Quy định mới về mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn

Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2016, Nghị định 49/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 27/5/2016 sửa đổi một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn đã có nhiều đổi mới về các khung hình phạt so với trước.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xử phạt nghiêm các vi phạm về hóa đơn

Xử phạt vi phạm quy định về hóa đơn luôn là vấn đề nóng và là mối quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp. Thực tế, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có các quy định cụ thể việc xử phạt vị phạm hành chính về lĩnh vực này, tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn luôn phát sinh những vấn đề bất cập cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Bám sát yêu cầu thực tiễn, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; trong đó, sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa đơn.

Cụ thể, đối với hành vi đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Đồng thời, phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với hành vi đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp không đủ điều kiện đặt in hóa đơn, trừ trường hợp cơ quan thuế không có ý kiến bằng văn bản khi nhận được đề nghị sử dụng hóa đơn đặt in của tổ chức, doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Nghị định 49/2016/NĐ-CP bổ sung quy định mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Nộp thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp và hành vi nộp bảng kê hóa đơn chưa sử dụng đến cơ quan thuế nơi chuyển đến khi doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm sau 10 ngày kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tại địa chỉ mới; sử dụng hóa đơn đã được thông báo phát hành với cơ quan thuế nhưng chưa đến thời hạn sử dụng (5 ngày kể từ ngày gửi thông báo phát hành).

Bên cạnh các quy định xử phạt vi phạm hành chính về in hóa đơn, các vấn đề sai phạm về làm mất hóa đơn đã phát hành cũng được quy định các mức phạt khá nặng, tùy theo diễn biến thực tế.

Điển hình, Nghị định bổ sung quy định mức phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn hoặc hóa đơn đã lập theo bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ; trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền.

Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng), người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hợp đồng, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa và có một tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt cảnh cáo. Khi mất, cháy, hỏng hóa đơn, trừ liên giao cho khách hàng, trong thời gian lưu trữ thì xử phạt theo pháp luật về kế toán. Nếu người bán tìm lại được hóa đơn đã mất (liên giao cho khách hàng) khi cơ quan thuế chưa ban hành quyết định xử phạt thì người bán không bị phạt tiền.

Tăng mức xử phạt vi phạm về phí, lệ phí

Điều 1, Nghị định 49/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, để đảm bảo mọi hành vi vi phạm pháp luật về giá đều bị xử lý. Tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 3, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định các cá nhân, tổ chức buộc phải nộp vào quỹ bình ổn giá số tiền do sử dụng không đúng quỹ này; nộp ngân sách nhà nước số tiền có được do hành vi vi phạm. Đồng thời, phải trả lại khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra...

Theo quy định này thì nhiều hành vi gian lận, vi phạm về giá chưa bị điều chỉnh. Còn tại Khoản 1, Điều 1, Nghị định 49/2016/NĐ-CP đã quy định sửa đổi để “bịt” các lỗ hổng còn tồn tại của Nghị định 109/2013/NĐ-CP. Theo đó, thay vì chỉ có hành vi sử dụng không đúng quỹ bình ổn giá bị điều chỉnh, thì những hành vi khác cũng sẽ bị buộc phải nộp trả lại quỹ bình ổn giá.

Tương tự, tại Khoản 2, Điều 1, Nghị định 49/2016/NĐ-CP cũng sửa đổi, bổ sung để có thể điều chỉnh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giá. Nếu như tại Khoản 6, Điều 5, Nghị định 109/2013/NĐ-CP chỉ quy định phạt 30-40 triệu đồng đối với các hành vi trích lập và sử dụng không đúng quỹ bình ổn giá, thì tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP đã điều chỉnh thêm các hành vi khác là kết chuyển và hạch toán quỹ bình ổn giá không đúng theo quy định của pháp luật về giá.

Còn tại Khoản 7, Điều 5, Nghị định 109/2013/NĐ-CP chỉ quy định phạt 40-60 triệu đồng đối với hành vi không trích lập quỹ bình ổn giá, thì tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP đã điều chỉnh thêm hành vi không kết toán quỹ bình ổn giá. Điều 8 của Nghị định 109/2013/NĐ-CP cũng đã được sửa đổi tương tự để điều chỉnh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giá.

Bên cạnh việc đưa ra các mức xử phạt trên, Nghị định mới cũng quy định mức phạt vi phạm về phí, lệ phí cao gấp đôi so với trước đây. Cụ thể, tại Điều 23, Nghị định 109/2013/NĐ-CP, cá nhân tổ chức vi phạm pháp luật về phí, lệ phí sẽ chỉ bị phạt 1-3 triệu đồng với các hành vi: Không công khai chế độ thu phí, lệ phí theo quy định; niêm yết hoặc thông báo không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho người nộp phí, lệ phí. Song, cũng vẫn là những hành vi này tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP đã được điều chỉnh mức phạt lên 3-5 triệu đồng cho mỗi hành vi vi phạm pháp luật về phí, lệ phí.

Theo đánh giá, điều chỉnh trên là hợp lý với bối cảnh hiện nay, có như vậy mới đủ sức răn đe đối với cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về phí, lệ phí. Còn nữa, nếu như tại Điều 24, Nghị định 109/2013/NĐ-CP chỉ có 2 khoản mục điều chỉnh, đồng thời quy định quá cụ thể dẫn đến pháp luật bị “bỏ trống” thì ở Nghị định 49/2016/NĐ-CP đã kịp thời đưa ra 3 khoản mục điều chỉnh. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 24, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế, đồng nghĩa với việc không chấp hành thông báo của các cơ quan khác thì sẽ không thể bị phạt.

Tuy nhiên, Nghị định 49/2016/NĐ-CP đã sửa khiếm khuyết này: Phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, không chỉ cơ quan thuế, mà cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về phí, lệ phí sẽ phải chấp hành thông báo của bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào.

Tước thẻ thẩm định về giá

Điểm đáng chú ý và được đông đảo dư luận quan tâm của Nghị định 49/2016/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, đó là: Tước có thời hạn thẻ thẩm định viên về giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; đình chỉ có thời hạn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá; đình chỉ quyền tự in hóa đơn, quyền khởi tạo hóa đơn điện tử; đình chỉ in hóa đơn.

Bên cạnh đó, buộc nộp vào Quỹ Bình ổn giá số tiền do trích lập, sử dụng, hạch toán và kết chuyển không đúng Quỹ Bình ổn giá; nộp ngân sách nhà nước số tiền có được do hành vi vi phạm; trả lại khách hàng số tiền chênh lệch do bán cao hơn mức giá quy định và mọi chi phí phát sinh do hành vi vi phạm gây ra. Đồng thời, dừng thực hiện mức giá bán hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân quy định; buộc thực hiện kê khai hoặc đăng ký đối với mức giá đang áp dụng theo quy định; tiêu hủy hoặc tịch thu tiêu hủy ấn phẩm có nội dung thông tin sai phạm.

Ngoài ra, Chính phủ cũng quy định, hủy kết quả thẩm định giá tại chứng thư thẩm định giá; báo cáo cho Bộ Tài chính nội dung về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá. Thu hồi và không công nhận các chứng chỉ, giấy chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá. Hoàn trả chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho các học viên tham gia học; hoàn trả tiền phí, lệ phí cho người nộp; hủy các hóa đơn; thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn;

2. Chính phủ, Nghị định số 49/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 27/5/2016 sửa đổi một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP;



THS. TRẦN THỊ ÁNH THÊU

Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Tài chính kỳ 1 số tháng 7/2016


Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/