Các đại sứ Mỹ qua các thời kỳ (từ phải sang): Ông Pete Peterson, ông Ted Osius và ông Michael Michalak. Ảnh: ĐSQ Mỹ tại VN |
Đai sứ Mỹ đầu tiên tại VN Pete Peterson: Người Mỹ đã nhìn khác về VN
- Quá trình bình thường hóa đã vấp phải khó khăn nào lớn nhất, thưa ông?
Chúng ta đều gặp phải sự phản đối về mặt chính trị ở cả hai nước, phản đối theo rất nhiều cách, chúng ta đã rất khó khăn trong việc tìm ra tiếng nói chung, chúng ta thiếu định hướng khi cần có sự lãnh đạo... Nhưng chúng ta đã vượt qua những trở ngại đó và xây dựng nên mối quan hệ mà chúng ta thấy ngày nay, một mối quan hệ mạnh mẽ.
- Vậy ông đã gặp khó khăn gì khi là Đại sứ Mỹ đầu tiên ở VN?
Việc khó nhất là làm cho giới lãnh đạo VN nhận thấy tôi là người đáng tin cậy, tôi tôn trọng người Việt Nam một cách sâu sắc và khát khao mạnh mẽ rằng Việt Nam và Mỹ sẽ trở thành bạn tốt trong tương lai.
Tôi rất tự hào với những gì đã diễn ra trong từng đó năm, những việc mà những người ở hội thảo này đã cùng nhau làm trong những điều kiện vô cùng khó khăn để có được một mối quan hệ mà tôi nghĩ thế giới phải ngưỡng mộ.
Là một phần của quan hệ này, tôi vẫn liên hệ với Việt Nam. Tôi trở lại đây nhiều lần, cùng đi trên phố với người dân, tôi biết Việt Nam rất rõ, tôi tận mắt chứng kiến sự tiến bộ. Tôi tự hào vì đã góp phần vào sự tiến bộ đó.
- Vậy bây giờ nước Mỹ nhìn về VN như thế nào?
Nhiều người Mỹ đã quay lại Việt Nam và cuối cùng đã kết luận rằng Việt Nam không phải là một cuộc chiến, mà là một đất nước tươi đẹp.
Việt Nam là yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ vì đất nước các bạn có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam có thể giúp đem lại hòa bình và ổn định trong khu vực, và đó là điều chúng tôi mong muốn.
- Ông kỳ vọng gì về tương lai quan hệ hai nước?
Cách đây 5 năm tôi đã nói có lẽ đến lúc này giữa hai nước sẽ là quan hệ đối tác chiến lược, đến giờ tôi nghĩ chúng ta đã rất gần mục tiêu đó rồi.
Không ai đoán trước được tương lai nhưng tôi chắc chắn đó sẽ là một quan hệ chi tiết và phức tạp hơn. Chúng ta tiến lên phía trước, nghĩa là có những xung đột mà chúng ta phải đàm phán và vượt qua, nhưng quan hệ mà chúng ta gây dựng được đến ngày hôm nay đủ sâu sắc để vượt qua những thời điểm khó khăn và hóa giải mọi vấn đề có thể xảy đến.
- Ông nghĩ thế nào về đề xuất Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với VN?
Tôi đồng ý, và đã đồng ý từ nhiều năm trước. Khi còn là đại sứ, tôi đã đề đạt với Chính phủ Mỹ, nhưng lúc đó chưa đúng lúc, chưa có sự đồng thuận chính trị. Tôi vui vì giờ Mỹ đã gỡ bỏ một phần và việc gỡ bỏ hoàn toàn có lẽ chỉ trong một vài năm tới nữa.
Hãy nghĩ đến việc những trang thiết bị quốc phòng sắp được giao dịch sẽ được dùng cho Cảnh sát biển, tìm kiếm cứu nạn... Với sự hợp tác về quốc phòng như vậy, tự khắc Việt Nam và Mỹ sẽ xích lại gần nhau trong lĩnh vực này và sẽ có nhiều hoạt động cùng nhau.
Đương kim Đại sứ Mỹ tại VN Ted Osius: Nội hàm quan hệ quan trọng hơn cái tên
- Mỹ sẽ giúp VN thế nào trong việc nâng cao năng lực của lực lượng Cảnh sát biển, thưa ông?
Việc Mỹ giúp đỡ lực lượng Cảnh sát biển VN là điều rất quan trọng đối với hai nước. Đây là nỗ lực chung của hai nước chứ không phải chỉ Mỹ giúp VN.
Mục đích của hợp tác Cảnh sát biển hai nước là thực hiện các hoạt động chung, đảm bảo hòa bình, ổn định, thịnh vượng trong khu vực, đảm bảo các nước trong khu vực tuân thủ luật pháp quốc tế, không đe dọa nước khác. Bản thân các nước sẽ hưởng lợi từ hàng hải tự do và an toàn.
- Tổng thống Mỹ trong Thông điệp liên bang mới đây không nói nhiều đến các tranh chấp hàng hải ở châu Á. Liệu Mỹ sẽ dành ít nguồn lực hơn cho vấn đề này trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ ông Obama?
Không đúng. Ông Obama đã nói khá nhiều về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là 1 trong 12 nước đang tích cực đàm phán. Điều này đều có tính chất trọng tâm chính sách của chúng tôi đối với tầm nhìn về một châu Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Tổng thống Obama cũng đã nói về lợi ích của TPP đối với Mỹ và nhấn mạnh cần nhanh chóng kết thúc đàm phán và tiến tới thực hiện TPP.
Cả Mỹ và Việt Nam đều đều coi TPP là một thỏa thuận chiến lược về kinh tế, cả Washington và Hà Nội đều có ý chí chính trị để đạt được Hiệp định này. Tôi lạc quan rằng chúng ta có thể đạt được TPP trong năm 2015, đây sẽ là một trong nhiều thành tựu quan trọng kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
- Vậy theo ông, khi nào hai nước sẽ trở thành đối tác chiến lược?
Tôi nghĩ điều quan trọng là nội hàm của quan hệ chứ không phải cái tên. Lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ đều rất tham vọng về quan hệ đối tác của hai nước, họ nhấn mạnh đến tính thực chất, đến những việc mà hai nước có thể cùng làm. Điều đó quan trọng hơn nhiều so với cái tên của quan hệ.
Chung Hoàng(ghi)