- Như ông nói thì tại sao không nên so sánh nợ công của Việt Nam với Mỹ, với Nhật Bản. Ở các quốc gia này, đồng hồ đếm nợ công luôn được người dân quan tâm và đồng hồ đếm nợ công ngược của Việt Nam cũng đã đến lúc rất cần được người dân quan tâm, vì nợ công càng cao thì gánh nặng trả nợ của thế hệ tương lai càng lớn?
Sở dĩ tôi cho không nên so sánh như vậy, vì có một số đặc thù sau. Thứ nhất, Mỹ và Nhật Bản là các quốc gia phát triển. Họ đã hoàn thiện nền tảng cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho mọi hoạt động kinh tế thượng tầng phát triển. Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển và chỉ mới đang trong giai đoạn phấn đấu xây dựng để tiến tới hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Không đầu tư, không vay nợ, bao giờ mới có thể hoàn thiện cơ sở hạ tầng để kích thích nền kinh tế đi vào một giai đoạn mới? Thứ hai, ở Mỹ và Nhật, tài sản quốc gia nằm ở sở hữu tư nhân. Còn Việt Nam, nên lưu ý 60% GDP quốc gia vẫn do doanh nghiệp quốc doanh, nhà nước nắm giữ và đóng góp. Khối tư nhân mới chỉ đóng góp 40%. Nói cách khác phần lớn tài sản quốc gia nằm trong tay Nhà nước. Nợ công ở nước khác có thể khiến Chính phủ đau đầu, có thể khiến một Hy Lạp phá sản, nhưng ở Việt Nam thì tài sản để cân đối nguồn nợ không phải không có. Chính vì như thế nên chúng ta mới có thể dễ dàng phát hành trái phiếu tế, vay nợ quốc tế. Ta không có gì thì sẽ chẳng ai dám cho vay.
- Nói như ông là nên khuyến khích nợ công tăng hơn nữa?
Giá trị gọi thầu và trúng thầu trái phiếu Chính phủ 6 tháng đầu năm 2014
Không hẳn là như vậy! Quan điểm của tôi là nếu ví một quốc gia cũng như một doanh nghiệp, muốn phát triển đều cần có nguồn lực. Giai đoạn vay mượn nợ để tăng trưởng nóng ban đầu của chúng ta đã đi qua. Chúng ta hiện đã có tích lũy và có cái nhìn bình tĩnh hơn với tăng trưởng. Nhưng để có bước tăng trưởng tiếp theo bền vững, lại không thể chỉ trông vào nguồn tích lũy như nguồn lực duy nhất. Doanh nghiệp cũng vậy, muốn phát triển mạnh thì phải nhờ đến tín dụng, đến huy động vốn chứng khoán, đến phát hành trái phiếu trên thị trường. Quan trọng là anh có tài sản cân đối để được vay. Quan trọng hơn là anh tính vay để làm gì. Làm sao để kiểm soát nguồn vay hiệu quả.
- Vậy theo ông, nếu không tăng nợ công, Việt Nam sẽ khó lấy lại tăng trưởng? Và đã như vậy, tỷ lệ vay nợ công nhìn từ quan điểm của ông, có thể “nới” tới mức nào?
Thực sự theo tôi, nếu không tăng nợ công, mượn nguồn lực bên ngoài, e là kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng, DN nhà nước và nợ công tới 2015 theo lộ trình đều khó có thể hoàn thành chất lượng. Nếu đã như vậy, cần đặt vấn đề là một khi chúng ta vay thêm, vậy chúng ta đã có bài học thì cần có kỉ luật kiểm soát chất lượng nguồn lực vay vào nền kinh tế. Nếu kiểm soát được, chúng ta có thể vay nợ công tới 100% GDP mà cũng không phải là quá cần lo lắng. Nhưng nếu không kiểm soát được, thì chỉ vay nợ 50% GDP, cũng đã là mối nguy của cả quốc gia!
- Ông có thể cho một ví dụ về kiểm soát chất lượng nợ công?
Chúng ta cần có những nguyên tắc chung, trong đó có một nguyên tắt cốt lõi mà Chính phủ từng nhận định, đó là dứt khoát từ bỏ cách đầu tư phân bổ dàn trải mà phải tập trung có trọng điểm ưu tiên cho những dự án có hiệu quả nguồn thu trả nợ và có giá trị lan tỏa (hiệu ứng phát triển vùng, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo việc lạm chất lượng cao…). Ngoài ra rất cần nhìn lại những dự án đầu tư lớn nhưng không đạt hiệu quả trả nợ trong giai đoạn qua để đút kết kinh nghiệm thực tiễn và xây dựng các nguyên tắc kiểm soát hiệu quả cho giai đoạn mới. Khi làm tốt những điều này thì chúng ta không sợ “quốc tế cho mượn tiền” để phát triển kinh tế giai đoạn mới.
- Xin cảm ơn ông!
Phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế để hoán đổi nợ Bộ Tài chính cho biết đã phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với tổng khối lượng 1 tỷ USD. Số lượng trái phiếu trên được phát hành thành công vào lúc 1 giờ chiều giờ San Francisco (Mỹ) ngày 6/11/2014 tức 4 giờ sáng ngày 7/11/2014 giờ Việt Nam) theo hình thức 144A/Quy chế S. Trong đợt phát hành này, có 437 nhà đầu tư quốc tế tham gia tổng trị giá đăng ký mua trên 10,6 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với lượng chào bán ra là 1 tỷ USD. Đáng chú ý, lần này, trái phiếu Chính phủ chỉ có mức lãi suất cố định 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%/năm. Đây là mức lãi suất thấp nhất trong các đợt phát hành từ trước đến nay. Năm 2005, lãi suất đạt 6,875%/năm, năm 2010, lãi suất đạt 6,755/năm. Bộ Tài chính khẳng định, nhờ lãi suất phát hành thấp so với dự kiến như vậy nên đã tiết kiệm khoảng 32,5 triệu USD tiền thanh toán lãi trái phiếu Chính phủ trong 10 năm. Đợt chào bán trái phiếu lần này diễn ra đồng thời với giao dịch hoán đổi hai trái phiếu Chính phủ đã phát hành ra thị trường vốn quốc tế trước đó với đến hạn thanh toán vào năm 2016 và 2020. Cụ thể, việc hoán đổi được 54,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2005 và 25,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2010 đã góp phần cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tổng mệnh giá đăng ký hoán đổi lại trái phiếu đã phát hành được chấp nhận mua lại là 726,626 triệu USD, trong đó mua lại 436, 452 triệu USD trái phiếu phát hành năm 2005 và 290,174 triệu USD trái phiếu phát hành 2010. Cùng với việc Fitch nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc (từ B+ lên BB-) và Moody (từ B2 lên B1), thành công của đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế lần này đã giúp thiết lập mức lãi suất chuẩn thấp hơn nhiều so với trước. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các DN Việt Nam huy động vốn trên thị trường quốc tế với lãi suất hợp lý hơn. và giúp giảm rủi ro tái cấp vốn và rủi ro lãi suất đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ. |
Lê Mỹ