Bộ phim điện ảnh Hoa ban đỏ của đạo diễn- NSND Bạch Diệp quay năm 1994. NSƯT Thu Hà vẫn nhớ, đó là những ngày mưa rét vô cùng cực khổ. “Khi ấy tôi vẫn còn rất trẻ, được cả đoàn làm phim cưng chiều. Lên xe theo đoàn làm phim Hoa ban đỏ vào những ngày mưa giá lạnh, phim lại quay ở Tây Bắc, mặc bao nhiêu áo vẫn thấy rét run người. Tôi đã nghĩ, tại sao vào thời điểm phim thị trường đang sản xuất ồ ạt như thế này, lại có đoàn làm phim đi làm cực khổ đến thế…”. Bù lại những ngày quay cực khổ, Thu Hà đã có một vai diễn ấn tượng trong Hoa ban đỏ.
Những ngày đi quay Hoa ban đỏ, Thu Hà ngủ cùng phòng với đạo diễn- NSND Bạch Diệp. Thu Hà vẫn nhớ, nữ đạo diễn đã nhẹ nhàng, chỉ bảo cô từng ly từng tí như thế nào cả về cách sống lẫn cách vào vai.
“Tôi nhớ nhất cảnh quay, tôi đi tìm người yêu giữa rừng bộ đội. Chỉ là một cảnh, tôi quay lưng lại, nhưng cô Diệp là một đạo diễn rất kỹ tính, cô bắt tôi phải quay người ra sao, ánh mắt phải thế nào… Cô rất khắt khe. Lúc ấy, mình còn trẻ, đôi khi cũng thấy mệt mỏi, ức chế. Nhưng bây giờ xem lại mới thấy hình ảnh ấy thật khó quên, một hình ảnh tôi thực sự thích”- Thu Hà nhớ lại.
Chính NSND Bạch Diệp đã tiếp sức cho Thu Hà lên đường cùng đoàn làm phim, rong ruổi khắp Tây Bắc vào mùa đông giá rét năm 1994 để hoàn thành vai diễn của mình. Lúc ấy, Thu Hà là diễn viên sáng giá của màn bạc, là ngôi sao của dòng phim thị trường cùng Lê Công Tuấn Anh, Lý Hùng, Việt Trinh… Thu Hà đã xếp lại tất cả các dự án, vai diễn thị trường để lên đường làm Hoa ban đỏ. Để đến bây giờ, bộ phim của đạo diễn Bạch Diệp vẫn là một kỷ niệm đẹp, không thể quên trong đời nghệ sỹ của Thu Hà.
“Tôi vừa về Hà Nội sáng nay đã nghe tin cô mất. Tôi thực sự bàng hoàng dù biết cô bệnh đã lâu. Anh Trần Lực vừa gửi tôi bức ảnh chúng tôi chụp cùng cô những ngày quay Hoa ban đỏ, thấy nhớ cô quá… Chắc chắn, đoàn làm phim Hoa ban đỏ chúng tôi sẽ đến tiễn đưa cô”- Thu Hà chia sẻ.
Thu Hà thổ lộ, chị muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến đạo diễn- NSND Bạch Diệp vì những bài học bà đã dạy cô. “Tôi nghĩ, bất kỳ thế hệ diễn viên trẻ nào được làm việc với những đạo diễn như NSND Bạch Diệp cũng là một may mắn. Tôi luôn biết ơn khi được làm việc với NSND Bạch Diệp, NSND Hải Ninh, đạo diễn Đức Hoàn… Với tôi, đó là thế hệ vàng của điện ảnh Việt Nam”.
Tiễn đưa NSND Bạch Diệp, Thu Hà sẽ nhớ mãi những ngày mùa đông năm 1994, vào mỗi buổi sáng, nữ diễn viên trẻ đã nhảy xuống hầm trong giá rét, phải lấy tay vỗ nhẹ vào má để cơ mặt không đông cứng trong lạnh, để tiếp tục cảnh quay dưới cái nhìn nghiêm khắc, quyết đoán, khoa học của NSND Bạch Diệp.
