Bộ trưởng Bùi Quang Vinh (giữa), chủ trì hội thảo, đang trao đổi với doanh nghiệp FDI- Ảnh: Hùng Lê
Thông tin nghe như có vẻ nghịch lý này được chính Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (MPI) Bùi Quang Vinh nêu ra tại Diễn đàn đối thoại giữa các bộ ngành trung ương và địa phương với cộng đồng doanh nghiệp FDI diễn ra tại TPHCM vào ngày 24-3.
Đối với việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, theo ông Vinh, quan điểm của MPI là sẽ đơn giản thủ tục thành lập doanh nghiệp mới cho nhà đầu tư, làm sao chỉ cần mức tối thiểu để cơ quan nhà nước quản lý được doanh nghiệp này. Các thủ tục không cần thiết còn lại thì nên bỏ. Chính vì vậy, Luật Đầu tư sửa đổi hướng tới sẽ đề nghị bỏ giấy phép chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên qua ba lần tổ chức hội thảo ở khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam để lấy ý kiến doanh nghiệp FDI về việc bãi bỏ giấy phép đầu tư nói trên, ông Vinh cho biết có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Có rất nhiều doanh nghiệp đồng tình nhưng cũng có nhiều ý kiến từ chính của các doanh nghiệp FDI lại muốn duy trì giấy phép này.
Phần lớn doanh nghiệp FDI muốn giữ lại thủ tục cấp giấy chứng nhận theo ông Vinh vì doanh nghiệp muốn được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước ghi trong giấy chứng nhận đầu tư. Mặt khác, có giấy chứng nhận này, nhiều nhà đầu tư sẽ có căn cứ để đi thuê đất hoặc đi vay vốn ngân hàng,…
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Vinh, quan điểm của MPI là sẽ loại bỏ giấy chứng nhận đầu tư, trừ 4 lĩnh vực mà hiện nay bộ này đang nghiên cứu giữ lại gồm những ngành nghề kinh doanh có điều kiện như ngành ngân hàng; những lĩnh vực cần sử dụng diện tích đất đai lớn, hoặc ngành sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và doanh nghiệp cần có giấy chứng nhận đầu tư để được ưu đãi đầu tư.
"Tuy vậy, về lâu dài, những trường hợp này có thể được quy định hoặc ràng buộc ở những luật chuyên ngành có liên quan, không nhất thiết cần phải có giấy chứng nhận đầu tư", ông Vinh nói.
Điều này đồng nghĩa sắp tới đây phần lớn nhà đầu tư FDI có thể chỉ cần đăng ký để thành lập doanh nghiệp giống như nhà đầu tư trong nước. Đây được xem là một trong những thay đổi lớn trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Nếu đề xuất này được thông qua thì quy định nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam phải thực hiện thủ tục riêng để có giấy chứng nhận đầu tư, đồng thời giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ được bãi bỏ.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp FDI và các đơn vị cấp phép đầu tư ở các địa phương cũng than phiền thủ tục thành lập doanh nghiệp mới rườm rà và mất rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo địa phương thu hút được nhiều doanh nghiệp FDI nhất cả nước, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết thành phố gặp rất nhiều khó khăn trong khâu cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư.
Dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng theo ông Hà việc thành phố trễ hẹn xử lý hồ sơ của nhà đầu tư còn rất nhiều. Cá biệt có những trường hợp thành phố trễ hẹn kéo dài đến 222 ngày mà nguyên nhân là do vướng trong khâu cấp phép đầu tư như phải chờ hỏi ý kiến các bộ ngành trước khi cấp phép hoặc do các luật không thống nhất nhau nên phải xem xét lại.... Theo quy định, thời gian trả lời của các bộ ngành chỉ trong vòng 15 ngày làm việc trong khi theo ông Hà thực tế phần lớn các ý kiến trả lời của bộ ngành là trên 1 tháng, không ít trường hợp trên 2 tháng.
Tại hội thảo với sự tham gia của khoảng 200 doanh nghiệp và đại diện các bộ ngành trung ương và các địa phương, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng than phiền về môi trường đầu tư và các khó khăn khi làm ăn kinh doanh ở Việt Nam. Đó là thiếu lao động kỹ thuật, thủ tục hải quan và thuế phức tạp ... Việc hạn chế sử dụng lao động ngoài giờ, tăng lương tối thiểu cho người lao động, tăng phí công đoàn...làm doanh nghiệp khó khăn.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh chủ trì cuộc họp cho biết Chính phủ cam kết sẽ cải thiện môi trường đầu tư và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư kinh doanh và sẽ không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời các bộ ngành cũng ghi nhận những khó khăn của doanh nghiệp để báo cáo chính phủ nhằm tháo gỡ cho nhà đầu tư.
Theo Luật Đầu tư hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế; Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, việc thực hiện quy định nêu trên gặp nhiều vướng mắc mà trước hết là vướng mắc trong cách hiểu thế nào là “lần đầu đầu tư vào Việt Nam”. Quy định về Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại dẫn đến rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư bởi đây là hai loại giấy tờ khác nhau về bản chất pháp lý. Thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam cũng không được thực hiện thống nhất giữa các địa phương, còn tồn tại quan điểm khác nhau về sự cần thiết phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với trường hợp này cũng như điều kiện, thủ tục xem xét điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam. |
Hùng Lê