Mục tiêu của việc phối hợp trong quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập là nâng cao hiệu quả của quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập tại địa phương theo hướng phân định trách nhiệm giữa các cơ quan trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, tăng cường vai trò giám sát của xã hội đối với doanh nghiệp.
Đồng thời phát hiện và xử lý kịp thời những doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, ngăn chặn và hạn chế những tác động tiêu cực do doanh nghiệp gây ra cho xã hội cũng như góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.
Liên Bộ cũng nêu rõ nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan. Theo đó, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp phải được phân định rõ ràng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng cơ quan quản lý nhà nước cụ thể. Doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, nghề chịu sự quản lý của nhiều cơ quan nhà nước; mỗi cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động của doanh nghiệp theo từng ngành, lĩnh vực tương ứng.
Bên cạnh đó, việc trao đổi, cung cấp, công khai thông tin doanh nghiệp phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, kịp thời. Phối hợp trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp phải đảm bảo khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, không trùng lặp về phạm vi, đối tượng thanh tra, kiểm tra trong cùng thời gian giữa các cơ quan thực hiện thanh tra, kiểm tra; giảm thiểu đến mức tối đa sự phiền hà, cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Không làm phát sinh thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động bình thường.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 31/7/2015.