Phép thử cho doanh nghiệp nội

Trước việc mua bán sáp nhập, vốn ngoại chảy mạnh vào Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa phải cạnh tranh khốc liệt để tồn tại nhưng đây là phép thử cần thiết để nâng năng lực cạnh tranh, thay đổi cách thức kinh doanh
Phép thử cho doanh nghiệp nội
Ảnh minh họa

Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho rằng vốn ngoại đổ mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp là đáng hoan nghênh bởi lĩnh vực này đang thiếu những doanh nghiệp (DN) dẫn đường. Ngay lĩnh vực bán lẻ, sự cạnh tranh khốc liệt không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi mà DN trong nước cũng có cơ hội đầu tư thêm công nghệ và thay đổi tư duy về kênh phân phối.

20 tỷ USD mua bán sáp nhập

Những năm gần đây, thị trường chứng kiến hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) giữa các DN, trong đó lợi thế thường nghiêng về nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2014, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đạt khoảng 4,2 tỷ USD và con số này không ngừng tăng từ đầu năm đến nay. Dự đoán của giới chuyên gia, dòng vốn mới chảy vào thị trường Việt Nam qua các thương vụ M&A giai đoạn 2014-2018 có thể lên tới 20 tỷ USD.

Khoảng 3 năm nay, nhà đầu tư Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm điểm đến và dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang. Một năm trước, nhiều tỷ phú của Thái Lan cũng đổ bộ vào Việt Nam gây “sóng gió” bằng các thương vụ như mua lại Nguyễn Kim, đàm phán mua Metro... Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng mặt tốt của M&A là tăng vốn cho đối tác Việt Nam, bổ sung kinh nghiệm, nâng cao năng lực quản trị, hai bên cùng thắng. Tuy nhiên, do nhiều DN Việt Nam quá kém nên có nguy cơ bị đối tác thâu tóm, thương hiệu rơi vào tay nước ngoài sau nhiều năm dày công xây dựng.

Đơn cử ở lĩnh vực bán lẻ, ban đầu các tập đoàn nước ngoài mở siêu thị, trung tâm thương mại ở Việt Nam để phân phối hàng Việt nhưng đồng thời nâng dần tỷ trọng hàng hóa, sản phẩm của quốc gia họ. Bởi hàng nhập khẩu mang lại nhiều lợi thế vì nhà bán lẻ và nhà sản xuất có mối liên kết, thu mua giá tốt và kiểm soát được chất lượng. Như Lotte Mart tăng dần tỷ lệ sản phẩm Hàn Quốc hay Aeon tăng dần lượng hàng Nhật trên quầy kệ trong các siêu thị. Dần dần, mảnh đất dành cho DN nội địa bị thu hẹp.

Thậm chí, để chạy đua tăng độ nhận diện thương hiệu, tăng thị phần và lôi kéo khách hàng, các DN ngoại trong lĩnh vực bán lẻ sẵn sàng chịu lỗ thời gian đầu hoặc lời ít để cạnh tranh. Bằng chứng là cửa hàng tiện lợi không thu được lợi nhuận nhưng vẫn mọc lên như nấm sau mưa; một số siêu thị, đại siêu thị lỗ vốn nhưng liên tục được mở mới. Vì thế, tương lai thị trường bán lẻ trở thành sân chơi của các DN ngoại là điều khó tránh khỏi.

Với lĩnh vực dệt may, được xem là hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên vốn ngoại ồ ạt đổ vào Việt Nam là tất yếu. Có điều, DN ngoại vào không chỉ xây nhà máy sợi, dệt nhuộm (DN nội địa không đầu tư nổi) mà xu hướng nhà đầu tư tạo ra chuỗi khép kín từ dệt - sợi - nhuộm - may. Khi đó, họ không chỉ cạnh tranh với DN nội địa về đơn hàng, về giá mà cả nguồn lao động.

