Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành thủy sản, đặc biệt là với nghề đánh bắt thủy sản xa bờ bắt đầu chính thức có hiệu lực vào ngày 25/8. Theo đó, ngư dân sẽ được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu ái chưa từng thấy: từ 4-6%/năm và kéo dài trong suốt 11 năm. Tuy nhiên, triển khai Nghị định này trong thực tế, theo giới phân tích là không hề dễ dàng.
1 Nghị định chờ 10 văn bản
Theo các số liệu công bố của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước sẽ dành tới 14.000 tỉ đồng cho vay theo chương trình này. Trong đó, Agribank đăng ký 5.000 tỉ đồng, BIDV 3.000 tỉ đồng, VietinBank dành 3.000 tỉ đồng, MHB dự kiến 2.000 tỉ đồng và 1.000 tỉ đồng đến từ Vietcombank.
Số tiền là rất lớn, tuy nhiên theo các chuyên gia, các DN, chủ tàu có nhu cầu đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ - đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này sẽ phải mất một thời gian khá dài và phải mất rất nhiều thủ tục mới có tiếp cận được ngay với nguồn vốn trên đây.
Cụ thể, tại Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản vừa diễn ra mới đây tại Nha Trang, các cơ quan chức năng cho biết, đã có đến 10 văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định gồm các Quyết định, Thông tư của Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính và NHNN đã được ban hành hoặc đang ở dạng dự thảo lần cuối, sẽ được tiếp tục góp ý tại Hội nghị để các bộ, ngành ban hành cùng thời gian có hiệu lực của Nghị định 67. Theo đó, NHNN đã hoàn thành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng. Bộ Tài chính đang dự thảo các Thông tư về: Chính sách hỗ trợ đầu tư, ưu đãi thuế và một số chính sách khác, cấp bù lãi suất, thực hiện chính sách bảo hiểm; hướng dẫn một số vấn đề với các DN bảo hiểm tham gia Nghị định 67.
Nên phù hợp thực tế
Bên cạnh việc hỗ trợ tài chính cho ngư dân đóng tàu, Nhà nước cần có một chiến lược thực sự bài bản, một kế hoạch dài hơi cho ngành thủy sản nói chung và đánh bắt xa bờ nói riêng. |
Cùng chung nỗi băn khoăn này, ông Trần Công Vinh – TGĐ Cty CP ứng phó sự cố tràn dầu và dịch vụ hàng hải Bảo Duy thì cho rằng: “Theo tôi, với chính sách này, nhà nước nền triển khai từng giai đoạn. Ví dụ như năm 2014 cho đóng 200 tàu rồi đưa vào hoạt động trong 1 năm rồi căn cứ vào tình hình hoạt động để đánh giá, rút kinh nghiệm mới cho triển khai đợt tiếp theo”.
Còn ông Trần Văn Lĩnh – Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng cho rằng bên cạnh việc hỗ trợ tài chính cho ngư dân đóng tàu, Nhà nước cần có một chiến lược thực sự bài bản, một kế hoạch dài hơi cho ngành thủy sản nói chung và đánh bắt xa bờ nói riêng. Theo đó, cần phải trả lời được câu hỏi phát triển đội tàu lớn nhưng lớn bao nhiêu? Đánh bắt ở đâu?... Song song với đó, Nhà nước cần tăng mức đầu tư ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, đặc biệt là xây dựng hạ tầng nghề cá, đào tạo nghề, xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, dịch vụ hậu cần trên biển đảo, hỗ trợ ngư dân về lãi suất để khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển khai thác thủy sản xa bờ... “Có như vậy mới đảm bảo việc phát triển bền vững ngành này và tránh được vết xe đổ như chúng ta đã mắc phải trong Chương trình đánh bắt hải sản xa bờ năm 1997”, ông Lĩnh nhấn mạnh.
N.Phước