Hơn 2000 hiện vật cổ có niên đại 1500 tuổi đã được tìm thấy tại đáy của hồ Titicaca, hồ cao nhất thế giới.
Hồ Titicaca được biết tới là hồ cao nhất thế giới ở độ cao
3,812 m trên mực nước biển. Tọa lạc trên đỉnh Altiplano trong dãy Andes
trên biên giới của Peru và Bolivia hồ Titicaca có độ sâu trung bình là
107 m và độ sâu tối đa là 281 m. Mới đây các nhà khảo cổ đã phát hiện
được dưới đáy hồ các mảnh vàng và bạc, cùng với xương và các mảnh gốm có
tuổi thọ hơn 1500 năm.
Có rất nhiều hiện vật bằng vàng, bạc, xương và gốm được tìm thấy dưới đáy hồ Titicaca.
Trong buổi lễ tại La Paz ông Christophe Delarere, đồng chỉ đạo dự
án khai quật mang tên Huinaimarca cho biết họ đã tìm thấy tổng cộng hơn
2000 hiện vật và mảnh vụn. Cuộc khai quật bắt đầu 2 tháng trước ở phía
bờ Bolivia của hồ Titicaca. Các cuộc thám hiểm dưới nước đã phát hiện
các hiện vật ở các thời kì khác nhau, bao gồm cả thời Inca và tiền Inca
(1438-1533). Dự án này đã tìm thấy 31 mảnh vụn vàng, chủ yếu quanh khu
vực Isla del Sol, địa điểm mà theo truyền thuyết là nơi những người sáng
lập đế chế Inca xuất hiện từ dưới mặt nước. Các cuộc khai quật cũng
được thực hiện ở những khu vực khác dưới lòng hồ và đã tìm thấy các vật
thể có niên đại khác nhau.
Ngoài ra, các hiện vật 1500 năm tuổi như bình đựng nước bằng đá hay
hình động vật cũng được tìm thấy. Các câu truyện về việc hồ Titicaca
chứa đựng các tòa thành cũng như của cải ở đáy hồ để giấu khỏi tầm mắt
người Tây Ban Nha đã xuất hiện ở Bolivia trong nhiều thế kỉ qua. Cuối
thập niên 1960, nhà thám hiểm Pháp Jacques-Yves Cousteau đã tiến hành
nhiều cuộc thám hiểm tại đây và đã tìm thấy dấu hiệu của một nền văn
minh từng tồn tại. Tổng thống Morales tuyên bố rằng Bolivia, đất nước
nghèo nhất Nam Mỹ, mong muốn tìm thấy các di sản quốc gia của mình và
trưng bày chúng ở châu Âu và Mỹ.
Video quay cảnh các nhà thám hiểm đã tìm được rất nhiều hiện vật cổ dưới đáy hồ Titicaca:
Phan Hạnh
Theo Art Daily