Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đến thời điểm này đã có thể tóm lược lại những thay đổi lớn, là những bước ngoặt quyết định cho việc đưa thị trường vàng miếng đi vào hoạt động quy củ, hỗ trợ việc thực thi các chính sách tiền tệ và ổn định thị trường.
Hỗ trợ ổn định vĩ mô
Xét về góc độ quản lý, NHNN đã thiết lập một mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng mới, có quản lý. NHNN độc quyền thực hiện nhập khẩu vàng nguyên liệu trên thị trường quốc tế và tổ chức sản xuất vàng miếng nhằm kiểm soát chặt chẽ cung, cầu vàng miếng trên thị trường.
Lần đầu tiên vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước đối với thị trường vàng được triển khai, trong đó NHNN là người mua, bán vàng miếng cuối cùng; kiên quyết yêu cầu các TCTD chấm dứt và chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng.
Việc kiểm soát được giá vàng và thị trường vàng là một kết quả quan trọng của NHNN để ổn định hệ thống tài chính, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này cũng đã góp phần loại bỏ lạm phát tâm lý, có tác động tích cực đối với chính sách kìm giữ lạm phát và ổn định tiền tệ của NHNN. Đồng thời, nguồn lực được tập trung cho phát triển kinh tế.
Từ đầu năm 2012, khối lượng ngoại tệ NHNN sử dụng để nhập khẩu vàng cũng được điều tiết nhỏ hơn nhiều lần lượng ngoại tệ nền kinh tế phải bỏ ra để nhập khẩu trong những năm trước đây và chiếm tỷ trọng nhỏ so với lượng ngoại tệ NHNN đã mua vào tăng dự trữ trong thời gian qua. Quy mô quỹ dự trữ ngoại hối không ngừng tăng trưởng. So với thời điểm bắt đầu áp dụng Nghị định 24, năm 2012, dự trữ ngoại hối Nhà nước đã tăng lên nhiều lần.
Hạn chế rủi rocho hoạt động NH
Mặc dù chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao so với giai đoạn trước khi ban hành Nghị định 24/2012/NĐ-CP, nhưng thị trường vàng miếng đã ổn định, hoạt động đầu cơ bị ngăn chặn, không còn cảnh người dân đổ xô đi mua vàng. Giá vàng biến động phù hợp với cung cầu thị trường, không chịu ảnh hưởng bởi yếu tố đầu cơ.
Hiện tượng “vàng hóa” được kiềm chế và đẩy lùi. Việc sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán về cơ bản đã chấm dứt. Việc mua vàng của người dân dần chuyển sang các sản phẩm vàng trang sức, sử dụng để trao tặng nhân dịp lễ cưới hỏi, sinh nhật, ngày trọng đại…
Một vấn đề nữa, rủi ro chính trong hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng chính là rủi ro về giá. Khi giá vàng tăng, thanh khoản sẽ gặp khó khăn, người vay khó trả nợ NH, trong khi NH vẫn phải thanh toán cho người gửi vàng. Bên cạnh đó, một số TCTD có hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng lại thực hiện kinh doanh vàng trên tài khoản, kinh doanh vàng miếng đã gặp hệ quả là dòng tiền khó kiểm soát và rủi ro tăng cao mỗi khi giá vàng biến động. Nợ xấu từ hoạt động cho vay vốn bằng vàng tăng cao, đặc biệt những TCTD cho vay vàng đối với khách hàng, DN BĐS.
Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP, tình hình trên đã cải thiện. Thứ nhất, về mặt kỹ thuật vàng đã được loại bỏ ra khỏi bảng cân đối của các TCTD. Thứ hai, các rủi ro liên quan đến vàng như rủi ro thanh khoản, rủi ro nợ xấu đã được hạn chế. Thứ ba, hiệu ứng từ chính sách quản lý vàng đã góp phần đảm bảo sự an toàn trong quá trình hoạt động của hệ thống NHTM, cũng như sự ổn định của thị trường tài chính.
Sự ổn định của thị trường vàng góp phần trực tiếp ổn định thị trường tiền tệ, đã tác động ngược trở lại đối với quá trình điều hành, thực thi các chính sách tiền tệ của NHNN. Chính sách tiền tệ đặc biệt là chính sách tỷ giá, lãi suất của NHNN đã được thực thi đúng định hướng và hiệu quả hơn nhiều so với trước đây.
Cung cầu ngoại tệ chủ yếu đáp ứng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, quan hệ cung cầu luôn hợp lý, không có tình trạng “sốt” ngoại tệ như các năm trước đây. Sự ổn định của thị trường vàng, thị trường ngoại hối tạo điều kiện thuận lợi cho giải pháp chống đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế của NHNN đạt mục tiêu trong thời gian tới