Tất cả các loại thực vật nhập khẩu, cho dù tươi hoặc không, hoặc những phần của cây cối như quả, hạt, cành, củ... cũng như gỗ và tất cả những vật phẩm làm từ gỗ, tre. đều phải được kiểm dịch và phải chuyển đến cơ quan kiểm dịch thực vật. Những sản phẩm nhập khẩu bị phát hiện có nhiễm khuẩn sẽ phải được xử lý, tiêu hủy hoặc gửi trả lại bằng chi phí của chủ hàng. Một số loại cây cảnh, hạt, rau quả tươi, phải được cấp phép trước khi nhập khẩu.
Đất bị cấm nhập khẩu vào Úc nên bất kỳ một sản phẩm nào bị phát hiện có đất sẽ bị cách ly kiểm dịch và được trả ra khi cơ quan kiểm dịch xác định rằng các nguy cơ đã được loại bỏ hoàn toàn.
Dưới đây là phần tóm tắt những quy định chính vê kiểm dịch. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam nên cập nhật những quy định mới nhất trước khi xuất khẩu hàng hoá sang thị trường Úc. Những thay đổi đối với các quy định kiểm dịch do Bộ Nông nghiệp, Thuỷ sản và Lâm nghiệp (DAFF) của Úc thông báo tại chuyên mục Cảnh báo các điều kiện nhập khẩu liên quan đến an toàn sinh học trên trang web:
http://apps.daff.gov.au/icon32/asp/exalertscontent.asp
Hệ thống cảnh báo các điều kiện nhập khẩu đăng tải các thông báo về những vấn đề hiện tại và những thay đổi lớn đối với các quy định về nhập khẩu. Hệ thống này bao gồm các điều kiện nhập khẩu đối với hơn 20.000 thực vật, động vật, vi khuẩn, khoáng sản và các sản phẩm từ con người. Các thông tin này thường xuyên được cập nhật.
Qui định kiểm dịch đối với gỗ thanh và gỗ khúc
Một số côn trùng có hại nguy cơ cao đe doạ an toàn sinh học của Úc bao gồm một số loài bọ cánh cứng, bướm đêm, mối, ong có tên tiếng Anh chính xác như sau: Asian Longhorn Beetle, Burnt Pine Longicorn Beetle, Japanese Pine Sawyer Beetle, Asian Gypsy Moth, Termites, Auger Beetle, Powder Post Beetle, Wood Wasps.
Rất nhiều côn trùng ngoại lai ở trong gỗ và các sản phẩm từ gỗ dưới dạng trứng hoặc ấu trùng mà chưa thể nhận biết ngay được. Những côn trùng này có thể xuất hiện sau nhiều năm.
Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải lưu ý và tuân thủ các điều kiện nhập khẩu liên quan đến an toàn sinh học. Các điều kiện nhập khẩu được xây dựng dựa trên các bằng chứng khoa học, các phân tích nghiêm ngặt, và các tin tức thu thập được là yếu tố quan trọng để không cho các loại côn trùng xâm nhập và phát tán bệnh tật trong nước Úc.
Có hai bước trong tiến trình kiểm tra an toàn sinh học đối với việc nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ:
• Kiểm tra danh sách gỗ và các sản phẩm từ gỗ để xác định hàng hoá của doanh nghiệp mình thuộc danh mục nào; và
• Kiểm tra Cơ sở dữ liệu nhập khẩu dựa trên danh mục hàng hoá được xác định ở trên để xác định yêu cầu nhập khẩu.
Nguy cơ an toàn sinh học có thể được xử trước hoặc khi đến biên giới thông qua việc sử dụng các biện pháp đã được Úc thông qua (phụ thuộc vào các yêu cầu nhập khẩu).
Những biện pháp xử lý này bao gồm xông khói, chiếu xạ, đốt nóng, đun sôi, hoặc cách ly tạm thời.
Qui định kiểm định đối với vật liệu bao gói
Các loại túi được sử dụng làm bao gói cho những lô hàng là các sản phẩm có nguồn gốc thực vật phải là những loại túi mới, sạch và bền, đảm bảo không làm rơi hàng hoá đựng bên trong. Các loại túi được tái sử dụng trong vận chuyển hàng hoá phải được kiểm dịch và xử lý tiêu huỷ hoặc tái xuất. Tất cả các loại gỗ gồm sọt, tấm lót, tấm chặn, tấm kê hàng cũng phải được kiểm tra trừ trường hợp có chứng nhận các loại gỗ này đã được xử lý chống côn trùng lây lan bằng phương pháp thích hợp đã được Cơ quan An toàn Sinh học của Bộ Nông nghiệp, Thuỷ sản và Lâm nghiệp Úc thông qua.
