“Dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn trọng phụ nữ”
Mở đầu bài phát biểu của mình tại Diễn đàn, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã kể lại câu chuyện về huyền thoại Mẫu Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trở thành Thủy tổ của dân tộc Việt Nam. Khi những đứa trẻ lớn lên, Mẹ Âu Cơ mang 50 người con lên núi, Cha Lạc Long Quân đem 50 người con về biển để khai khẩn, mở mang bờ cõi, xây dựng cơ đồ.
Theo ông Lộc, đây chính là cuộc phân công lao động lớn nhất trong lịch sử Việt Nam kể từ buổi sơ khai và là Bản Tuyên ngôn đầu tiên về bình đẳng giới ở Việt Nam. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có Đạo thờ Mẫu, tồn tại song hành với Đạo thờ Tổ tiên, Đạo Phật, Thiên chúa Giáo hay Đạo Giáo.v.v. Đặc biệt, tháng 12/2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - một dạng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn trọng phụ nữ. Suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã ghi nhận dấu ấn trên bản đồ thế giới là một dân tộc có truyền thống coi trọng phụ nữ và theo đuổi các giá trị bình đẳng giới”, Tiến sĩ Vũ Tiế Lộc nhấn mạnh.
Người đứng đầu VCCI khẳng định: Sứ mệnh làm mẹ, làm vợ là thiên chức vĩ đại của người phụ nữ trong mỗi gia đình. Trong xã hội, nhiều phụ nữ đã làm vương, làm tướng, làm lãnh đạo, làm nhà khoa học, làm doanh nhân, trở thành anh hùng, dũng sỹ… góp phần làm rạng danh đất nước.
Theo ông, trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều tổ nghề kinh doanh ở Việt Nam là phụ nữ, như tổ nghề trồng dâu, nuôi tằm, tổ nghề dệt may, tổ nghề gốm sứ… Đặc biệt, vào giữa thế kỷ thứ XV, trước khi Cristopher Colombo tìm ra Châu Mỹ thì Bà Bùi Thị Hỷ, Bà tổ của nghề gốm sứ Việt Nam đã vượt biển mang hàng gốm sứ Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với gốm sứ từ nước Trung Hoa.
“Hiện nay, ở Việt Nam, bình quân cứ trong 4 người là doanh nhân thì có 1 người là phụ nữ. Trong chương trình quốc gia về bình đẳng giới, Chính phủ Việt Nam cũng đề ra mục tiêu tăng tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lên 35% vào năm 2020 và cao hơn vào những năm tiếp theo” - Chủ tịch VCCI dẫn chứng.
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, mặc dù chỉ chiếm 1/4 trong tổng số doanh nhân, nhưng số nữ doanh nhân Việt Nam được Việt Nam và thế giới ghi nhận, tôn vinh thì không hề thua kém đấng mày râu. Hiện nay, ở Việt Nam có 2 tỷ phú đầu tiên do Tạp chí Forbes bình chọn thì trong đó có 1 gương mặt nữ doanh nhân. Và trong số “Những người phụ nữ quyền lực nhất” của khu vực Châu Á Thái Bình Dương do Tạp chí Forbes bình chọn và công bố hàng năm, bao giờ cũng có sự góp mặt của các Bông hồng Vàng - nữ doanh nhân Việt.
"Cứu tinh của nền kinh tế thế giới"
Nói về hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp do phụ nữ đứng đầu, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc cho biết: Trong những năm qua, khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, biến đổi khó lường, thì tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ trụ vững cao hơn so với nam giới. Hiệu quả kinh doanh của chị em trên nhiều chỉ số cũng cao hơn.
Vậy đâu là nguyên nhân của kết quả này? Theo ông Lộc, phụ nữ thường tần tảo, chắt chiu. Các doanh nghiệp do chị em phụ nữ làm chủ chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và cực nhỏ, phần lớn trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và gắn liền với nông nghiệp, nông thôn, trải rộng trên nhiều địa bàn của đất nước. Do vậy, doanh nghiệp do chị em phụ nữ làm chủ không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế mà còn đóng góp lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển. Doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ thường sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động nữ cho nên có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Doanh nhân nữ cũng ít mạo hiểm hơn, liêm chính hơn, tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội tốt hơn. Kinh tế của phụ nữ làm ra cũng “xanh” hơn.
Cùng với đó, Luật hỗ trợ DNNVV được Quốc hội Việt Nam ban hành vào giữa năm nay cũng đã quy định ưu tiên phát triển DNNVV do phụ nữ làm chủ. Các chương trình hỗ trợ doanh nhân nữ cũng đã được triển khai ở nhiều cấp, nhiều ngành…
“Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình, biện pháp đó còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Để có thể đạt được kết quả kinh doanh như đàn ông, chúng ta hiểu, phụ nữ phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần. Vì vậy, tôi nghĩ, sự cảm thông chia sẻ và hỗ trợ tiếp sức cho chị em trong việc thu hẹp sự bất lợi so với nam giới là việc cần phải có nhiều nỗ lực đồng bộ hơn” - ông Lộc trăn trở.
Theo ông Lộc, nền kinh tế thế giới đang trong quá trình tái cấu trúc dưới tác động của các cuộc cách mạng hội nhập hay cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Do đó, cần phải bổ sung cuộc cách mạng về bình đẳng giới, trao quyền năng cho phụ nữ. Chúng ta cần có các chính sách kinh tế thông minh hơn, thân thiện với phụ nữ hơn. "Và tôi luôn tin rằng: womeneconomic chính là nội hàm quan trọng của các chính sách kinh tế mới" - ông Lộc bày tỏ.
“Tôi đồng tình với quan điểm: “hãy quên Trung Quốc, quên Ấn Độ, quên Internet… hãy tin vào phụ nữ. Cứu tinh của nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ là Phụ nữ. MSMEs và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ là các động cơ chính, là chủ nhân của nền kinh tế thế giới trong tương lai. Thông điệp của chúng ta là “She mean Business”. Hãy dấy lên phong trào She mean Business trong các nền kinh tế APEC của chúng ta” - ông Lộc nhấn mạnh và khẳng định Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam sẽ sẵn sàng chung tay với tất cả chị em xây dựng mạng lưới doanh nhân nữ APEC vững mạnh trong thời gian tới.
Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC năm 2017 tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế là sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nhân, doanh nghiệp, tập đoàn nổi tiếng của Việt Nam và các nền kinh tế APEC. Trong khuôn khổ của Diễn đàn năm nay đã diễn ra Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế với chủ đề “Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC 2017: Phụ nữ là doanh nhân”. |