Cụm từ "ngay và luôn" đang được áp dụng khá phổ biến trong cách nói của giới trẻ. Nhưng nếu nhìn vào các hoạt động điều hành của Chính phủ và một số bộ, đáng mừng là đang có những cách chỉ đạo, thực hiện có tinh thần "ngay và luôn" và nó đang dẫn đến những thay đổi nhất định.
Thủ tục thuế đã có nhiều cải tiến trong thời gian qua. Ảnh: diendandoanhnghiep.vn |
Ví dụ như về cải cách thủ tục hành chính nêu trong nghị quyết số 19/NQ-CP ban hành tháng 4.2014, yêu cầu một số bộ, ngành giải quyết nhanh, rút ngắn các thủ tục về thuế, hải quan, xây dựng, điện...Thì với ngành tài chính, chỉ trong khoảng 2 tháng tập trung cải cách các thủ tục về thuế: từ tháng 7 đến tháng 9.2014, ngành này đã giảm được gần 200 giờ thủ tục nộp thuế, từ trên 900 giờ-mức được cao nhất thế giới, còn hơn 700 giờ.
Nói về điều này, tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu do Ủy ban kinh tế của Quốc hội tuần trước, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Thương mại đã nói rằng: "Chỉ mất 2 tháng để giảm số giờ làm thủ tục như thế nó chứng tỏ có một sự vô trách nhiệm kéo dài quá lâu và có những người đã kiếm tiền trên sự vô trách nhiệm đó".
Dù cải cách đó, chưa đụng tới những "hòn đá tảng" trong thủ tục thuế, hải quan... và để đưa thời gian làm thủ tục thuế, hải quan đạt mức trung bình của ASEAN 6 còn 171 giờ/năm vào năm 2015 không đơn giản, nhưng ngay lập tức nó đã đem lại những hiệu quả đáng mừng.
Tại một số hội nghị, đối thoại, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những cải cách này và cho biết đã "dễ thở" hơn với việc nộp thuế.
Hay việc ngành điện đã cắt thủ tục, giảm 42 ngày làm thủ tục tiếp cận điện, nay còn 18 ngày cũng là những việc rất cụ thể, sau nhiều năm trì trệ.
Mới nhất, trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương ngày 2.10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi nghe lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN báo cáo năng suất lao động quá thấp (bằng 1/10 Sinagpore và bằng một nửa Thái Lan, Malaysia), trong khi số biên chế quá cao cho riêng khâu ghi, thu tiền điện (67.000 người), đã lập tức chỉ đạo EVN phải đầu tư phương tiện để giảm biên chế, sớm đạt năng suất lao động bằng các nước như Malaysia chứ không chờ đến năm 2020.
Hay ở ngành giao thông vận tải, quan sát những chỉ đạo, điều hành gần đây của lãnh đạo bộ này cho thấy, những yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm cũng đạt được những hiệu quả nhất định. Chính phủ cũng đã đánh giá ngành giao thông vận tải, việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp đạt tốc độ, hiệu quả cao nhất khi từ đầu năm đến nay đã hoàn thành IPO (bán cổ phiếu lần đầu) 9 tổng công ty nhà nước lớn và nhiều doanh nghiệp khác.
Những dấu hiệu cải cách, thay đổi cách thức quản trị công như vậy rất đáng chú ý trong tình hình nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn rất trì trệ hiện nay. Đặc biệt là các chương trình tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngân hàng...mà tại các phiên họp, chất vấn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang bị phê là chậm trễ và chưa rõ người nhận trách nhiệm.
Ở không ít bộ, ngành, doanh nghiệp nhà nước người ta vẫn hay dùng câu nói khác để bao biện cho sự kém cỏi, chậm trễ: giải quyết cái này cần có lộ trình, giải quyết cái kia cần có thời gian. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã kêu lên rằng: Chính phủ, các bộ, các ngành... cần phải biết "sốt ruột" với thởi gian. Bởi theo ông, tất cả những sự chậm trễ, đòi hỏi có "lộ trình" giải quyết vấn đề chính là sự đùn đẩy, không dám đương đầu với khó khăn, đẩy cái khó cho người khác, cho nhiệm kỳ khác...
Một sự quyết liệt, mạnh mẽ trong chỉ đạo và việc chấp hành các chỉ đạo đó với tinh thần "ngay và luôn" như những việc giảm thủ tục ở ngành tài chính, ngành điện, ngành giao thông vận tải hy vọng sẽ đem lại những chuyển biến không ngờ.
Trung Ngôn