Sau Bà Nà Hills - đường lên tiên cảnh, Sa Pa với đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương là điểm đến tiếp theo của Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà. Dự án với điểm nhấn là hệ thống cáp treo 3 dây độc đáo, lần đầu tiên có tại châu Á.
Điểm
nhấn của dự án “Quần thể công trình du lịch văn hóa, dịch vụ cáp treo,
vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa pa” sẽ là hệ thống cáp treo 3
dây độc đáo, lần đầu tiên có tại châu Á.
Đầu tư khai thác tiềm năng hiếm có của Sa Pa
là một trong những định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế xã
hội mà UBND Tỉnh Lào Cai đã phê duyệt. Với định hướng ấy, Tỉnh đã nỗ lực
kêu gọi các nhà đầu tư cùng chung sức phát triển vùng đất này. Bắt
nguồn từ tình yêu Sa Pa huyền thoại và trách nhiệm của doanh nghiệp đối
với đất nước, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Cáp treo Fansipan - Sa Pa,
thành viên của Công ty CP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà đã bắt tay vào đánh
thức Sa Pa với dự án đầu tư xây dựng: “Quần thể công trình du lịch văn
hóa, dịch vụ cáp treo, vui chơi giải trí, khách sạn Fansipan Sa Pa”.
Ngược
dòng thời gian trở về với năm 2007, câu chuyện những người con dám nghĩ
dám làm đã bắt tay vào đánh thức Bà Nà Hills được kể như một câu chuyện
cổ tích. Bà Nà Hills là khu nghi mát có từ thời Pháp. Những dịch vụ du
lịch nghèo nàn tại đây tỷ lệ nghịch với cảnh đẹp thần tiên và tất cả
những gì mà thiên nhiên ưu đãi cho Bà Nà. Công ty CP dịch vụ Cáp treo Bà
Nà đã chọn một việc làm tưởng
chừng như không thể - đó là xây dựng tại đây tuyến Cáp treo, để hút
khách du lịch lên với đỉnh núi huyền thoại này.
Du khách chuẩn bị lên cáp treo để bắt đầu chuyến "du hành" khám phá vẻ đẹp Việt
Hơn một năm cho tuyến
Cáp treo số 1 và 2 lên đỉnh Bà Nà - 2 kỷ lục Thế giới được lập, Bà Nà
sống dậy, như nàng công chúa ngủ trong rừng được đánh thức. Người dân Đà
Nẵng nức lòng, Việt Nam
có thêm một địa chỉ du lịch đẳng cấp, đáng tự hào với bạn bè trong khu
vực. Khách đến với Bà Nà tăng theo cấp số nhân, từ khi có tuyến Cáp treo
đồng hành với du khách trên đường lên tiên cảnh. Để giải quyết tình
trạng quá tải tại Bà Nà, những con người giàu mơ ước lại tự phá kỷ lục
của chính mình với Cáp treo Thác Tóc tiên Indochine đạt 4 kỷ lục Thế
giới mới chỉ vẻn vẹn trong 420 ngày đêm.
Lại dầm
mình trong mưa lũ và chịu đựng sự khắc nghiệt của khí hậu, địa hình khó
khăn của Bà Nà, các kỹ sư, công nhân Việt Nam sát cánh cùng các chuyên
gia cao cấp của nhà sản xuất Cáp lừng danh trên Thế giới Doppelmayer, họ
có chung một mục đích - lập những kỷ lục thế giới mới tại nơi này. Nếu
như ở các quốc gia khác, người ta dùng trực thăng để làm cáp treo, thì ở
đây, tại Bà Nà, việc đưa hàng chục ngàn tấn sắt thép, nguyên vật liệu
lên với đỉnh núi cao này, chỉ bằng bàn tay con người.
Tinh thần vượt khó, ý chí bền bỉ của người Việt Nam
là đây, trên đỉnh cao mang dấu ấn vượt thời gian - đỉnh cao của sự đẳng
cấp và khác biệt. Tuyến Cáp treo tại Bà Nà đã góp phần làm nên một địa
chỉ du lịch nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam,
mà còn được khách du lịch trong khu vực và trên thế giới tìm đến ngày
một đông. Chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay, lượng khách du lịch đến với
Bà Nà đã là gần 1 triệu lượt, Bà Nà góp phần tăng lượng du khách đến Đà
Nẵng trên 30% /năm.
Sau hành trình đánh
thức Bà Nà Hills - đường lên tiên cảnh, Sa Pa với đỉnh Fansipan - nóc
nhà Đông Dương - là điểm đến tiếp theo của Công ty CP Dịch vụ Cáp treo
Bà Nà. Dự án lớn này được mở ra, nhằm mục tiêu là hình thành một quần
thể du lịch cao cấp bên cạnh thành phố cổ Sa Pa, khai thác tối đa những
tiềm năng du lịch quý báu của Lào Cai và Sa Pa.
