Dường như đã thành một nhận thức chung ở Việt Nam trong mấy năm gần đây rằng lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) phản ảnh tình trạng sức khỏe của tổng cầu. Điều này có nghĩa là nếu lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) ở mức thấp thì tổng cầu tăng yếu. Từ đó suy ra, để tăng tổng cầu lên cao hơn so với mức hiện tại (nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP) thì phải kích thích lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) lên cao hơn so với mức hiện tại.
Nói cách khác, rổ hàng hóa tính lạm phát cơ bản không bao gồm các hàng hóa có giá biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng như đối với trường hợp tính lạm phát.
Như vậy, khi giá tăng chậm (lạm phát hoặc lạm phát cơ bản thấp), điều này không nhất thiết có nghĩa là tổng cầu tăng chậm, hay nền kinh tế trì trệ như nhiều người suy diễn. Giá cả tăng chậm có thể là do cung dồi dào (nhờ chi phí sản xuất và dịch vụ được khống chế, nhờ tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh v.v...), hoặc do nhà nước khống chế, kiểm soát giá cả và tiền lương, hoặc do chính sách bù giá, hoặc do chinh sách "neo" tỷ giá để giá hàng nhập khẩu không tăng lên (khi quy ra VND), không làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả nói chung, hoặc cũng có thể do kỳ vọng lạm phát đã giảm đi do lòng tin vào chính sách vĩ mô của nhà nước làm cho không còn, ví dụ, hiện tượng "té nước theo mưa" v.v...
Tóm lại, có thể kể ra rất nhiều lý do để cho thấy một bức tranh kinh tế trong đó tăng trưởng GDP và tổng cầu vẫn tích cực trong khi mặt bằng giá cả ổn định. Nhiều trong số những lý do trên đã và đang hiện diện ở Việt Nam hiện nay (tăng trưởng GDP ở mức khá, trên 5%, và có xu hướng tăng lên, giá cả tương đối ổn định, hàng hóa tồn kho tuy có giảm ở một số thời điểm trong một số lĩnh vực nhưng vẫn ở mức lớn, tỷ giá chỉ mới được điều chỉnh nhẹ gần đây, kỳ vọng lạm phát đã giảm đi với tiền gửi VND vẫn tăng mạnh khi lãi suất VND đã hạ, tổng mức bán lẻ và luân chuyển hàng hóa vẫn tăng khả quan, nhà nước tiếp tục không chế giá cả xăng dầu, dịch vụ y tế, giá sữa, giá năng lượng...).
Với ngộ nhận rằng lạm phát (và lạm phát cơ bản) thấp tức là tổng cầu yếu làm cho tăng trưởng GDP yếu nên người ta cho rằng cần phải kích thích hơn nữa tổng cầu chủ yếu thông qua chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa để hạ lãi suất (vì chính sách tài khóa đang gặp nhiều trở ngại như nợ công đang tăng mạnh, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ chậm...).
Khi tăng cung tiền, hạ lãi suất tất nhiên tổng cầu có thể tăng ở mức độ nào đó. Nói ở mức độ nào đó vì hạ lãi suất là con dao hai lưỡi khi nó một mặt kích thích người ta vay mượn để tiêu dùng và đầu tư, nhưng mặt khác lại tước đi thu nhập của một bộ phận lớn người dân và tổ chức có tiền gửi tiết kiệm và tài sản đầu tư hưởng lãi, và tức là thu hẹp khoản tiền dành cho tiêu dùng và đầu tư của họ, làm cho tổng cầu không nhất thiết tăng và tăng tương ứng với kỳ vọng khi nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất.
Tăng cung tiền và hạ lãi suất còn có thể tác động mạnh đến bên cung, làm cho cung có thể tiếp tục tăng nhanh và mạnh, vượt quá tổng cầu, dẫn đến tồn kho hàng hóa tăng lên và ở mức cao, như đã và đang chứng kiến trên thực tế mấy năm trước đây và hiện nay. Dư thừa cung dẫn đến giá cả không tăng hoặc tăng nhẹ, lại làm người ta cho rằng nền kinh tế đang trì trệ nên cần tiếp tục nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất, khép lại vòng luẩn quẩn lạm phát thấp, tăng cung tiền, hạ lãi suất, cung tăng đến mức độ dư thừa, lạm phát thấp. Như vậy, tăng cung tiền, hạ lãi suất để tăng cung nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong trường hợp này là điều không mong muốn.
Ngược lại, tăng cung tiền và hạ lãi suất không nhất thiết kích thích tăng trưởng sản xuất trong nước, đặc biệt trong ngắn hạn, vì sản xuất trong nước không/chưa kịp điều chỉnh với tổng cầu tăng lên, dẫn đến nhập khẩu tăng, dẫn đến những hậu quả lớn hơn như thâm hụt thương mại lớn, suy giảm dự trữ ngoại hối, gây áp lực lên lạm phát, tác động ngươc lại đến sức cạnh tranh của sản xuất trong nước dẫn đến thu hẹp sản xuất trong nước. Trong trường hợp này tuy lạm phát có tăng lên, đi kèm với tổng cầu tăng lên, nhưng rõ ràng đây cũng không phải điều mong muốn.
Tóm lại, quan niệm cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng GDP thì phải tăng tổng cầu thông qua nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất để làm sao lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) tăng lên là một ngộ nhận có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm cho tăng trưởng và ổn định kinh tế. Trên hết, cần nhận thức rằng lạm phát (hoặc lạm phát cơ bản) thấp và ổn định luôn là một điều tích cực và là mục tiêu hướng tới cho các nhà làm chính sách trong trung và dài hạn.
TS Phan Minh Ngọc
Ngân hàng Sumitomo Mitsui Singapore
Theo Trí Thức Trẻ