Ảnh minh họa
Ai là người đại diện?
Khoản 2 điều 2 của quy chế quy định: “Người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (người đại diện) gồm: a) Người đại diện là người làm việc chuyên trách tại doanh nghiệp; b) Người đại diện là cán bộ, công chức thuộc cơ quan hành chính nhà nước (bộ, UBND tỉnh) được cử hoặc chỉ định làm người đại diện kiêm nhiệm tại doanh nghiệp”.
Từ đó, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người làm chuyên trách và người “làm thêm” không thể như nhau. Chẳng hạn, một giám đốc sở được cử là người đại diện kiêm nhiệm nhưng không hoàn thành nhiệm vụ thì có thể bị cách chức giám đốc? Câu trả lời chắc chắn là: không! Người đại diện chuyên trách có là công chức nhà nước không? Chưa có câu trả lời. Song, chắc chắn rằng, tiền lương và các khoản phụ cấp khác của “người đại diện chuyên trách” không được chi từ ngân sách nhà nước!
Quy chế quy định tiêu chuẩn của người đại diện là “có trình độ chuyên môn bậc đại học trở lên, có khả năng, kinh nghiệm thực tế từ ba năm trở lên về quản lý tài chính doanh nghiệp, về kinh doanh và tổ chức quản lý doanh nghiệp phù hợp với yêu cầu của vị trí được ủy quyền làm người đại diện. Trường hợp doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài thì... phải có đủ trình độ ngoại ngữ...”. Liệu nước ta hiện nay có đủ số lượng cán bộ, công chức đạt các tiêu chuẩn đó?
Có mấy người đại diện?
Hiện nay, trong các công ty cổ phần được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước, tỷ lệ vốn nhà nước trong vốn điều lệ ở nhiều mức khác nhau như: dưới 50%, trên 50% đến 65% và trên 65%. Không ít nơi chiếm tới 90-95%. Quy chế nên quy định số lượng người đại diện tối thiểu phải có tương ứng với từng tỷ lệ vốn nhà nước để tránh tình trạng người đại diện trở thành nhân vật “siêu quyền lực” trong công ty. Thực tế đã xuất hiện trường hợp, một công ty cổ phần kinh doanh nước sạch, có vốn nhà nước chiếm tới 93% vốn điều lệ nhưng UBND tỉnh chỉ cử một cán bộ thuộc sở tài chính làm người đại diện. Mặc dù chỉ làm kiêm nhiệm nhưng vị đại diện này đã trở thành người có quyền cao nhất trong công ty, hoạt động của hội đồng quản trị, ban kiểm soát đều bị vô hiệu hóa. Đó là kẽ hở lớn để xảy ra tham nhũng, lãng phí trong các “công ty cổ phần hình thức”.
Xin và cho - không phù hợp với hoạt động kinh doanh
Quy chế quy định về một trong những trách nhiệm của người đại diện là: “a) Người đại diện tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ phải xin ý kiến chủ sở hữu phần vốn nhà nước bằng văn bản để tham gia ý kiến, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp...”. Việc người đại diện “phải xin ý kiến” là đúng, vì họ không phải là chủ sở hữu mà chỉ là người được chủ sở hữu ủy quyền.
Quy chế cũng quy định một trong những trách nhiệm của chủ sở hữu là “có ý kiến chỉ đạo kịp thời bằng văn bản khi người đại diện xin ý kiến trong thời hạn 15 ngày làm việc (kể từ ngày nhận theo dấu công văn đến hoặc nhận thông báo qua các phương tiện thông tin: điện thoại, fax, e-mail) hoặc thời hạn khác theo yêu cầu để Người đại diện biết và thực hiện”. Thời hạn 15 ngày có là hợp lý? Bởi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra thường xuyên, liên tục, rất nhiều việc không thể chờ đợi tới 15 ngày.
Ngược lại, chủ sở hữu - bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh - liệu có thể “cho ý kiến chỉ đạo” trong thời hạn 15 ngày? Có hàng ngàn lý do để văn bản “xin ý kiến” không được trả lời trong thời hạn quy định, chẳng hạn, chủ sở hữu là chủ tịch UBND tỉnh bận đi họp, đi công tác nước ngoài hoặc bộ phận tham mưu, giúp việc “đang nghiên cứu”... Trên thực tế, cơ chế “xin - cho” như trên không thể phù hợp với hoạt động kinh doanh trong kinh tế thị trường.
Quyền của Người đại diện - quy định bất khả thi
Quy chế quy định một trong những quyền của người đại diện là: “Đối với các nội dung phải xin ý kiến chủ sở hữu phần vốn nhà nước thì... phải tham gia ý kiến, biểu quyết, quyết định theo đúng ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của chủ sở hữu phần vốn nhà nước”.
Quy định nêu trên chỉ có thể thực hiện trong trường hợp vốn nhà nước chiếm trên một tỷ lệ rất lớn trong vốn điều lệ của doanh nghiệp. Chẳng hạn, theo ý kiến chỉ đạo bằng văn bản của chủ sở hữu, công ty cổ phần A phải thay người đại diện theo pháp luật nhưng theo Luật Doanh nghiệp, điều này phải được 75% số phiếu có quyền biểu quyết chấp thuận. Nếu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ là 55% và không có thêm 20% số phiếu có quyền biểu quyết còn lại chấp thuận thì coi như... thua.
Quy chế mẹ và Quy chế con!
Quy chế này quy định: “Căn cứ vào quy định của quy chế này, quy định khác của Chính phủ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày... có hiệu lực, các bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh được phân công, phân cấp hoặc được giao là chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền phù hợp với điều lệ của doanh nghiệp, với điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp; ban hành quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của Người đại diện...”. Như vậy, có thể hiểu quy chế này là “quy chế mẹ”, quy chế do chủ sở hữu ban hành sẽ là “quy chế con”. Khi “quy chế mẹ” còn nhiều điều nửa vời và bất khả thi thì các “quy chế con” sẽ xây dựng như thế nào để “không trái với quy chế mẹ” và phù hợp với “điều lệ, điều kiện cụ thể của từng doanh nghiệp”?
(*) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam