Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan đã thông qua "Chiến lược Tokyo mới 2015" tại Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 7, với nguồn vốn ODA được cam kết lên đến 750 tỷ Yen (tương đương với 7,5 tỷ USD).
"Chiến lược Tokyo mới 2015" được Nhật Bản coi là thông điệp khích lệ đối với sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay. Với nguồn vốn ODA của Nhật Bản, trong 8 năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một số cơ sở hạ tầng quy mô lớn như cảng Cái Mép - Thị Vải, nhà ga hành khách số 2 sân bay Nội Bài và cầu Nhật Tân.
Nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào 5 nước Mekong trong 3 năm qua đã tương đương với nguồn vốn Nhật Bản đầu tư vào Trung Quốc khoảng 6,5 tỷ USD. Với "Chiến lược Tokyo mới 2015", Nhật Bản mong muốn cung cấp nhiều hơn nữa các kinh nghiệm và công nghệ ưu việt cho 5 nước Mekong. Ngoài ra, Thủ tướng Nhật Bản cũng nhắc lại cam kết đã nêu tại Hội nghị Tương lai châu Á là sẽ cam kết ODA 110 tỷ USD cho phát triển hạ tầng châu Á và Nhật Bản cũng mong muốn dành ưu tiên cho phát triển tiểu vùng Mekong.
Việc nghiên cứu khả năng Việt Nam tham gia vào kế hoạch tín dụng 110 tỷ USD do Thủ tướng Shinzo Abe công bố tháng 5 vừa qua nhằm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao tại châu Á đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe nhất trí trong cuộc hội đàm ngày 4/7.
Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đã nhất trí với hầu hết những đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ tăng cam kết vốn ODA, tới khẳng định lại quyết tâm triển khai hiệu quả các dự án quy mô lớn như Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam cũng như nghiên cứu đầu tư trước một đoạn trong tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ xem xét nghiêm túc đề nghị về việc duy trì và tăng quy mô hỗ trợ các chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu và chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe đã nhất trí và chính thức tuyên bố cơ bản kết thúc đàm phán song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, đây là sự kiện vô cùng quan trọng vì Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai trong 12 nước tham gia TPP với chính sách bảo hộ rất khắt khe. Việc này có được là nhờ hai nước đã có những Hiệp định về thương mại và đầu tư. Ngoài ra, còn do hai nước có mối quan hệ rất tốt đẹp trong lĩnh vực kinh tế, nên trong khá nhiều vấn đề hai bên có tiếng nói chung.
Trong hai ngày ở thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp gần 20 lãnh đạo các doanh nghiệp lớn và đặc biệt là có cuộc đối thoại với Chủ tịch và Tổng Giám đốc của 15 tập đoàn lớn nhất của Nhật Bản. Trong hơn 2 giờ đồng hồ, Thủ tướng đã trả lời 34 câu hỏi và vấn đề được đặt ra trên rất nhiều lĩnh vực từ đầu tư hạ tầng lớn về đường bộ, đường sắt hàng không, chế tạo máy bay, xây dựng đường cao tốc, dự án hạ tầng đô thị lớn như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao và xây dựng các khu đô thị thông minh. Đây đều là những lĩnh vực mà Việt Nam đang mong muốn Nhật Bản đầu tư.
Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, một vấn đề mà các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao Mekong - Nhật Bản bày tỏ và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Shinzo Abe chia sẻ đó là tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Trong "Tuyên bố Chiến lược Tokyo 2015" về hợp tác Mekong - Nhật Bản, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ hơn để đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực.
Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định, hòa bình và ổn định ở khu vực Mekong, điểm chiến lược đối với giao thông đường bộ và đường thủy là cực kỳ quan trọng đối với Nhật Bản. Do vậy, hai Thủ tướng đã chia sẻ quan ngại sâu sắc của các nhà lãnh đạo Mekong - Nhật Bản, của cộng đồng quốc tế về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là những hoạt động lấn biển, xây đảo quy mô lớn.
Những thỏa thuận, cam kết đạt được trong chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tạo ra một nguồn lực mới và quan trọng để Việt Nam thực hiện tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Theo VTV