Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 đã được Quốc hội thông qua là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập và hợp tác quốc tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2015 như phấn đấu tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,2%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30-32% GDP; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.
Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nỗ lực phấn đấu để thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực trong năm 2015; thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách, pháp luật phục vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra; trong đó tập trung chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để chủ động kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ phát triển thị trường tài chính, chứng khoán để tăng khả năng huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp gắn với việc kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động thực hiện các giải pháp quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, tiếp tục khắc phục tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội khi các điều kiện thị trường thuận lợi.
Đồng thời, phối hợp với các bộ, cơ quan có các biện pháp phù hợp để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương điều hành, quản lý chi ngân sách Nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao. Không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách Nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm. Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, hạn chế tối đa xử lý bổ sung ngoài dự toán.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công. Cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài từ ngân sách Nhà nước; định kỳ hằng quý, báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Không mua xe công, trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật, xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe để điều chuyển, xe ô tô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác và xe cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đến hạn thay thế theo quy định. Không ứng trước dự toán ngân sách Nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt (thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh, nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách...), trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2015 để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quy trình, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển. Bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA.
Các bộ, cơ quan và địa phương cắt giảm tối đa các khoản kinh phí hội nghị, hội thảo, các hoạt động phô trương, lãng phí không cần thiết. Tổ chức hội nghị, hội thảo trực tuyến, trừ các cuộc họp đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Tổ chức Đại hội Đảng các cấp, các ngày lễ lớn bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Không đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, chế độ mới hoặc tăng định mức chi dẫn đến tăng chi ngân sách nhà nước; Chính phủ không xem xét, xử lý các đề xuất này.
Tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường công tác quản lý điều hành, theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là các dịp lễ, Tết.
Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan, địa phương thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác theo quy định của pháp luật về giá. Điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ công (bao gồm cả học phí, viện phí) theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2015.
Bên cạnh đó, chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả. Giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước.
Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu
Bộ Công Thương chủ trì thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Mở rộng thị trường, khai thác tốt những thị trường hiện có và những thị trường tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao; tập trung quyết liệt tháo gỡ rào cản về thị trường; chủ động, tích cực tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thỏa thuận thương mại khác theo hướng thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại nông, lâm, thủy sản của Việt Nam; bảo hộ hợp lý các ngành hàng còn khó khăn.
Các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện các biện pháp khuyến khích phát triển sản xuất, nâng cao tỷ trọng sản xuất hàng xuất khẩu từ nguyên liệu trong nước, giảm dần tỷ trọng hàng gia công lắp ráp, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô. Xây dựng và bảo vệ thương hiệu mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành, lĩnh vực và địa phương. Tăng cường quản lý chất lượng hàng xuất khẩu, nhất là trong các khâu nuôi trồng, sản xuất, thu hoạch, chế biến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu chủ lực để bảo vệ và phát triển thị trường xuất khẩu.
Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, áp dụng đổi mới công nghệ, đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển tốt.
Đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3% gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu; tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong đó thực hiện việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước
Các bộ, cơ quan và địa phương tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế và các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển bền vững; khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý II năm 2015.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tập trung vào cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014-2015 đúng thời hạn đặt ra. Tiếp tục rà soát, phân loại, bổ sung phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước cho giai đoạn sau năm 2015
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo hướng: Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, quản trị rủi ro, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ đi đôi với tiếp tục hiện đại hóa công nghệ ngân hàng; ban hành các chuẩn mực về hoạt động ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời triển khai các bước tiến tới áp dụng Basel II.
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, chế biến và dịch vụ nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới hướng tới các mục tiêu đã đề ra; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng và tỷ trọng giá trị nội địa cao. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, sản xuất vật tư và máy móc phục vụ nông nghiệp, vật liệu mới, khai thác chế biến dầu khí, năng lượng tái tạo, môi trường...
Tái cơ cấu thị trường chứng khoán theo định hướng đã đề ra, phát triển bền vững thị trường chứng khoán nhằm thu hút có hiệu quả vốn đầu tư trong và ngoài nước, hỗ trợ công tác cổ phần hóa và xử lý nợ xấu.
Đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập
Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng cường phân cấp và tăng tính tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính trên cơ sở có tính đến đặc điểm từng loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý. Thực hiện theo lộ trình việc xóa bao cấp qua tính đúng, tính đủ chi phí giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.
Đẩy mạnh xã hội hóa cung cấp dịch vụ công; công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá đối với các dịch vụ công thiết yếu, bao gồm dịch vụ y tế, giáo dục mà Nhà nước đang kiểm soát giá; kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình phù hợp. Chuyển đổi cơ chế cấp phát kinh phí sang hình thức đặt hàng trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế-kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn của từng loại hình dịch vụ. Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng nghèo. Bảo đảm công bằng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.
Các bộ, cơ quan, địa phương trong năm 2015, căn cứ phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền được giao, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý; định mức kinh tế-kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời xây dựng lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hoặc đấu thầu theo quy định.
Cải thiện rõ nét việc giảm quá tải bệnh viện
Chính phủ cũng nhấn mạnh đến các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và tăng cường y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh; duy trì tỷ lệ tiêm chủng, xây dựng và triển khai các hoạt động phòng chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, các dự án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới phục vụ công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, cải thiện rõ nét việc giảm quá tải bệnh viện.
Triển khai hiệu quả Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), chiến lược phát triển ngành dược, phát triển hệ thống bệnh viện y học cổ truyền. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu, sử dụng thiết bị y tế; có giải pháp chấm dứt việc sử dụng thiết bị y tế không bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn trong các cơ sở y tế; xử lý nghiêm tình trạng gian lận trong nhập khẩu trang thiết bị y tế.
Hoàng Diên