Bà cho biết:
Trong lĩnh vực kinh tế, chúng tôi đặt ra những mục tiêu chung đầy tham vọng, trước tiên về hợp tác công nghiệp và công nghệ trong các lĩnh vực chiến lược đối với sự phát triển của VN. Chính vì vậy, một số DN như GDF Suez, EDF, EGIS tháp tùng tôi trong chuyến đi này.
Tôi sẽ đề cập với các cơ quan VN dự án tuyến métro số 3 của Hà Nội do Pháp tài trợ gần một nửa tổng giá thành đầu tư trong khuôn khổ tài trợ cho phát triển. Đây là một dự án tiêu biểu của hợp tác song phương, và chúng tôi rất quan tâm tới tiến triển tốt đẹp của dự án.
Quốc vụ khanh phụ trách Ngoại thương Pháp Fleur Pellerin |
Trong chuyến thăm tôi cũng sẽ cùng trao đổi, xem xét, cùng với các đối tác nhà nước và tư nhân, cách thức làm thế nào để phát triển hơn nữa, và một cách cân bằng hơn, trao đổi thương mại giữa hai nước.
Trong lĩnh vực này, một số DN và các hiệp hội ngành nghề, như hiệp hội ngành rau quả tháp tùng tôi bàn thảo về những điều kiện tiếp cận thị trường VN. Với mục tiêu đó, chắc chắn tôi sẽ đề cập với các nhà chức trách VN dự thảo hiệp định trao đổi tự do giữa EU và VN mà Pháp ủng hộ việc ký kết.
Hàng hóa Pháp dễ tiếp cận VN hơn?
Hàng hóa và dịch vụ xuất xứ Pháp thường có giá thành rất cao so với sản phẩm tương đương xuất xứ châu Á, như TQ, Hàn Quốc chẳng hạn. Chính phủ Pháp có chủ trương, sáng kiến nào để hóa giải rào cản này bằng những chính sách khuyến khích xuất khẩu thông qua ưu đãi tín dụng hay trợ giúp kỹ thuật nào đó trong quan hệ giao thương với VN hay không?
Hàng hóa và dịch vụ của Pháp đứng ở vị trí hàng đầu thế giới trên các phương diện sáng tạo, công nghệ và chất lượng trong nhiều lĩnh vực, từ hàng không, dược phẩm, thực phẩm, năng lượng cho tới giao thông đô thị, những lĩnh vực mà DN Pháp có thể tăng cường hơn nữa sự hiện diện tại VN.
Để có được điều đó, hàng hóa và dịch vụ của Pháp phải mang tính cạnh tranh, điều này không có nghĩa là hàng hóa của Pháp phải xếp ngang hàng với các loại hàng hóa và dịch vụ khác ở mức thấp hơn, bởi vì chất lượng cũng là vấn đề quan trọng đối với người tiêu dùng.
Khi mua một sản phẩm công nghiệp, người ta muốn sản phẩm đó phải đáng tin cậy, bền. Khi người ta mua một sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm, sản phẩm đó cần có những đảm bảo cho sức khỏe con người.
Sở dĩ như vậy vì một trong những mục tiêu của hiệp định trao đổi tự do đang trong quá trình đàm phán với EU là làm sao để những hàng hóa và dịch vụ như vậy có thể tiếp cận dễ dàng hơn với VN, nhất là thông qua việc giảm một số loại thuế đặc biệt cao. Tài trợ lại là vấn đề khác.
Tài trợ xuất khẩu, được qui định trong khuôn khổ các qui định của OCDE, hiện tồn tại để khuyến khích việc ký kết các hợp đồng dài hạn giữa các nhà xuất khẩu của Pháp và các khách hàng của VN.
Cân bằng thương mại
Khi thảo luận với các nhà lãnh đạo VN, liệu bằng cách này hay cách khác, bà có nói rằng VN sẽ có lợi hơn nếu cân bằng lại trao đổi thương mại với châu Âu, thay vì duy trì tình trạng nhập siêu quá lớn với TQ như hiện nay?
Liên minh châu Âu hiện là thị trường số 1 cho xuất khẩu của VN, chiếm 18,5% xuất khẩu của VN năm 2013.