Vật liệu bao gói có nguồn gốc thực vật bị cấm nhập khẩu trừ các loại sau: sợi gỗ (wood-wool), mùn cưa, giấy vụn, giấy bồi, vỏ gỗ sồi nghiền nhỏ, than bùn. Các loại vật liệu bao gói khác được chấp nhận bao gồm perlite[1], vermiculite[2] và các loại vật liệu tổng hợp. Tất cả các loại rơm ngũ cốc bị cấm nhập khẩu và không được sử dụng làm vật liệu bao gói.
Hàng hoá đóng trong container nguyên chiếc giao tận nơi nhận không phải kiểm dịch nếu thành phần gỗ sàn và gỗ lót đã được xử lý bằng một phương pháp được chấp nhận. Để tránh việc kiểm tra đóng gói, có thể sử dụng các vật liệu thay thế' như bìa các tông, sợi đay mới hoặc kim loại. Khi sử dụng các loại sọt, thùng hoặc tấm kê hàng, cần xử lý những vật dụng này bằng phương pháp thích hợp đã được Cơ quan An toàn Sinh học của Bộ Nông nghiệp, Thuỷ sản và Lâm nghiệp Úc thông qua.
Một điều quan trọng cần lưu ý Container đóng hàng cần phải sạch, không dính đất và không có những chất ô nhiễm từ động thực vật như các hạt ngũ cốc, bột mỳ, thịt, xương, và da. Vật liệu bao gói làm bằng rơm, vỏ trấu và những nguyên liệu tương tự từ thực vật bị cấm nhập khẩu và không được sử dụng để đóng gói.
Cơ quan An toàn Sinh học của Bộ Nông nghiệp, Thuỷ sản và Lâm nghiệp Úc đã mở rộng việc thực hiện các biện pháp kiểm dịch động thực vật theo tiêu chuẩn quốc tế (ISPM 15) đối với tất cả các vật liệu bao gói và lót hàng bằng gỗ vận chuyển bằng đường hàng không khi nhập khẩu vào Úc.
Việc tuân thủ là bắt buộc, hoặc tuân thủ qui định bao gói theo ISPM 15 hoặc đưa ra bằng chứng chứng minh các loại bao gói đã được xử lý (khai báo đóng gói/chứng nhận xử lý).
Nếu các điều kiện đề cập ở trên không được tuân thủ, các vật liệu bao gói bằng gỗ sẽ được xử lý, tiêu huỷ hoặc tái xuất với chi phí do người nhập khẩu tự chịu.
Các doanh nghiệp nhập khẩu vào Úc cần trình tờ khai đóng gói vận chuyển bằng được hàng không theo ISPM 15. Tờ khai cần được in trên giấy tiêu đề của công ty cung cấp hàng hoá hoặc công ty vận chuyển, bao gồm vận đơn hàng không, số hoá đơn thương mại và ghi ngày tháng, ký, đóng dấu.
Nếu bao gói được đánh dấu hoặc đóng dấu tuân thủ ISPM 15 và tờ khai đóng gói vận chuyển theo đường hàng không theo ISPM 15 được cung cấp đầy đủ thì không cần tài liệu bổ sung nào khác.
Lưu ý quan trọng: Đối với các lô hàng mà bao gói bằng gỗ không đáp ứng được theo ISPM 15, doanh nghiệp cần phải có giấy chứng nhân còn hiệu lực về việc bao gói đã được xông khói kèm theo tờ khai đóng gói vân chuyển bằng đường hàng không, nếu không hàng hoá sẽ bị chuyển thẳng đến cơ quan an toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp, Thuỷ sản và Lâm nghiệp Úc để kiểm tra, xử lý, tiêu huỷ, hoặc tái xuất với mọi chi phí do người nhập khẩu chịu.
