngành, các cấp cần thực hiện tốt Nghị quyết số 19/NQ-CP về tạo môi trường cạnh tranh, đồng thời làm tốt các chính sách tháo gỡ như cải thiện điều kiện visa cho nhà đầu tư, điều kiện lao động, chính sách ngăn chặn buôn lậu gian lận thương mại. Đây là những điều cần phải làm ngay để đảm bảo cho tăng trưởng bền vững hơn trong tương lai./.