Việc ký kết hiệp định trao đổi tự do giữa EU và VN sẽ tăng cường thương mại giữa hai bên nhưng cần tăng cường theo cách cân bằng: EU có thể trở thành đối tác thương mại lớn hơn của VN. Điều này cũng đúng với Pháp, như tôi đã nói, là nước mong muốn có những trao đổi phát triển cân bằng hơn với VN.
Theo bà, quan hệ thương mại Pháp - Việt nên tập trung tháo gỡ những nút thắt nào để có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới?
Trước tiên tôi phải nhấn mạnh rằng xuất khẩu của VN sang Pháp đang diễn ra tốt đẹp. Từ năm 2009, xuất khẩu của VN sang Pháp đã tăng trung bình 20% mỗi năm. Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) mà VN được hưởng cho phép các sản phẩm VN vào được thị trường châu Âu ở phạm vi rộng và ưu đãi.
Việc nâng cấp chất lượng hàng xuất khẩu của VN cũng là một yếu tố mang tính cạnh tranh, đây là một điều rất tốt đối với VN.
Về phía Pháp, chúng tôi mong muốn một số trở ngại đối với việc tiếp cận thị trường VN được dỡ bỏ. Như bạn đã nhấn mạnh, có những trở ngại về thuế quan và những trở ngại về kỹ thuật hoặc về qui phạm, ví dụ trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm.
Chúng tôi mong muốn có sự bình đẳng trong đối xử giữa các DN và việc thúc đẩy các qui định về minh bạch, nhằm góp phần xây dựng một khuôn khổ thuận lợi cho sự phát triển kinh doanh của các DN của chúng tôi. Đó là điều hiện đang được thảo luận trong đàm phán hiệp định trao đổi tự do.
FTA EU-VN, cơ hội cho hai bên
Một số doanh nhân Pháp có kinh nghiệm làm ăn ở VN cho rằng các cơ chế, cấu trúc hợp tác kinh tế chính thức giữa hai nước hiện nay chỉ hướng về các tập đoàn lớn nhằm mục tiêu tăng trưởng kim ngạch, mà không khuyến khích các DN vừa và nhỏ đến với nhau trên cơ sở hợp tác kinh doanh, tận dụng lợi thế so sánh của mỗi bên. Phải chăng, để thực sự là những đối tác chiến lược, hợp tác kinh tế Pháp - Việt nên hướng tới những mục tiêu xa hơn là con số trao đổi mậu dịch hàng năm?
Rất nhiều DN vừa và nhỏ hiện đang có mặt và hoạt động tích cực tại VN trong những lĩnh vực rất khác nhau. Quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta nhấn mạnh đúng mức về sự tham gia của các DN vừa và nhỏ của hai nước trong việc triển khai các mục tiêu hợp tác về công nghiệp và công nghệ.
Về phần mình, tôi biến sự hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ là một trong các trụ cột chính của chính sách ngoại thương của Pháp, đặc biệt thông qua hoạt động của Cơ quan nhà nước hỗ trợ sự phát triển quốc tế của các DN Pháp - UBIFRANCE.
Cơ quan này đã hỗ trợ 330 DN của Pháp trên thị trường VN trong năm 2013 ( tăng 40% so với 2011) và gần 200 DN trong nửa đầu năm nay.
Phần lớn đó là các DN mới sang thị trường VN, đang tìm kiếm đối tác thương mại hoặc công nghiệp với các DN VN.
Từ Diễn đàn DN, một sự kiện lớn được tổ chức tại TP HCM tháng 4/2013 nhân dịp khai mạc Năm Pháp-VN, rất nhiều cuộc thương thảo đã được thúc đẩy để đi tới ký kết hợp đồng hoặc quan hệ đối tác.
VN vẫn đang là một nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi. Viễn cảnh ký kết hiệp định tự do thương mại với EU vừa rất hấp dẫn vừa đáng lo với VN. Pháp có thể cam kết điều gì để VN tin rằng cơ hội mở ra sẽ xứng đáng với thách thức đó?
Hiệp định trao đổi tự do EU-VN sẽ có lợi cho cả hai bên. Đây sẽ là một hiệp định tham vọng, hoàn chỉnh và cân bằng. Đó là mục tiêu của các cuộc đàm phán hiện đang diễn ra. Vì vậy hãy đừng sợ hiệp định này mà trái lại, cần chuẩn bị để tận dụng nó một cách tốt nhất.
Xuân Linh