Các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam khi nhập khẩu vào Úc trong tháng 3/2014 tăng mạnh. Chỉ riêng trong tháng 3/2014, Việt Nam có 5/16 trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm khi nhập khẩu vào Úc. Báo cáo chi tiết các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của tất cả các nước, bao gồm Việt Nam xin xem tại: http://vietnamexport.com/bao-cao-thuc-pham-nhap-khau-vi-pham-thang-32014... |
Hoa tươi
Hoa tươi có thể được nhập khẩu vào Úc với điều kiện chúng không thuộc những giống bị cấm theo quy định về kiểm dịch, không có nguồn gốc từ những khu vực đang xảy ra dịch bệnh hay là những loài dễ phát tán giống từ bất kỳ phần nào của cành hoặc cuống hoa.
Tất cả các loại hoa tươi phải được kiểm tra tại cửa khẩu về sâu bệnh, ốc sên và các bệnh khác. Trong trường hợp tìm thấy bệnh dịch ở hoa, chúng phải được đưa đi xử lý, tái xuất hoặc hủy bỏ.
Sản phẩm từ động-thực vật
Úc áp dụng các qui định rất chặt chẽ đối với sản phẩm từ động-thực vật. Những sản phẩm này chỉ có thể được nhập khẩu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện và có các chứng từ phù hợp kèm theo. Dưới đây là một số ví dụ về các qui định áp dụng cho các sản phẩm cụ thể.
Thức ăn khô cho động vật (nguồn gốc thực vật)
Thức ăn khô cho động vật có nguồn gốc thực vật có thể được nhập khẩu vào Úc trong trường hợp thức ăn này được lấy từ thân hoặc lá cây ở New Zealand, hoặc bao gồm các hạt ngũ cốc hoặc cám/ngũ cốc hoặc thân cây ngũ cốc đã xén ngọn ở New Zealand, Canada hoặc Mỹ. Các loại thức ăn khô có nguồn gốc thực vật khác phải được cấp phép trước khi nhập khẩu.
Sản phẩm từ cá (gồm trứng cá muối, trứng cá và các loại sống ở biển)
Sản phẩm từ cá, trừ cá hồi con (salmonoids), có thể được nhập khẩu từ bất kỳ nước nào; sản phẩm có sữa hoặc trứng (ví dụ ở dạng bột hoặc viên) có thể phải qua kiểm dịch. Các sản phẩm từ cá hồi con được nhập khẩu những phải được cấp phép trước và tuân theo những điều kiện kiểm dịch đặc biệt.
Tôm (đông lạnh)
Tôm được nhập khẩu vào Úc theo những qui định đặc biệt và cần được Cơ quan Y tế ở mỗi bang cấp phép trước khi nhập khẩu.
Da
Da thuộc được phép nhập khẩu vào Úc từ bất kỳ nước nào.
Huy chương, vật quí hiếm, trang phục của các bộ tộc...
Các đồ lưu niệm thành tích, vật quí hiếm, trang phục của các hộ tộc, đồ chế' tác, trang sức và trống được phép nhập khẩu vào Úc theo các qui định kiểm dịch liên quan. Nếu doanh nghiệp có ý định nhập khẩu nên kiểm tra trước với các cơ quan kiểm dịch. Tùy vào bản chất của từng loại vật phẩm có thể phải xử lý tại cửa khẩu trước khi vào Úc.
Thực phẩm
Cơ quan an toàn sinh học của Bộ Nông nghiệp, Thuỷ sản và Lâm nghiệp Úc chịu trách nhiệm quản lý hai bộ các yêu cầu mà thực phẩm nhập khẩu cần phải tuân thủ khi nhập khẩu vào Úc. Bộ thứ nhất yêu cầu về kiểm dịch. Bộ thứ hai yêu cầu về an toàn thực phẩm và hai bộ này nằm trong Luật Quản lý Thực phẩm Nhập khẩu ban hành năm 1992.
Tất cả thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn sinh học. Khi thực phẩm nhập khẩu đáp ứng được các yêu cầu này, thực phẩm được giám sát để đáp ứng được với Luật Tiêu chuẩn Thực phẩm của Úc và New Zealand.
Luật kiểm dịch năm 1908 qui định các điều kiện về kiểm dịch bắt buộc mà tất cả các loại thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng. Các hạn chế'’ về kiểm dịch áp dụng cho nhiều loại thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến được mang qua sân bay hoặc gửi đến Úc với mục đích tiêu dùng cá nhân. Những mặt hàng bị hạn chế bao gồm:
► Trứng và các sản phẩm từ trứng;
► Các sản phẩm sữa;
► Thịt không đóng hộp;
► Các loại hạt;
► Hoa quả và rau tươi.
