Bali (Indonesia) và Phuket (Thái Lan) từ lâu đã là những đại danh thắng của thế giới. Không chỉ thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm, hai hòn đảo này còn là phim trường thiên nhiên của nhiều bộ phim Hollywood, cũng như là nơi thu hút lượng đầu tư khổng lồ. Trong tương quan ấy, từ lâu nhiều chuyên gia kinh tế, du lịch đã so sánh Phú Quốc với hai địa danh nổi tiếng để đặt lên bàn cân và điểm ra những tiềm năng chỉ chờ ngòi nổ.
Vài năm trở lại đây, hòn đảo ở ngoài khơi cực Nam của Tổ quốc được ví như là thỏi nam châm cực mạnh khi thu hút 143 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 6,5 tỷ USD đã được cấp phép. Khi những con số “khủng” này trở thành hiện thực, Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm nghỉ dưỡng hàng đầu cả nước, nóng hơn cả Đà Nẵng hay Nha Trang, thậm chí, có thể cạnh tranh ngang ngửa với Bali và Phuket.
Phú Quốc hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành điểm du lịch biển hấp dẫn. Hòn đảo có những bãi biển hoang sơ nước xanh màu ngọc bích như Bãi Dài, Bãi Trường, Bãi Sao, Bãi Khem cùng bạt ngàn những khu rừng nguyên sinh được bảo tồn nguyên vẹn. Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho vùng đất này nắng quanh năm, nhiệt độ duy trì trung bình 27 độ C nên nước biển luôn ấm áp. Đặc biệt, hầu như không có cơn bão nào ảnh hưởng đến đảo, một lợi thế mà các bãi biển ở miền Trung và Nam Trung Bộ không có. Phú Quốc cũng có vị trí chiến lược chỉ cách những thị trường du lịch trọng điểm ở khu vực như Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok, Siem Riep, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… từ 1-2 giờ bay. Nhìn thấy những lợi thế đặc biệt này, không nhà đầu tư bất động sản du lịch nào muốn chậm chân trong cuộc đua đến “thiên đường nghỉ dưỡng” Phú Quốc.
Mặc dù vậy, vẫn còn khoảng cách rất lớn giữa tham vọng và hiện thực. Hầu hết các dự án ở Phú Quốc vẫn nằm trên giấy. Những “nút thắt” chính khiến các dự án bất động trong thời gian dài là do thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu. Trong nhiều năm liền, đi du lịch Phú Quốc rất khó vì phụ thuộc chủ yếu vào hàng không, mà lại thiếu chuyến bay nên rất không mua được vé. Đi lại trên đảo cũng không thuận lợi vì đường chính thì nhỏ, còn đường ra các bãi biển là đường đất gồ ghề. Đặc biệt, chi phí năng lượng đắt đỏ do không có điện lưới nên các khách sạn phải mua điện chạy bằng dầu với giá thành rất cao. Vì thế, dù có bị hấp dẫn đến mấy thì các nhà đầu tư cũng chưa dám đổ tiền vào Phú Quốc.
Nhưng những khó khăn này đã lùi dần vào quá khứ. Với kỳ vọng biến Phú Quốc thành điểm đến cạnh tranh được với Bali và Phuket, Chính phủ đã ban hành những chính sách khuyến khích đầu tư và du lịch vượt trội, đồng thời, dành khoản ngân sách rất lớn để đầu tư hạ tầng trên đảo. Sân bay quốc tế mới đã nâng công suất gấp đôi sân bay cũ. Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar đều sử dụng các máy bay lớn từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến Phú Quốc. Ngoài các chuyến bay thuê chuyến từ Nga, Trung Quốc… thì Phú Quốc cũng đã kết nối với Singapore và Siem Riep bằng các chuyến bay của Vietnam Airlines. Tuyến đường trục chính từ Bắc đến Nam đảo dài 51km đã cơ bản hoàn thành và hơn 50km đầu tiên của tuyến đường vòng quanh đảo đang được triển khai xây dựng. Đặc biệt, điện lưới quốc gia đã được kéo từ đất liền ra đảo thông qua hệ thống cáp ngầm dưới biển, nên giá bán điện trên đảo hiện nay tương đương với đất liền.
Những “nút thắt” được gỡ bỏ đã kích thích các nhà đầu tư rót vốn để đón đầu sự trỗi dậy của Đảo Ngọc. Nhưng sau một thời gian dài vật lộn với những khó khăn của nền kinh tế thế giới và thị trường bất động sản Việt Nam, chỉ có một vài doanh nghiệp lớn mới có đủ tiềm lực để hiện thực hóa những dự án đầy tham vọng. Trong đó, như vẫn thường thấy, Vingroup là doanh nghiệp tiên phong thực hiện những dự án tạo “động lực” cho du lịch Phú Quốc. Cuối năm ngoái, Vingroup khánh thành giai đoạn I của tổ hợp khu nghỉ dưỡng Vinpearl Resort Phú Quốc với tổng cộng 750 phòng khách sạn, khu vui chơi – giải trí Vinpearl Land và sân golf 27 lỗ đầu tiên trên đảo. Giai đoạn II sẽ khai trương vào giữa năm nay với một khách sạn hạng sang, 231 biệt thự nghỉ dưỡng và bệnh viện quốc tế Vinmec 150 giường. Tổng vốn đầu tư cho tổ hợp rộng hơn 300ha này lên tới 17.000 tỷ đồng.
Dự án của Vingroup vừa thỏa mãn nhu cầu phòng khách sạn cao cấp đang tăng nhanh, vừa tạo diện mạo mới cho Phú Quốc và lấp được “khoảng trống” của du lịch Phú Quốc, đó là thiếu dịch vụ vui chơi giải trí. Các hạng mục như công viên nước, thủy cung, các trò chơi trong nhà và ngoài trời, sân khấu nhạc nước và sân golf tại Vinpearl Resort đã góp phần tăng sức hấp dẫn cho Đảo Ngọc. Vingroup giống như “chim đầu đàn” đang kéo theo các nhà đầu tư khác cùng đổ tiền đầu tư vào Phú Quốc. Đồng thời, Vingroup cũng mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân có tiền nhàn rỗi có thể vừa được nghỉ dưỡng, vừa kiếm được lợi nhuận ở Phú Quốc.
Một khi “đại gia bất động sản” như Vingroup tự tin rót vốn “khủng” vào Phú Quốc thì các nhà đầu tư cá nhân cũng không muốn chậm chân. Các biệt thự giai đoạn I đã nhanh chóng được các khách hàng từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Việt Kiều đặt mua, và rất nhiều khách hàng đang giữ chỗ để được sở hữu một trong 231 biệt thự nghỉ dưỡng sẽ hoàn thành giữa năm nay.