Những nhân vật nữ dưới đây không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp ngoại hình kiều diễm, sự phi thường của họ còn nằm trong vẻ đẹp tâm hồn, sự kiên cường vượt lên mọi lễ giáo xã hội để yêu, để được yêu và sống không hối tiếc.
Nhân vật Jane Eyre trong tiểu thuyết cùng tên
Nữ diễn viên Mia Wasikowska vào vai Jane Eyre trong tác phẩm điện ảnh chuyển thể năm 2011.
Jane Eyre là nhân vật chính trong tác phẩm cùng tên của văn sĩ
Charlotte Brontë. Jane mồ côi từ nhỏ, được cậu ruột cưu mang và phải
sống những tháng ngày tủi nhục bởi người vợ cay nghiệt của cậu mình. Năm
Jane lên 10 tuổi, Jane bị gửi vào trại mồ côi Lowood. Cũng như hàng
ngàn trại trẻ khác trên khắp đất Anh, Lowood giáo dục trẻ em theo chủ
nghĩa khổ hạnh “hành hạ thân xác để giữ gìn phần hồn”.
Jane cùng bè bạn của cô phải sống trong những điều kiện ngặt nghèo:
Ăn uống tồi tệ, chỉ rặt cháo khê, khoai thối, mỡ hôi, “đến người sắp
chết đói ăn vào cũng phát ốm”, lại thêm quần áo không đủ ấm, dịch bệnh
hoành hành, học sinh thường xuyên chịu đựng những hình phạt tàn nhẫn như
bị đánh đập, sỉ nhục... Nhưng ngay từ nhỏ, tinh thần phản kháng và ý
thức tự lập đã sớm nảy sinh trong tâm hồn thơ trẻ của Jane.
Sau này nhờ những may mắn của số phận, Jane bỗng trở nên giàu có và
tìm được họ hàng thân thích. Có thể nói đây là câu chuyện hết sức cảm
động về cuộc đời một người con gái nghèo tỉnh lẻ vật lộn với số mệnh phũ
phàng để bảo vệ phẩm giá và tự khẳng định địa vị của mình bằng chính
cuộc sống lao động lương thiện. Nhân vật Jane Eyre trở thành hình tượng
của những con người bị xã hội ruồng rẫy nhưng dũng cảm đứng lên phản
kháng lại bất công bằng tất cả ý chí, nghị lực và tâm hồn “nổi loạn” của
mình.
Nhân vật Hester Prynne trong The Scarlet Letter
Nữ diễn viên Demi More vào vai Hester trong tác phẩm điện ảnh chuyển thể năm 1995.
Trong tác phẩm The Scarlet Letter (tạm dịch là Ký tự màu đỏ) xuất
bản năm 1850 của Nathaniel Hawthorne, Hester Prynne là một phụ nữ trẻ
đẹp bị buộc phải mang mẫu tự "A" màu đỏ thắm thêu trên ngực áo suốt đời
vì bị khép vào tội ngoại tình - một tội mà xã hội thời bấy giờ kết án
hết sức nghiêm khắc, thậm chí là tử hình.
Mẫu tự này phải được may lên phần tay và lưng của lớp trang phục
ngoài cùng. Nếu bị bắt gặp không tuân thủ bản án này, Hester Prynnes sẽ
phải chịu hình phạt đánh roi trước công chúng. Và mặc dù bị xã hội khinh
bỉ, Hester vẫn tiếp tục cuộc sống thầm lặng của mình. Cô một mình sinh
con và cần mẫn với nghề thợ may. Có thể nói nhân vật Hester là một trong
số những nữ nhân vật chính kinh điển của nền văn học Mỹ. Cô là hiện
thân của những mâu thuẫn lớn trong xã hội: giữa xấu xa và đẹp đẽ, tội
lỗi và thánh thiện, hình phạt và cứu chuộc.
Tác giả Hawthorne gần như đã đồng hóa mình với Hester để nói về
những gì sẽ xảy ra khi người phụ nữ vượt ra ngoài khuôn giáo lễ điều,
làm chủ chính mình và lên án xã hội Thanh giáo khép kín, có tính áp đặt,
độc đoán.
Nhân vật Scarlett O'Hara trong Gone with the wind
Nữ diễn viên Vivien Leigh vào vai Scarlett O'Hara trong tác phẩm điện ảnh chuyển thể năm 1939.
