Quyền tự do kinh doanh và “câu chuyện gián đất”

(DĐDN) - Vụ việc Cty TNHH Cơ khí thương mại Hoàng Hiệp (Cty Hoàng Hiệp) đòi Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh bồi thường thời gian gần đây dường như đang bế tắc, bởi từ cơ quan quản lý nhà nước đến cá nhân cán bộ công chức liên quan đều không muốn nhận trách nhiệm và dường như luật pháp cũng còn đang bỏ ngỏ việc này.
Cơ sở nuôi gián đất rộng hơn 200m2 ở thôn Quảng Bố, xã Quảng Phú

Vì Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) chăn nuôi gián đất cho Cty Hoàng Hiệp có địa chỉ tại xã Quảng Phú, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh vào ngày 03/12/2013 khiến DN này đã đầu tư gần 3 tỉ đồng nuôi gián đất, rồi sau đó bị buộc phải tiêu hủy. Tuy nhiên, khi Cty Hoàng Hiệp đòi Sở KH-ĐT bồi thường thiệt hại thì Sở này... không chịu trách nhiệm.

DN xin thì Sở cấp ?

Việc nuôi gián đất, một loại côn trùng nhập vào Việt Nam từ Trung Quốc diễn ra khoảng cuối năm 2013. Nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là hoạt động này lại được Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh cấp GCNĐKKD cho DN. Tại hạng mục kinh doanh thứ 11 trong GCNĐKKD của Cty Hoàng Hiệp, Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh cấp phép cho DN này được phép chăn nuôi gián đất.

Với giấy phép này, ông Nguyễn Đình Nguyên - Giám đốc và ông Phạm Văn Hùng là cổ đông góp vốn của Cty Hoàng Hiệp đã đầu tư hàng tỷ đồng để nuôi gián đất. Ông Nguyên cho biết, ông đã sang Trung Quốc mua hơn một tạ trứng gián về tự ấp để gây giống và bỏ vốn ra đầu tư chuồng trại khoảng 200m2. Theo tính toán của ông, đến tháng 8/2014, mẻ gián đất đầu tiên sẽ được thu hoạch. Tuy nhiên, nhận được quyết định phải tiêu hủy từ Bộ NN-PTNT. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã có văn bản, yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh vào cuộc xử lý và tiêu hủy ngay số gián đất đang nuôi tại các hộ dân ở 2 huyện Lương Tài và Gia Bình (Bắc Ninh). Tiếp theo đó, ngày 18/3/2014, tỉnh Bắc Ninh cũng đã ra Văn bản 498, yêu cầu các cơ quan ban ngành gồm Sở NN-PTNT, Sở TN-MT… cùng chính quyền địa phương có hộ nuôi gián đất phải tổ chức tiêu hủy trước ngày 21/3.

Đứng ở góc độ người sản xuất kinh doanh, ông Nguyên cho rằng pháp luật đã thừa nhận quyền tự do kinh doanh. Người dân và DN được làm những gì mà pháp luật không cấm. Đằng này, DN đã xin phép và được Sở KH-ĐT đồng ý thì không thể nói là lỗi tại DN được.

Lỗi tại ai ?

Theo ông Vũ Thái Ninh - Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN-PTNT Bắc Ninh), để con gián đất “lọt” được vào nuôi ở tỉnh là do sai sót trong việc cấp phép kinh doanh của Sở KH-ĐT, nên trách nhiệm pháp lý và đền bù cho hộ nuôi gián đã bị tiêu hủy phải thuộc về sở này.

Quảng cáo

DN đã xin phép và được Sở KH - ĐT đồng ý thì không thể nói là lỗi tại DN được

Ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) khẳng định, việc cấp GCNĐKKD cho Cty Hoàng Hiệp nuôi gián đất của Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh là sai. Đây là loài chưa được phép nuôi tại Việt Nam. Mọi việc cấp phép liên quan đến lĩnh vực giống vật nuôi phải tuân thủ Luật Đa dạng sinh học, đặc biệt đây lại là giống ngoại lai. Việc người dân và DN tự ý nhập gián đất về nuôi cũng là vi phạm pháp luật. Hiện gián đất không có trong danh mục giống vật nuôi được phép kinh doanh, sản xuất.

Gián là loại côn trùng gây hại cho xã hội, là trung gian truyền nhiễm bệnh nguy hiểm như dịch tả, tiêu chảy, là thủ phạm gặm nhấm, hư hỏng các vật dụng sách vở, quần áo… Hằng năm, trong danh mục thuốc diệt côn trùng của Bộ Y tế cũng đã có quy định cụ thể các loại thuốc để tiêu diệt gián. Do vậy, đây là loài Việt Nam đang tiêu diệt, không có lý gì chúng ta lại nhập về nuôi.

Về phía Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh, sau thời gian nhận có sơ xuất nhưng đến nay đã viện dẫn nhiều văn bản liên quan và cho rằng không có lỗi. Giám đốc sở thì nói đi học vắng. Phó Giám đốc sở ông Ngô Tân Phượng thì đã đẩy quả bóng trách nhiệm cho ông Phạm Khắc Nam – Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, là người trực tiếp ký GCNĐKKD. Còn, ông Nam cho rằng, mình đã làm đúng thẩm quyền và cấp phép đúng, phải xin ý kiến trả lời của Bộ. Bộ KH-ĐT thì cho rằng, DN phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động trước và sau khi ĐKKD. Việc đăng ký sản xuất kinh doanh những mặt hàng có điều kiện thì thuộc trách nhiệm cấp phép của bộ chuyên ngành.

