Nhà đàm phán sắc sảo về WTO đã 72 tuổi, là cố vấn của đoàn đàm phán các hiệp định TPP và EU sáng nay dậy sớm, mặc quần “lửng” ngắn xuống phòng internet khách sạn ngồi kiểm tra email. Ông trả lời thư của bộ Công thương, gõ theo lối “mổ cò” một cách cẩn trọng từng chữ một.
Lấy một dĩa to thức ăn với rau giá, khoai lang, xôi và bắp luộc, ông bảo: “Chiều nay đi Bình Phước xong là mai tôi về quê giỗ mẹ, sau đó lập tức bay đi đàm phán EU và TPP đến mãi ngày 7.7 mới về”. Câu chuyện bắt đầu từ những chuyện xoay quanh cuộc sống của ông hiện nay: đang làm được gì trong việc đàm phán với các đối tác của các hiệp định thương mại, những bức xúc còn nguyên liên quan đến thị trường biên mậu, tới lãi suất bất hợp lý dành cho sản xuất và thương mại, tới chuyện xúc tiến xuất khẩu nông sản…
Ông bảo, điểm mấu chốt trong tất cả các thương lượng hiệp định thương mại song phương hay đa phương đều nằm ở thương mại hàng hoá. Làm thế nào để hội nhập mà vẫn có thể giữ được tính chủ động tương đối trong kinh doanh, sản xuất. Con tàu TPP đang dần về đích, nhưng Việt Nam vẫn còn phải cân nhắc một số nội dung nhạy cảm, tới nguồn gốc xuất xứ hàng hoá, và các “dịch vụ tài chính mới” theo cách tiếp cận chọn bỏ…
“Năm 2008, khi khủng hoảng xảy ra, có nhiều dự báo về việc vượt khủng hoảng của Việt Nam. Có người nói sẽ là chữ V, tức là xuống đáy xong bật lên ngay. Có người nói chữ U, tức là nằm ở dưới đáy nghỉ ngơi một thời gian rồi mới ngoi lên. Còn có người bi quan nói chữ L, tức là nằm dài dưới đáy hoài. Lúc đó, trong một cuộc họp của Chính phủ mà tôi được dự, tôi nói rằng Việt Nam sẽ ra khỏi bất ổn vĩ mô và suy giảm tăng trưởng theo hình parabol, tức là lai giữa chữ V và chữ U. Chúng ta đã chuyển sang cạnh bên phải của hình parabol rồi, tức là đang đi lên. Nhưng mới đây lại có sự cố Biển Đông làm mọi thứ có phần xấu đi…”, ông trầm ngâm.
Cần có xã hội dân sự
Ông Tuyển sau khi về hưu không đảm nhận một chức danh cụ thể gì, không có thư ký, chỉ toàn đi đây đó một mình, đóng góp sức mình như một chuyên gia độc lập. Doanh nghiệp gặp ông, thường hỏi hai thứ: tình hình kinh tế vĩ mô nhà mình ra sao? TPP thế nào? Ông cười, đôi mắt sáng quắc nhìn sâu vào người đối diện, phân tích ba trụ cột để có thể phát triển kinh tế: Thị trường – tức là dùng quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật lợi nhuận để phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; nhưng thị trường cũng thất bại và nó đã thất bại vì tính tự phát và sự bất đối xứng về thông tin.
Thứ hai là nhà nước. Kinh tế thị trường phải đi liền với nhà nước pháp quyền. Một nhà nước pháp quyền phải bảo đảm cho người dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn các công chức nhà nước thì chỉ được làm và buộc phải làm những gì pháp luật giao cho họ. Chức năng của nhà nước là xây dựng thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để ổn định vĩ mô và kiến tạo phát triển. Nhưng nhà nước cũng có thể thất bại vì bản chất nhà nước là quan liêu và nhà nước cũng dễ bị các nhóm lợi ích thao túng chính sách. Vì vậy, cần phải có vai trò của xã hội dân sự. Thông qua sự va đập trong thị trường và chính sách, các tổ chức xã hội dân sự và người dân sẽ cung cấp những bằng chứng sống động để góp phần xây dựng chính sách, phản biện chính sách, giúp cho chính sách hoàn thiện hơn. Chính các tổ chức và mỗi công dân giám sát việc thực thi chính sách. Trên ý nghĩa đó, xã hội dân sự góp phần khắc phục những hạn chế của thị trường và của nhà nước” – ông khẳng định.
TPP: năng lượng đổi mới lần 2
Về TPP, ông không phản đối mệnh đề mà gần đây được một số người đề cập: “Đây sẽ là một cuộc Đổi mới lần 2 của Việt Nam”. dù theo ông đổi mới là một tiến trình liên tục. Lý do, theo ông, nó sẽ dẫn đến những thay đổi căn cơ mọi thứ khi TPP đòi hỏi một môi trường kinh doanh minh bạch và có tính cạnh tranh cao. Như vậy để tham gia TPP đòi hỏi đổi mới về mặt thể chế, bộ máy chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp nước ta phải mạnh lên, bản lĩnh hơn để có thể tham gia cuộc chơi này. Đúng là năng lượng đổi mới 1986 đang vơi cạn, nên cần có nguồn động lực mới. Tất nhiên nó sẽ gây ra những khó khăn, nhất là vào thời gian đầu, nhưng rồi nó sẽ làm mọi thứ khác lên, theo hướng tốt hơn, tạo nền tảng bền vững hơn cho phát triển với cái nghĩa sâu rộng của cụm từ này…
Vét nốt những cọng rau cuối cùng trong dĩa, ông kể thêm về hành trình đi đàm phán của mình: “Các anh lãnh đạo trẻ bây giờ giỏi lắm. Luôn biết các chiến thuật đàm phán để có lợi nhất cho mình. Tôi thì già rồi, nên đứng sau hỗ trợ các góc nhìn chiến lược từ kinh nghiệm của người đã dành cả đời cho việc phát triển kinh tế quốc tế…” Ông bảo rằng, mình không phải là một nhà kinh tế, chỉ học qua công việc và học ở người khác sau khi lấy tấm bằng kỹ sư chế tạo máy và làm việc khá lâu về chuyên ngành kỹ thuật. Nhưng là một kỹ sư chế tạo máy, nên khi tiếp cận các vấn đề kinh tế thì sẽ hiểu nó giống như một cái máy, cần sự đồng bộ, logic từ những cái bánh răng nhỏ nhất, từ con ốc bé nhất…
Rồi ông lên phòng thay quần áo để chuẩn bị cho cuộc giảng bài sớm cho đội ngũ lãnh đạo một tập đoàn. Ông sẽ nói về chiến lược cạnh tranh trong thời kỳ mới. “Chắc sẽ nhắc mọi người một tí, rằng mình sẽ gặp khó về xuất xứ hàng hoá, đặt biệt là dệt may, da giày… vì nguyên phụ liệu của mình chủ yếu từ Trung Quốc sang. Trong khi đó, TPP yêu cầu từ sợi trở đi phải có xuất xứ từ các nước TPP. Tuy nhiên điều đó cũng buộc ta thu hút đầu tư vào sợi, dệt và nhuộm. Qua đó sẽ giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Cần nói thêm là trong một thế giới toàn cầu hoá, sự tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế là điều bình thường nhưng sự phụ thuộc quá mức của các ngành sản xuất nước ta vào Trung Quốc theo kiểu quan hệ Bắc – Nam là điều cần khắc phục…”
Nguồn: Vietnamnet