Theo quy hoạch, trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc ba lĩnh vực chủ yếu:
Thứ nhất, lĩnh vực linh kiện phụ tùng phát triển linh kiện phụ tùng kim loại: Linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong đó giá trị xuất khẩu các sản phẩm linh kiện phụ tùng chiếm 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực này. Đến năm 2030, cung ứng được 80% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Thứ hai, lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày: Phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Thứ ba, lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao: Phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống DN cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao; Hình thành các DN bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển DN sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này; Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.
Mục tiêu mà bộ Công Thương đưa ra là đến năm 2020, VN có khoảng 1.000 DN công nghiệp hỗ trợ đủ năng lực cung ứng cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ VN. Đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 2.000 DN. Về giá trị sản xuất công nghiệp, đến năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; đến năm 2030, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp.
Ở một góc độ khác, từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 12/QĐ-TTg về chính sách phát triển CNHT, theo đó các ngành: Cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ôtô, dệt - may, da - giày và CNHT phát triển công nghệ cao được áp dụng các chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, từ khi thành lập đến nay, hội đồng thẩm định dự án phát triển CNHT mới chỉ tham gia thẩm định duy nhất 1 dự án CNHT của một DN FDI là dự án sản xuất linh kiện dán bề mặt SMD của Cty TNHH Kyocera VN, đề nghị được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập DN. Cho đến thời điểm này, DN trong nước chưa có dự án nào được thông qua hội đồng thẩm định. Nói một cách khác là DN đã không thể “chạm” được vào chính sách.
Ông Trần Anh Vương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Hà Nội cho rằng: Có 3 yếu tố chính mà các DN CNHT cần đáp ứng được, đó là chất lượng, thời gian giao hàng và giá bán. Nhìn chung, các DN nội địa chưa đáp ứng được đồng loạt 3 yếu tố này nên chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn. Vì vậy, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần giúp DN khắc phục được 3 điểm yếu nêu trên thì mới có hy vọng để DN Việt vươn lên trở thành những nhà cung cấp thực thụ cho các DN và tập đoàn nước ngoài.
P.Nam