Các nhà nhập khẩu thực phẩm với mục đích thương mại khi nhập khẩu rau, quả tươi hoặc thực phẩm có sữa, trứng, thịt hoặc sản phẩm từ động vật khác cần phải được cấp phép trước khi nhập khẩu. Doanh nghiệp có thể kiểm tra trước các yêu cầu về kiểm dịch bằng cách tìm kiếm trong Cơ sở dữ liệu vê các điều kiện nhập khẩu (ICON) tại địa chỉ trang web sau:
http://apps.daff.gov.au/icon32/asp/exquerycontent.asp
Cũng tương tự như thực phẩm sản xuất tại nước Úc, thực phẩm nhập khẩu vào Úc phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về thực phẩm. Việc giám sát thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm của nhiều cơ quan chính phủ bao gồm các cơ quan địa phương, các tiểu bang và vùng lãnh thổ, và liên bang.
Cơ quan Tiêu chuẩn về Thực phẩm của Úc và New Zealand (FSANZ) là một cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm phát triển và duy trì Luật Tiêu chuẩn Thực phẩm của Úc và New Zealand. Luật của Úc yêu cầu tất cả các loại thực phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được qui định trong Luật Tiêu chuẩn Thực phẩm. Luật này áp dụng cho tất cả các loại thực phẩm bán trên thị trường nước Úc, bất kể là thực phẩm sản xuất trong nước hay thực phẩm nhập khẩu.
Cơ quan Tiêu chuẩn về Thực phẩm của Úc và New Zealand (FSANZ) theo dõi các vụ việc về an toàn thực phẩm trên toàn thế giới để đưa ra khuyến nghị cho Bộ Nông nghiệp, Thuỷ sản và Lâm nghiệp Úc (DAFF) về việc giám sát và kiểm tra thực phẩm nhập khẩu vào Úc.
FSANZ khuyến cáo DAFF những thực phẩm có nguy cơ trung bình hoặc nguy cơ cao đến sức khoẻ của con người và đề xuất những biện pháp kiểm tra phù hợp. FSANZ còn đưa ra các đề xuất về đánh giá rủi ro cho các nhà làm luật ở các bang và vùng lãnh thổ, những người có trách nhiệm giám sát tất cả các loại thực phẩm tại bang và vùng lãnh thổ, bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu.
Thực phẩm nhập khẩu vào Úc là đối tượng của Luật Kiểm soát Thực phẩm Nhập khẩu năm 1992. Luật này cho phép kiểm tra và giám sát thực phẩm nhập khẩu thông qua chương trình kiểm tra rủi ro tại biên giới, thuộc chương trình kiểm tra thực phẩm nhập khẩu của DAFF (IFIS). FSANZ đề Xuất DAFF những nhóm hàng thực phẩm có rủi ro để thực hiện kiểm tra trong chương trình IFIS.
Ngoài các hoạt động kiểm tra thực hiện bởi DAFF tại biên giới, các cơ quan của tiểu bang và các vùng lãnh thổ có trách nhiệm giám sát tất cả các loại thực phẩm, bao gồm cả thực phẩm nhập khẩu, để bảo đảm các thực phẩm này an toàn khi bán ra thị trường. Mỗi bang và vùng lãnh thổ có luật riêng về thực phẩm, dựa trên Luật Thực phẩm mẫu do FSANZ soạn thảo và được Hội đồng Bộ trưởng về các qui định liên quan đến thực phẩm của Úc và New Zealand (ANZFRMC) thông qua. Mỗi bang và vùng lãnh thổ có hành động kiểm soát thực phẩm khác nhau nhưng đều nằm trong chương trình IFIS. Đối với các vấn đề liên quan đến thực phẩm nhập khẩu DAFF không kiểm tra hoặc sau này bị phát hiện ra không đáp ứng được tiêu chuẩn, FSANZ, DAFF và các cơ quan liên quan của bang, vùng lãnh thổ sẽ làm việc chặt chẽ với nhau để xử lý.
Nguồn: Thương vụ Việt Nam tại Úc