Scarlett O'Hara là nhân vật hư cấu trong cuốn tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió xuất
bản năm 1936 của nhà văn Mĩ Margaret Mitchell. Cô là nhân vật linh động
nhất trong tác phẩm, người đã đứng vững bằng nghị lực và sức mạnh bản
thân chèo chống gia đình qua những cơn gió nhưng cũng lại là con người
ích kỉ và nhỏ nhen đến không ngờ. Chính bởi cá tính mạnh mẽ Scalett liên
tục thách thức những khuôn phép của người phụ nữ quý phái, trở thành
hình ảnh hoàn đối lập với cô em họ Melanie Hamilton.
Scalett dám yêu dám hận, luôn đấu tranh nội tâm giữa tình yêu dành
cho chàng trai cao thượng Ashley và những nét quyến rũ của con người cơ
hội, thạo đời, hay nhạo báng nhưng đầy mê hoặc Rhett Butler, sau này là
người chồng thứ ba của nàng. Trải qua những sóng gió lớn của cuộc đời,
sống sót sau chiến tranh, vượt qua nỗi đau mất con, không còn lại một
chỗ dựa tinh thần nào Scalett vẫn luôn kiên cường và tin rằng sau tất
cả, ngày mai cũng sẽ khác hơn.
Nhân vật Anna Karenina trong tác phẩm cùng tên
Nữ diễn viên Keira Knightley vào vai Anna Karenina trong tác phẩm điện ảnh chuyển thể năm 2005.
Anna Karenina là một tiểu thuyết của nhà văn Nga Lev Nikolayevich
Tolstoy, được đăng tải nhiều kỳ trên tờ báo Ruskii Vestnik từ năm 1873
đến năm 1877 trước khi xuất bản thành ấn phẩm hoàn chỉnh. Nhân vật chính
trong truyện được Tolstoy sáng tác dựa vào Maria Aleksandrovna Hartung,
người con gái lớn của đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin. Có thể
nói Anna là một hình ảnh phụ nữ mới, tiến bộ trong văn học cổ điển Nga,
đã cố gắng giải phóng cá tính con người, vùng vẫy thoát khỏi áp bức và
nhục nhã của phong kiến quý tộc. Phải kết hôn và sống với người mà mình
không yêu, Anna chỉ còn biết dồn mọi tình cảm cho đứa con trai.
Sự xuất hiện của Vronsky cùng với tình cảm nồng nhiệt của chàng đã
đánh thức những khát khao yêu đương trong Anna. Để có được hạnh phúc bên
Vronsky, cô đã phải đánh đổi rất nhiều. Anna phải rời xa đứa con trai
và chịu những lời chê trách gièm pha. Cô khẳng định mong muốn được sống
hết mình và được là chính mình bằng câu nói nổi tiếng “ Trên tất cả, tôi
không muốn mọi người nghĩ rằng tôi muốn chứng minh bất cứ điều gì. Tôi
không muốn chứng minh bất cứ điều gì cả. Tôi chỉ muốn sống…”
Nhân vật Becky Sharp (Rebecca) trong Vanity Fair
Nữ diễn viên Miriam Hopkins trong vai Becky Sharp trong tác phẩm điện ảnh cùng tên năm 1935.
Trong tiểu thuyết Vanity Fair (tạm dịch : Hội chợ phù hoa) của của
William Makepeace Thackeray xuất bản năm 1847-1848, Becky là nhân vật nữ
chính có tính cách láu cá và có khiếu hài hước.
Vốn xuất thân gia thế tầm thường, mẹ là vũ công, bố say sưa nghiện
ngập, không có vốn liếng và hồi môn, vừa ra trường Becky đã phải bắt đầu
cuộc sống tự lập bằng nghề gia sư cho một gia đình quý tộc vùng quê. Từ
hoàn cảnh đó cùng vẻ đẹp sẵn có với nước da trắng nõn, vóc dáng nhỏ
nhắn, mái tóc màu vàng hung, đôi mắt xanh to tròn quyến rũ Becky đã tận
dụng mọi cơ hội để kiếm chồng giàu với mong muốn đổi đời. Với khao khát
mãnh liệt về một cuộc sống giàu sang, Becky không quan tâm đến lương tâm
hay luân lí, cô làm mọi điều để đạt được mục đích.
Có thể Becky không xuất hiện như hình tượng của những nữ nhân vật
chính diện với phẩm hạnh tốt đẹp, thậm chí cô bị xã hội khinh bỉ, chồng
con xa lánh nhưng ở cô có một điểm sáng chính là tham vọng, sự thông
minh, nghị lực cũng như quyết tâm đạt được mục đích.
Theo Phan Hạnh
Dân trí