NSƯT Chiều Xuân: “Cô Diệp vẫn như ở đây, trong lòng tôi”
“Bạch Diệp là một phụ nữ kiên cường, quyết liệt. Tôi vẫn nhớ, Tia nắng mong manh chỉ quay được 3 ngày, cô Diệp sốt dịch, mê man. Lệ thường, khi sốt dịch, người khỏe mạnh phải mất 7 ngày mới dứt sốt. Nhưng 2 ngày sau, cô Diệp đã ra trường quay trong tình trạng mê man. Chúng tôi quá lo lắng, khuyên cô nên dời lịch quay, nhưng cô gạt đi bảo, “Cứ quay đi, không sao”. Chúng tôi biết tính cô, cương quyết, mạnh mẽ, nên chỉ biết răm rắp nghe theo. Và, 5 ngày sau đó, cô hoàn toàn tỉnh táo trở lại, lịch quay lại kín mít. Tôi có cảm giác như, sự mạnh mẽ, tình yêu nghề của cô còn mạnh hơn cả cuộc sống…”- NSƯT Chiều Xuân nhớ lại.
Với Chiều Xuân, NSND Bạch Diệp ngoài đời, là người phụ nữ điển hình của văn hóa Hà Nội. Đằng sau sự khắt khe trên trường quay, là một phụ nữ dịu dàng ngoài cuộc sống. “Tôi có nhiều dịp trò chuyện, tâm sự cùng cô. Bạch Diệp nền nã, dịu dàng vô cùng, đúng như một phụ nữ Hà Thành. Cô đã kể cho tôi nghe chuyện cô trốn nhà theo cách mạng, cả chuyện giữa cô và nhà thơ Xuân Diệu… Những câu chuyện luôn theo cô trong suốt cuộc đời”.
Sau khi quay xong Tia nắng mong manh, Chiều Xuân thỉnh thoảng vẫn gọi điện cho NSND Bạch Diệp. Chị chia sẻ, khi nói chuyện với nữ đạo diễn, chị cảm thấy bình yên. Trong câu chuyện dịu dàng của bà, chị nhìn thấy mình, thấy như được tiếp sức để mạnh mẽ hơn.
“Cuộc sống quý giá hơn khi gặp những người như cô Bạch Diệp. Khi ấy, bạn thấy được chia sẻ, được an ủi, và được hướng vào một tấm gương để soi lại mình. Tôi rất buồn khi nghe tin cô đã ra đi. Tôi không đọc hết những gì người ta viết về cô, điều ấy nặng nề quá, và tôi không thể đọc hết…”- Chiều Xuân chia sẻ.
Hiện tại, Chiều Xuân đang bận một chuyến công tác xa Hà Nội, chị không thể đến tiễn đưa nữ đạo diễn về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhưng theo Chiều Xuân, với chị, nữ đạo diễn sẽ vẫn ở đó, trong lòng chị.
Để mỗi lần buồn bã, chị có thể trò chuyện với bà như đã từng trò chuyện và lại thấy lòng được bình yên…
Đạo diễn Bạch Diệp tên thật là Nguyễn Thị Thanh Tâm, sinh năm 1929
tại Hà Nội. Trong cuộc đời đạo diễn của mình, bà đã có nhiều bộ phim
thành công như: Người về đồng cói (1973), Ngày lễ thánh (1976), Câu
chuyện làng Dừa (1977), Người chưa biết nói (1979), Ai giận ai thương
(1982), Mảnh trời riêng (1983), Trừng phạt (1984), Y Hơ Nua (1985), Cuộc
chia tay không hẹn trước (1986), Huyền thoại về người mẹ (1987), Ngõ
hẹp (1988), Hoa ban đỏ (1994)...
NSND Bạch Diệp thời trẻ (phải) và nhà thơ Xuân Diệu
Về cuộc sống riêng, nữ đạo diễn gặp nhiều trắc trở. Thời trẻ, NSND Bạch Diệp từng kết hôn với nhà thơ Xuân Diệu. Tuy nhiên, họ ly hôn sau đó không lâu. Bà vẫn được nhắc đến như người phụ nữ duy nhất trong đời Xuân Diệu. |
Dân trí