Điểm nhấn của dự án
này sẽ là hệ thống cáp treo 3 dây độc đáo, lần đầu tiên có tại châu Á.
Và đây cũng sẽ là hệ thống cáp treo 3 dây dài nhất, cao nhất, phức tạp
nhất thế giới. Cáp treo 3 dây Fansipan sẽ là cáp treo duy nhất trên thế
giới không cần đến hệ thống cứu hộ thông thường, bởi vì trong bất cứ
hoàn cảnh bất trắc nào, trong bất kỳ khí hậu, thời tiết khắc nghiệt đến thế nào, sức gió tại đỉnh núi có mạnh đến đâu, thì hệ thống cáp treo 3 dây này cũng sẽ đưa du khách xuống chân núi an toàn.
Ngắm nhìn từ trên cao
Khi hệ thống cáp treo
3 dây đặc biệt được xây dựng xong tại đây, hành trình 2 ngày đêm vất
vả, mạo hiểm chinh phục Fansipan của du khách sẽ được rút xuống còn có
15 phút, với vận tốc 8m/s. Đây cũng sẽ là hệ thống cáp treo vận hành
liên tục với độ dài toàn tuyến khoảng 7 km, độ chênh tuyệt đối của ga đi
và ga đến là 1404m. Công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách/giờ
với những cabin như một chiếc xe buýt nhỏ, có sức chứa tới 35 khách.
Song song với hệ thống
cáp treo 3 dây tại Fansipan, sẽ là khu nghỉ dưỡng cao cấp gồm hệ thống
khách sạn 4-5 sao, khu vui chơi giải trí, ẩm thực, một down town mới,
mang những nét kiến trúc của Sa Pa cổ
và sân goft 18 lỗ, phục vụ nhu cầu giải trí cao cấp cho Lào Cai và Sa
Pa, nhất là khi khánh thành tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, rút ngắn
thời gian cho hành trình này xuống chỉ còn hơn 3 giờ đồng hồ.
Đặc biệt, một khu du
lịch tâm linh sẽ được xây dựng tại đây, trên nóc nhà Đông Dương, trên
thế đứng uy nghi của Tổ Quốc. Mỗi người con đất Việt hẳn sẽ ước mong có
một lần được đến với đỉnh thiêng này, cầu những điều an lành cho Tổ
quốc, gia đình và người thân.
Hiện nay, Lào Cai vẫn
đang là một trong những tỉnh nghèo so với mặt bằng chung của đất nước.
Hơn thế nữa, thiên tai, lũ quét, mưa đá thường xuyên xảy ra khiến cuộc
sống của đồng bào càng khó khăn. Trong những chuyến khảo sát cho
dự án lớn này tại Lào Cai, Cty TNHH Dịch vụ Du lịch Cáp treo Fansipan
Sa Pa đã kịp thời chia sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh tại Lào Cai.
Nhưng tất cả những sự trợ giúp ấy chỉ là tạm thời. Người dân Lào Cai,
Sapa cần được tạo những công việc cụ thể, lâu dài để có thể phát triển
bền vững cuộc sống của gia đình họ. Chính vì vậy, việc xây dựng thành
công dự án này không chỉ mang ý
nghĩa lớn lao, là góp phần làm thay đổi bộ mặt của một tỉnh biên giới
giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng tầm, mà còn mang ý nghĩa
nhân văn sâu sắc, khi sẽ tạo công ăn việc làm lâu dài cho mỗi hộ gia
đình nơi đây.
Dự án sẽ góp phần làm thay đổi bộ mặt của một tỉnh biên giới giàu tiềm năng
Chắc chắn, khi dự án thành công, lượng khách du lịch lên với Sa Pa
sẽ tăng mạnh. Dự kiến, đến năm 2017, mỗi năm Lào Cai sẽ đón khoảng 2
triệu lượt khách du lịch/năm. Và đến năm 2020, Lào Cai sẽ đón đến 3
triệu lượt khách/năm. Nguồn lợi đem lại từ du lịch sẽ là không nhỏ, cuộc
sống người dân địa phương sẽ thay đổi, bởi dự án chắc chắn sẽ đem lại
nhiều công ăn việc làm mới cho người dân, khi họ tham gia vào làm du
lịch với một tư duy mới: Bảo vệ, gìn giữ tối đa những vốn quý mà thiên
nhiên và lịch sử đã ban tặng cho vùng đất này, thu hút khách đến đây
bằng du lịch xanh, thân thiện, bền vững với nhưng dịch vụ hoàn hảo.
Chủ đầu tư cam kết sẽ
nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, đưa công trình vào hoạt động
đúng thời hạn, với mốc thời gian là dịp kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh
nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 02/09/2015. Xin hãy cùng chào
đón những kỷ lục thế giới mới sẽ được lập tại vùng đất này, trên nóc nhà Đông Dương lộng gió.
Theo Minh Nguyên
Dân trí