(DĐDN) - Chỉ số CPI tháng 08 vừa được công bố cuối tuần qua với mức tăng 0,22% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng đầu năm 2014, CPI cả nước chỉ tăng 1,83%, trong khi lạm phát theo năm chỉ là 4,31%.
Ảnh minh họa.
Đáng chú ý, nhóm hàng lương thực đảo chiều tăng trở lại trong tháng 8/2014 với mức tăng khá mạnh (+0,45%) sau khi giảm 3 tháng liên tiếp trước đó. Giá lương thực tăng chủ yếu do giá gạo, theo thống kê của Agrimonitor, việc xuất khẩu một lượng lớn gạo qua đường tiểu ngạch đã khiến cho nguồn cung trong nước bị co hẹp, vì thế mà không đủ đáp ứng đối với nhu cầu xuất khẩu các đơn hàng lớn mới đây tại Malaysia và Philippine, đẩy giá gạo tăng cao.
Ngoài ra, tháng qua là thời điểm điều chỉnh mức viện phí và học phí song mức tăng của nhóm thuốc, dịch vụ y tế và giáo dục chỉ khoảng 0,22%, thấp hơn nhiều so với các lần trước. Điều này cho thấy tác động từ việc điều chỉnh các hàng hóa công lên lạm phát đã dần dịu bớt và không còn ảnh hưởng đáng kể.
Theo chuyên viên ngành RongViet Research, từ nay đến cuối năm, yếu tố gây áp lực lên lạm phát chỉ còn yếu tố mùa vụ, hai đợt giảm giá xăng gần nhất là yếu tố đối trọng do đó, có thể kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Ngày 25/8, Vietcombank vừa ra thông báo giảm lãi suất huy động thêm 0,2%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Việc điều chỉnh hạ lãi suất nếu đúng như kỳ vọng sẽ là nhân tố tích cực đối với thị trường chứng khoán và gia tăng thêm sự hưng phấn cho dòng tiền, đặc biệt là trong những phiên giao dịch gần đây.
Đối với phiên giao dịch đầu tuần, có thể nói thị trường hội tụ đầy đủ các yếu tố tích cực: thanh khoản cao, các cổ phiếu tăng điểm đồng đều và khối ngoại tăng mạnh mua ròng. Kết quả là VNIndex chính thức vượt đỉnh cao nhất kể từ năm 2009 đến nay, RongViet Research cho rằng với sức mạnh của dòng tiền, thị trường sẽ có thể tăng điểm thêm 1-2 phiên nữa trước khi kiểm định lại vùng kháng cự 630 điểm.
Theo DĐDN