Bộ NN - PTNT thì khẳng định, gây nuôi gián đất là việc làm bị nghiêm cấm. Bộ trưởng NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 67/2005 về Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh gồm 9 loài (lợn, gia cầm, bò, trâu, dê, ngựa, thỏ, ong, tằm) và tuyệt nhiên không có con gián đất.Vì thế, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh phải “kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý của cá nhân, đơn vị có liên quan”.     

Thiếu thống nhất

DN được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, nhưng nếu thả cửa hoàn toàn yêu cầu đăng ký ngành nghề kinh doanh đối với DN thì cơ chế hậu kiểm có gánh nổi hệ lụy sau đó? Chỉ vì sự thiếu thống nhất giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về vấn đề ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà hệ quả, nhà đầu tư phải chịu thiệt hại lớn. Rủi ro này khó mà đo đếm được, bởi việc kinh doanh trước đó đều hoàn theo thực hiện theo đúng thủ tục.

Cả tỉ đồng đổ vào một con vật nuôi không trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT nhưng lại được cấp phép bởi ngành chức năng của địa phương. Người dân của đau con xót khi vốn liếng bị thiêu theo ngọn lửa sau quyết định tiêu hủy của ngành chức năng, bức xúc đòi Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh bồi thường, thậm chí còn dọa kiện vì đã cấp phép. Còn Sở Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng, đội ngũ cán bộ xác định gián đất là một loại côn trùng trong mã ngành nghề nuôi côn trùng nên cấp phép. Sự vênh nhau và không có sự phối hợp giữa các ngành đã để lại nhiều thiệt hại cho người dân và những hệ lụy khó lường cho môi trường tự nhiên và xã hội. Khi vụ việc mới bùng phát, ông Ngô Tân Phượng – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Bắc Ninh đã thừa nhận: “Về phía Sở, chúng tôi đã nhận thấy sai sót của mình trong việc cấp phép nuôi gián. Sở sẽ xem xét để đề xuất mức hỗ trợ phù hợp”. Tuy nhiên, khi thỉnh thị lên trên xin ý kiến của Bộ KH&ĐT thì đã được Bộ hướng dẫn, cơ quan đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký DN, không chịu trách nhiệm về những vi phạm pháp luật của DN xảy ra trước và sau đăng ký DN. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kinh doanh áp dụng theo các quy định của Luật, Pháp lệnh, Nghị định chuyên ngành hoặc Quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH&ĐT đã viện dẫn Nghị định số 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật DN khẳng định Danh mục nói trên chỉ được cụ thể hóa trong một “quyết định” của Bộ NN&PTNT.

Dự thảo Luật DN sửa đổi được các chuyên gia cho rằng cần triệt để sửa đổi để tránh những rủi ro thiệt hại như vậy. Từ vụ việc kinh doanh gián đất cho thấy, nếu như tách đăng ký thành lập DN, với việc đáp ứng điều kiện kinh doanh cũng sẽ gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý Nhà nước. Thậm chí, hệ lụy có thể là tác động xấu, bởi nhà đầu tư kinh doanh khi chưa đáp ứng đủ điều kiện cần thiết.


Các bên đều bị động


LS Vũ Hữu Thức  Đoàn LS Hà Nội:

Việc cấp phép này là trái với quy định của pháp luật, chính vì thế Sở phải ra thông báo thu hồi giấy phép kinh doanh. Khi gián đất của người dân bị đem đi tiêu hủy, người dân là nạn nhân từ hành vi hành chính sai phạm của cán bộ Sở KHĐT, đơn vị đã cấp phép cho nuôi. Sở là đơn vị cấp phép, phải có trách nhiệm rà soát các văn bản quy định khác của pháp luật để việc cấp phép đúng.

Tuy nhiên, việc cấp GCNĐKD này là trái với quy định của pháp luật, chính vì thế Sở phải ra thông báo thu hồi giấy phép kinh doanh. Khi gián đất của người dân bị đem đi tiêu hủy, người dân là nạn nhân từ hành vi hành chính sai phạm của cán bộ Sở KH&ĐT. Trách nhiệm rà soát các văn bản và quy định có liên quan đến việc cấp GCNĐKKD thuộc về Sở KH&ĐT.

DN và người dân bị thiệt hại ở trường hợp do lỗi của cán bộ, cơ quan nhà nước có thể yêu cầu được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước năm 2009. Cụ thể, DN và người dân phải tiêu hủy gián đất ở Bắc Ninh bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra nên cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ là Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm bồi thường.

DN và người bị thiệt hại có thể thu thập chứng cứ gửi hồ sơ đến Sở KH&ĐT tỉnh Bắc Ninh để yêu cầu bồi thường. Điều 17 luật này quy định: Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ kèm theo; trường hợp hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn người bị thiệt hại bổ sung. Sau khi thương lượng và nhận quyết định bồi thường nếu không thỏa mãn với mức được bồi thường, người được bồi thường có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết việc bồi thường.

Tuy nhiên, để xảy ra việc nuôi gián đất tại tỉnh Bắc Ninh cũng cảnh báo nhiều vấn đề. Trước tiên cần làm rõ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ quan nào chịu trách nhiệm đối với từng ngành nghề đó. Khi cấp GCNĐKKD, Sở KH&ĐT cần hướng dẫn đễ DN đến các địa chỉ cần thiết xin cấp phép điều kiện kinh doanh đặc thù. Bên cạnh đó, ai cũng biết con gián đất là một loại côn trùng. Mức độ gây hại đến đâu thì chưa rõ nhưng để nó được nhập vào rồi nuôi hàng tháng trời mới bị phát hiện. Từ cơ quan hải quan đến Sở, phòng NN&PTNT đều là người biết sau cùng.

Bá Tú

Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/