Những nghiên cứu xã hội mới được tiến hành tại Anh và Mỹ đã cho thấy một nét tâm lý chung của người dân ở hai đất nước này. Đó là họ đều nói dối về những tác phẩm văn học kinh điển từng đọc để cố tỏ ra uyên bác.
Tính trung bình, mỗi người Mỹ dành ra khoảng 5 tiếng đồng hồ để đọc sách mỗi tuần. Với tốc độ đọc trung bình của một người bình thường, khoảng thời gian đó là không đủ để họ có thể đọc được hết các tác phẩm văn học kinh điển. Tuy vậy, điều đặc biệt là khi tiến hành điều tra, hầu như tác phẩm kinh điển nào người Mỹ cũng đã từng đọc qua.
Tuy vậy, khi điều tra kỹ hơn, người ta phát hiện ra rằng nhiều người Mỹ đã nói dối về những tác phẩm mà họ từng đọc. Những lời nói dối vô hại này dường như khiến họ trở nên trí tuệ, học thức và uyên bác hơn.
Mới đây, tờ Guardian của Anh cũng thực hiện một điều tra tương tự đối với 2.000 người dân Anh. Kết quả cho thấy đa số họ đều giả vờ đã từng đọc những tác phẩm nổi tiếng mà thực tế họ chưa từng đọc.
Đứng đầu danh sách này là cuốn “Nineteen Eighty-Four” (1984) của tác giả Geore Orwell.
Đứng thứ hai là cuốn “War and Peace” (Chiến tranh và hòa bình) của Leo Tolstoy.
Cuốn “Great Expectations” (Những kỳ vọng lớn lao) của Charles Dickens đứng thứ ba.
"The Catcher in the Rye" (Bắt trẻ đồng xanh) của JD Salinger đứng thứ tư.
Vị trí thứ 5 thuộc về "A Passage to India" (Chuyến du hành đến Ấn Độ) của tác giả EM Forster.
"Lord of the Rings" (Chúa tể những chiếc nhẫn) của JRR Tolkien cũng nằm trong danh sách.
Người Anh cũng thường nói dối rằng đã đọc "To Kill A Mockingbird" (Giết con chim nhại) của Harper Lee.
"Crime and Punishment" (Tội ác và trừng phạt) của Fyodor Dostoevsky đứng ở vị trí thứ 8.
"Pride and Prejudice" (Kiêu hãnh và định kiến) của Jane Austen giữ vị trí thứ 9.
Cuối cùng là tác phẩm "Jane Eyre" của nữ nhà văn Charlotte Bronte.
Một lý giải cho những lời nói dối kiểu này là nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng đã được chuyển thể lên màn ảnh, vì vậy, những người từng xem phim tự cho rằng như vậy là họ đã biết hết nội dung chính của tác phẩm. Do đó, họ điềm nhiên cho rằng mình đã “thuộc làu làu” tác phẩm.
Bích Ngọc