Tận dụng để thay đổi

“Ai cũng biết là phải thay đổi, phải năng động cạnh tranh thì mới tồn tại nhưng vấn đề là làm thế nào? Điều quan trọng nhất vẫn là tăng cường nội lực, thậm chí phải “mượn” thêm ngoại lực để bứt phá. Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đã chọn cách liên kết với các HTX nước ngoài cũng nhằm mượn ngoại lực, củng cố phát triển nội lực để tập trung cho “cuộc chiến” bán lẻ trong giai đoạn mới” - ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ.

Cũng theo ông Nhân, ngoài sức mạnh nội lực, các nhà bán lẻ Việt Nam còn có lợi thế là sự ủng hộ của người tiêu dùng. Nếu được phát huy, sức mạnh này sẽ rất lớn, đủ sức đưa DN Việt từ thế yếu sang thế mạnh và chiến thắng. Muốn được như vậy, ngoài vận động người dân ủng hộ hàng Việt, các nhà phân phối phải chuyên nghiệp, DN Việt phải nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ…

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và sau này là các DN châu Âu, Mỹ… vào Việt Nam sẽ giúp nâng dần chất lượng hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam trên thị trường thế giới. Luật DN sửa đổi năm 2015 cũng định nghĩa một DN được chính phủ Việt Nam cấp phép thì DN đó được xem là DN Việt, sản phẩm làm ra là “made in Vietnam”. Do đó, không nên quá quan trọng đồng vốn của ai mà nên quan tâm DN sản xuất cái gì, mang lại lợi ích gì cho đất nước vì sự dịch chuyển vốn là diễn biến tự nhiên trong thế giới phẳng. Việt Nam có tiềm năng thị trường, có nguồn lao động dồi dào, sự ổn định về chính trị… thì các nhà đầu tư vào nhiều nên cần tận dụng để thay đổi.

“DN nội địa có thể tận dụng khả năng tài chính, cơ hội áp dụng cách thức quản lý, điều hành và công nghệ sản xuất tiên tiến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này không những giúp cải thiện hình ảnh, sản phẩm của DN trong mắt người tiêu dùng mà còn là bước đệm để vươn ra thị trường khu vực” - luật sư Châu Huy Quang, Hãng luật Rajah &Tann LCT Lawyers, nói.

Cần có hàng rào kỹ thuật

Theo TS Lê Đăng Doanh, Việt Nam đang thiếu các rào cản kỹ thuật, đó là nguy cơ lớn đối với nông dân và DN trong nước. Khi DN ngoại làm chủ chuỗi bán lẻ, hàng hóa của họ sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường ở các trung tâm đô thị, hàng Việt bị đẩy ra chợ truyền thống, bị thu hẹp nên nguy cơ thua trên sân nhà là hoàn toàn hiện thực. Cho đến nay, việc chưa có hàng rào kỹ thuật là sự chậm trễ không đáng có và nền kinh tế sẽ phải trả giá.


Theo Báo Người Lao Động


Theo

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - P.Thanh Xuân Trung - Q. Thanh Xuân - TP.Hà Nội

ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Email: [email protected]

Website: vacod.vn

Các đơn vị trực thuộc

Văn phòng Vacod miền trung - Tp Đà Nẵng

Địa chỉ: Số 278/4 Nguyễn Văn Linh - Thành phố Đà Nẵng
ĐT: 0236.3652692 - Fax: 0236.3653208

Văn phòng Vacod miền nam - Tp Hồ Chí Minh

Địa chỉ: Số 6A Phạm Đình Toái, Phường 6, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
ĐT: 0983358188

Công ty TNHH MTV Vacod

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Viện nghiên cứu phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam

Trụ sở chính: 132 Nguyễn Tuân - Thanh Xuân - Hà Nội
ĐT: 024.35571875/76/77 – Fax: 024.35571874

Cơ quan ngôn luận: Tạp chí Thương Gia

Địa chỉ: Số 14, Khu 249A Thụy Khuê, Quận Tây Hồ, Hà Nội
ĐT: 0879 504 666 - Email: [email protected]
Website: https://thuonggiaonline.vn/