Việc Ả Rập Saudi gửi phim “Wadjda” đi dự tranh giải Oscar ở hạng mục
Phim nước ngoài xuất sắc nhất là một sự kiện đáng chú ý đối với lịch sử
điện ảnh Ả Rập Saudi nói riêng và điện ảnh thế giới nói chung.
Đây không chỉ là phim truyện nhựa đầu tiên Ả Rập Saudi chính thức gửi ra thế giới mà nó còn là tác phẩm được chỉ đạo bởi một nữ đạo diễn - điều cấm kỵ tại Ả Rập Saudi.
Truyện phim kể về một cô bé có tên Wadjda. Cô bé thích đi giày tennis, đeo headphones và chơi với những cậu bạn bằng tuổi. Những điều này sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu Wadjda không ở Ả Rập Saudi. Cách hành xử của em đã đi ngược lại những chuẩn mực khắt khe dành cho nữ giới sống trong nền văn hoá đạo Hồi ở các nước Ả Rập.
Ở trường Wadjda luôn bị các cô giáo chú ý, em cũng là cô bé hay bị
trách phạt nhiều nhất vì thường xuyên vi phạm nội quy. Khi vì quên mang
khăn trùm đầu, khi vì không thuộc kinh Koran.
Wadjda sống cùng với mẹ, cha không sống cùng hai mẹ con, đơn giản vì
mẹ không thể sinh cho cha một đứa con trai. Trong cây gia phả mà cha em
vẽ, chỉ toàn tên của những người đàn ông trong dòng họ, tên của bà, mẹ
và của chính em không được nhắc tới.
Thậm chí ông còn viết sẵn tên của cậu con trai “sắp ra đời” của mình.
Điều đó khiến mẹ Wadjda rất đau khổ. Bà đã dùng giấy dán lên tên của
cậu bé mà bà sẽ không bao giờ có thể sinh ra.
Cha của Wadjda vì áp lực của gia đình và dòng họ đã dọn đi nơi khác
ở. Trong khi đó, bà nội em bắt đầu tìm con dâu mới những mong ước nguyện
có cháu trai sớm trở thành sự thật.
Bộ phim “Wadjda” được thực hiện hoàn toàn tại Ả-rập Saudi bất kể
những khó khăn trong quá trình sản xuất. Đoàn làm phim thường xuyên bị
người dân gây khó dễ. Đạo diễn Haifaa Al Mansour thường phải chỉ đạo
diễn xuất “giấu mặt” từ trong thùng xe, cách xa trường quay bởi phụ nữ Ả
Rập bị cấm giao tiếp với nam giới ở nơi công cộng.
Trước đây, đạo diễn Mansour cũng từng bị đe doạ tính mạng trong quá trình thực hiện một bộ phim tài liệu do bà dám công khai làm việc với một nhóm những cộng sự nam ngay trên đường phố. Hành động này của bà đã phải đón nhận những nhận xét cay nghiệt từ cộng đồng.
Ở Ả Rập Saudi, thực chất không tồn tại một nền văn hoá điện ảnh. Điện ảnh thậm chí bị coi là thứ văn hoá ngoài luồng. Chẳng có trường quay, không có đoàn làm phim và đương nhiên không có rạp chiếu phim, đạo diễn Mansour đã từng phải vật lộn để tìm một nhà phân phối phim ở nước ngoài để tác phẩm của mình không bị “chết yểu”.
Bích Ngọc