“Mối lái” kiểu hiện đại
Trước đây, nam nữ ở Ấn Độ lấy nhau thường phải nhờ vào sự giới thiệu
và mối lái nhưng giờ đây, rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng xuất hiện trên
truyền hình để có cơ hội tự giới thiệu về bản thân với mong muốn sẽ tìm
được một người bạn đời lý tưởng qua sóng truyền hình.
Mới đây, truyền hình Ấn Độ vừa cho ra mắt kênh truyền trình “Shagun TV” chuyên dành để giúp các bạn trẻ tìm “người trong mộng”. Ngoài ra, 24/24, kênh truyền hình này chỉ đưa tin tức và chiếu các chương trình làm về đề tài hôn nhân, đặc biệt là việc kết hôn và chuẩn bị cho lễ cưới.
Kịch bản chương trình khá đơn giản, người dẫn sẽ đưa ra những thông
tin cơ bản về nhân vật chính - người đang có nhu cầu tìm vợ/chồng, những
khán giả truyền hình nào cảm thấy mình phù hợp với điều kiện và tiêu
chuẩn của nhân vật chính sẽ liên hệ với đài truyền hình để biết thêm
thông tin.
Một chương trình có kịch bản đơn giản như vậy nhưng kết quả lại thật bất ngờ. Họ đã nhận được rất nhiều thư gửi về đăng ký tham gia. Mỗi tuần, chương trình này thu hút khoảng 10 triệu lượt xem - một tỉ suất khổng lồ.
Ban đầu, ban tổ chức còn lo lắng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những người có nhu cầu xuất hiện trên sóng truyền hình để “quảng cáo” tìm vợ/chồng nhưng cuối cùng số lượng người đăng ký tham gia đã vượt xa những gì họ mong đợi.
Ở Ấn Độ, hôn nhân là chuyện mà cả gia đình có thể cùng nhau tham gia
bàn luận, tư vấn, mai mối… Vì vậy, người Ấn Độ không cảm thấy ngại
ngùng, xấu hổ khi thể hiện mong muốn tìm bạn đời của mình cho những
người khác biết. Ở đây, người ta vẫn thường đăng quảng cáo tìm bạn đời
trên báo và trên các website, truyền hình là sự lựa chọn mới nhất hiện
nay.
Ngành kinh doanh duy nhất “chỉ tăng không giảm”
Lễ cưới của con cái là một sự kiện trọng đại đối với mỗi gia đình ở Ấn Độ, họ thường phải tiết kiệm từ nhiều năm về trước để có thể chuẩn bị cho việc chi tiêu “bạo tay” khi con kết hôn. Khi đó, một số tiền lớn sẽ được chi ra để mua sính lễ, của hồi môn cho con, mua trang phục, trang sức đắt tiền cho cả gia đình…
Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, ở Ấn Độ, có duy nhất một ngành kinh doanh không hề lo sụt giảm khách hàng, đó chính là ngành kinh doanh dịch vụ cưới hỏi. Mỗi năm, ở đất nước này có tới hơn 10 triệu lễ cưới.
Ước tính tổng chi phí mà các gia đình bỏ ra để tổ chức hơn 10 triệu
lễ cưới này vào khoảng 25 tỉ đô la (tương đương hơn 528 tỉ VND). Doanh
thu của ngành dịch vụ này năm sau lại cao hơn năm trước. Đây là lĩnh vực
kinh doanh duy nhất ở Ấn Độ chưa từng chứng kiến sự sụt giảm.
Mỗi năm, người dân Ấn Độ tiêu thụ khoảng 900 tấn vàng, một nửa số vàng này được mua vào mùa cưới, lúc này các gia đình chuẩn bị trang sức đắt tiền không chỉ cho cô dâu - chú rể mà còn cho cả các thành viên trong gia đình để “thể hiện” với những người xung quanh trong dịp đại sự.
Những vòng hoa được kết từ các tờ tiền Ấn Độ dành để chủ rể đeo lên người tại lễ cưới.
Việc chụp ảnh cưới mới bắt đầu du nhập vào Ấn Độ
Lễ cưới ở Ấn Độ được đầu tư rất mạnh tay nhưng chủ yếu là vào việc mua sắm trang phục, trang sức và chi trả cho những nghi lễ, thủ tục rườm rà, tốn kém. Thật khó tin là ở đây, việc chụp ảnh cưới nghệ thuật vẫn còn khá xa lạ, không phải cặp uyên ương nào ở Ấn Độ cũng tiến hành chụp ảnh cưới trước khi chính thức làm lễ cưới.
Giờ đây, phong tục mang nét đặc trưng phương Tây này đang ngày càng phổ biến ở Ấn Độ, ngày càng có nhiều cặp đôi muốn lưu giữ lại những khoảnh khắc ngọt ngào, quý giá ngay trước khi kết hôn. Vậy là một nghề mới “ăn theo” lễ cưới lại ra đời: nghề chụp ảnh cưới nghệ thuật.
Nghề chụp ảnh cưới ngày càng “nở rộ” tại Ấn Độ, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người.
Mỗi năm có hơn 10 triệu lễ cưới được tiến hành tại Ấn Độ và chỉ cần một phần nhỏ những cặp đôi sắp cưới này có nhu cầu chụp ảnh cưới, vậy là đã đủ để nuôi sống một nhóm hàng chục nghìn người làm nghề “chụp ảnh cô dâu”.
Không đất nước nào tổ chức lễ cưới linh đình như ở Ấn Độ. Một lễ cưới “giản dị” cũng được tổ chức tới vài ngày, cỗ bàn linh đình và mời hàng trăm khách.