Chấn động những vụ thất lạc chất phóng xạ
Thông tin Nhà máy thép Pomina 3 tại KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu làm thất lạc một thiết bị chứa phóng xạ Co-60 có mức độ nguy hiểm loại 4 đã làm xôn xao dư luận những ngày qua.
Dù mức độ nguy hiểm của phóng xạ đã được cảnh báo, song công tác bảo vệ và quản lý các nguồn phóng xạ ở nước ta vẫn còn khá lỏng lẻo. Thực tế, hơn mười năm qua, không hiếm các vụ thất thoát phóng xạ đã xảy ra ở nước ta gây rúng động dư luận.
Vào tháng 9/2014, cơ quan chức năng, người dân đã từng “lục tung” Sài Gòn để tìm thiết bị chụp ảnh xuyên thấu (NTD) có nguồn phóng xạ Iridium - 192 của Công ty Apave châu Á - Thái Bình Dương, tại quận Tân Bình, bị thất lạc.
Hình ảnh nguồn phóng xạ bị thất lạc ở Vũng Tàu |
Rất may, sau 6 ngày truy tìm, từ nguồn tin của quần chúng, thiết bị được phát hiện tại một căn phòng trọ nằm trong hẻm 111 đường Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Ngay sau đó, công an, các cơ quan liên quan đã tiến hành phong tỏa, thu hồi được thiết bị an toàn.
Cách đây vài năm, một vụ mất nguồn phóng xạ ở TP. Vũng Tàu đã khiến nhiều người hoảng loạn. Cụ thể, khoảng từ 11h30 đến 13h ngày 28/12/2007, Công ty TNHH Anpha, nhà thầu phụ của Công ty TNHH Dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC M&C) làm việc tại Cảng hạ lưu trên đường 30/4, TP. Vũng Tàu (thi công giàn khoan dầu khí BOD) phát hiện bị mất nguồn phóng xạ. Song, đến tận 15h cùng ngày, công ty Alpha mới báo với Phòng An toàn phía Công ty PTSC M&C về sự cố. Ngay lúc đó, công ty đã thông báo công nhân dừng làm việc, phong tỏa khu vực và sơ tán công nhân để tìm kiếm nguồn phóng xạ. May mắn là không lâu sau đó, nguồn phóng xạ thất lạc đã được tìm thấy.
Trước đó, vào tháng 7/2006, Công ty Cổ phần Xi măng Sông Đà tháo phần thiết bị trong dây chuyền sản xuất xi măng để sửa chữa. Ngày 8/8/2006, phát hiện hộp đựng nguồn phóng xạ trong thiết bị này bị mất. Đến nay, vẫn chưa có thông tin thu hồi được.
Thiết bị phóng xạ từng bị mất cắp ở TP.HCM |
Ngày 17/5/2006, Viện Công nghệ Xạ hiếm thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam sửa chữa các gian kho tầng 6, nơi chứa nguồn đồng vị phóng xạ, nên chuyển nguồn sang gian bên cạnh dành chỗ cho thi công. Đến 14h ngày 29/5, cơ quan này phát hiện nguồn đồng vị phóng xạ trên bị mất. Nguồn phóng xạ này sau đó được thu hồi.
Ngày 26/5/2005, Viện Công nghệ Xạ hiếm Hà Nội cũng đã bị mất cắp 54,8 mg chất phóng xạ. Người lấy cắp đã đem hộp phóng xạ bán cho một điểm thu mua phế liệu.
Tháng 12/2003, Cty Cổ phần Xi măng Việt Trung (xã Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam) thông báo bị mất nguồn phóng xạ Cs-137 để đo mức phục vụ việc xả tự động clinker. Đến nay, chưa có thông tin công bố tìm lại được nguồn phóng xạ này.
Mua "thần chết" để chơi cờ bạc bịp
Không hiểu mức độ nguy hiểm của việc tiếp xúc với chất phóng xạ, nhiều người vì hám lợi còn mua chất phóng xạ để chơi cờ bạc bịp.
Ngày 18/8/2014, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án "tàng trữ, mua bán trái phép chất phóng xạ" và bắt tạm giam Bùi Đình Chung (34 tuổi, phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả). Trước đó, sáng 15/8/2014, tại tổ 3, khu Minh Hòa, phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả - nơi Chung thuê điểm làm quán bán hàng ăn sáng, lực lượng chức năng phát hiện tại đây có 4 bộ bài tú lơ khơ có chứa chất phóng xạ và các phụ kiện kèm theo dùng để đánh bạc bịp.
Bốn bộ bài có chứa phóng xạ cùng một số tang vật liên quan do cơ quan công an thu giữ |
Theo nguồn tin của báo Thanh Niên, loại bài này thẩm lậu từ Trung Quốc về Hà Nội, rồi mới đến các tỉnh thành khác. Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an tỉnh Quảng Ninh, do bộ bài không có gì khác lạ, và chỉ có một số quân có chất phóng xạ nên việc phát hiện là rất khó. Thậm chí, người sản xuất còn có thể phủ chì ở một mặt để vô hiệu hóa máy đo. Trong 4 bộ bài trên, mỗi bộ có con 6 “cơ” chứa chất phóng xạ.
Chung khai nhận, để điều khiển được con bài có chứa phóng xạ thì phải có một máy đo phóng xạ tự chế (đo được trong bán kính 2 m). Khi người cầm cái xóc quân bài có nhiễm phóng xạ thì máy sẽ rung lên, nếu quân lẻ máy sẽ rung nhiều, liên tục; nếu quân chẵn máy sẽ rung ít hơn. Chung cũng thừa nhận đã mua loại bài này về và bán được khá nhiều tại Quảng Ninh.
Giới bài bạc ở Quảng Ninh cho hay, đánh bạc bằng thủ đoạn này là chắc thắng 100%. Loại bài như vậy đã có ở Quảng Ninh khá lâu, nhiều người biết nhưng do giá cao (trên 3 triệu đồng/bộ) nên không phải đối tượng nào cũng mua để đánh. Mặt khác, nếu chơi liên tục loại bài này sẽ rất mệt mỏi, có khi không đứng dậy được khi tàn cuộc. Còn theo các chuyên gia, người sử dụng những bộ bài có tẩm các đồng vị phóng xạ nếu bị nhiễm phóng xạ sẽ phá huỷ các tế bào trong cơ thể và làm biến dạng, thối rữa nhiều bộ phận cơ thể nếu liều lượng lớn...
Trước đó, vụ buôn bán chất phóng xạ ở Hà Nội cũng gây xôn xao dư luận. Ngày 15/1/2008, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 5 bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố về tội “mua bán trái phép chất phóng xạ”. Các đối tượng này đã mua bán trót lọt tổng cộng 22 bộ quân cảm ứng (gồm 88 chấm chất phóng xạ) loại phóng xạ I - 125 và 10 máy đo phóng xạ để bán cho các đối tượng sử dụng vào việc đánh bạc “bịp”.
Theo kết quả giám định của Cục kiểm soát và an toàn bức xạ hạt nhân: tất cả chất phóng xạ thu giữ của các bị cáo là loại chất phóng xạ I - 125, về mặt độc hại được xếp vào nhóm 2 (nhóm có độc tính cao). Do chất phóng xạ I - 125 có khả năng thăng hoa nên dễ gây ra nhiễm bẩn phóng xạ môi trường và gây hại cho người khi tiếp xúc trực tiếp (chỉ cần hít phải một lượng 8 micro gram hoặc ăn phải một lượng 3 micro gram là có thể dẫn tới tử vong).
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)