Navigos Search, công ty hàng đầu Việt Nam về cung cấp các dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp trung và cấp cao đã công bố báo cáo về các cơ hội dịch chuyển lao động đối với nhân sự cấp trung người Việt khiCộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập.
Người Việt thích lựa chọn Singapore là điểm đến để làm việc hấp dẫn nhất, khi có tới 71% người tham gia khảo sát tại Việt Nam chọn Quốc đảo này. Việc kỳ vọng có mức lương, thưởng cao hơn, cơ hội nghề nghiệp phát triển tốt hơn và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế được cho là lý do khiến các nhân sự cấp cao của Việt Nam muốn làm việc tại đây.
Ngược lại, nhân sự cấp trung lại chưa hoàn toàn sẵn sàng trước các cơ hội di chuyển việc làm trong AEC. Mặc dù thể hiện mong muốn được sang các nước trong khu vực để làm việc, nhưng đa phần lại chưa chuẩn bị sẵn sàng với việc dịch chuyển này chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng đối với việc dịch chuyển này.
Trong tổng số người tham gia khảo sát tại Việt Nam, có đến 70% là những người có kinh nghiệm làm việc từ 5 năm đến trên 20 năm. Tuy nhiên, có đến 67% người tham gia khảo sát cho biết họ cần cải thiện khả năng tiếng Anh.
Đồng thời, việc tạo và cập nhật thông tin về hồ sơ cá nhân trên các trang thông tin việc làm chuyên nghiệp trực tuyến cũng chưa được chú ý khi có 59% người tham gia khảo sát cho rằng họ cần phải làm việc này.
Việc thiếu hụt những kỹ năng nêu trên khiến cho các ứng viên người Việt có khả năng bị mất lợi thế cạnh tranh ngay tại Việt Nam, chưa kể đến khả năng mất nhiều cơ hội khi muốn dịch chuyển sang các nước trong AEC để làm việc.
Bên cạnh đó, ý kiến của người tham gia khảo sát cũng cho thấy có những rào cản khác đến từ các yếu tố khách quan và chủ quan. Ví dụ, các nhân sự cấp trung e ngại về việc thiếu thông tin về các chính sách dành cho người lao động nước ngoài hay e ngại về việc thiếu thông tin liên quan đến chính sách và luật pháp của nước muốn đến. Ngoài ra, các ràng buộc liên quan đến gia đình cũng khiến họ e ngại việc dịch chuyển.
Trong khi đó, những người tham gia khảo sát tại Thái Lan hay Singapore cho biết sẽ tìm kiếm thông tin việc làm từ các công ty về dịch vụ tuyển dụng tại địa phương hoặc tại nước muốn đến, thì những người tham gia khảo sát tại Việt Nam không đề cập đến những sự trợ giúp này.
Khi chưa nhận ra được đâu là vũ khí sắc bén nhất, các nhân sự cấp trung người Việt chưa thể "thành danh"
Khả năng học hỏi nhanh – Chăm chỉ và Thích ứng nhanh với sự thay đổi là những thế mạnh mà người tham gia khảo sát tại Việt Nam tự đánh giá về mình. Trong khi đó, người tham gia khảo sát tại Singapore tự đánh giá họ có thế mạnh về kỹ năng tiếng Anh – Tư duy làm việc mang tính toàn cầu và Khả năng làm việc độc lập.
Có thể thấy các thế mạnh tự đánh giá của người tham gia khảo sát tại Việt Nam không có nhiều lợi thế nổi trội để có thể giúp họ tự tin với các cơ hội dịch chuyển việc làm mang tính quốc tế khi AEC được thành lập. Do đó, việc tự xác định được đâu là lợi thế sẽ rất quan trọng để giúp nhân sự cấp trung người Việt có thể vươn ra biển lớn mà trước hết là Cộng đồng AEC.
Theo Trí Thức Trẻ